1. Nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) sẽ có hiệu lực vào năm 2018 (được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%), nhiều ý kiến bày tỏ khả năng hàng hóa Trung Quốc, nhất là hàng nông sản kém chất lượng, hàng giả mạo hàng Việt Nam và các nước khác sẽ tràn vào nước ta. Xin cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp, cơ chế gì để ngăn chặn vấn đề này?
Trả lời: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được ký ngày 29/11/2004 tại Lào, có hiệu lực từ ngày 19/10/2005. Lộ trình tự do hóa cuối cùng của ACFTA vào năm 2020 với tỷ lệ tự do hóa của Việt Nam dành cho Trung Quốc và các nước ASEAN vào khoảng 86%, trong khi tỷ lệ này của Trung Quốc là khoảng 95%. Tỷ lệ tự do hóa của Việt Nam trong ACFTA ở mức trung bình so với cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định Thương mại tự do khác và đáp ứng tiêu chí của WTO đối với một Hiệp định Thương mại tự do.
Để thực hiện cam kết trong ACFTA, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Ngày 1/9/2016, thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13, Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/NĐ-CP, có hiệu lực từ khi ban hành. Tuân thủ quy trình xây dựng Nghị định, Chính phủ đã lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và UBND các tỉnh, thành phố đối với dự thảo Nghị định.
Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng, phải tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế. Chúng ta không thể đơn phương ngăn chặn, cấm nhập khẩu hoặc có các biện pháp mang tính phân biệt đối xử đối với hàng hóa của một quốc gia nếu hàng hóa đó không vi phạm luật pháp Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Vấn đề thuế nhập khẩu xuống 0% và vấn đề hàng kém chất lượng, hàng giả là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Việc thuế nhập khẩu xuống 0% hay cao hơn không phải là nguyên nhân phát sinh vấn đề hàng kém chất lượng, hàng giả.
Trong nhiều năm qua, không phải đợi đến khi thực thi các cam kết giảm thuế trong khuôn khổ ACFTA, Chính phủ luôn coi trọng công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng (trong đó có hàng nông sản) với nhiều giải pháp cụ thể như:
Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tạo khung khổ pháp lý chặt chẽ, rõ ràng cho công tác này.
Kiện toàn bộ máy của Ban Chỉ đạo 389, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu (hải quan, biên phòng, kiểm dịch, …) và các cơ quan chức năng quản lý nội địa (quản lý thị trường, công an…).
Quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý theo đúng quy định đối với hàng kém chất lượng, hàng giả; tăng cường chống buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu.
Hoàn thiện hơn nữa hệ thống hàng rào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực hệ thống các đơn vị có chức năng kiểm định, giám định chất lượng hàng hoá.
Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng liên quan của các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc nhằm quản lý tốt các hoạt động thương mại biên giới; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả hàng kém chất lượng.
Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình “Tự hào hàng Việt” nhằm tuyên truyền ý thức sử dụng hàng Việt, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Về thông báo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết từ năm 2017 sẽ phạt người đi xe mô tô, xe gắn máy không tiến hành sang tên đổi chủ, nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội cho rằng việc làm này thiếu tính khả thi và khó thực hiện trong thực tế. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?
Trả lời: Việc quy định hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ luật Dân sự năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) và các quy định khác của pháp luật có liên quan, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu phương tiện đó.
Việc quy định xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên phương tiện hiện nay mới chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và trong công tác đăng ký xe. Khi xe đang tham gia giao thông, lực lượng CSGT không dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định nêu trên hiện nay vẫn còn một số khó khăn. Chính phủ đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền tạo hiệu ứng dư luận xã hội, ủng hộ việc thực hiện chủ trương này, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông và tuân thủ quy định của pháp luật.
3. Về việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố khảo sát kiểm nghiệm nước mắm truyền thống với kết quả nhiều mẫu nhiễm thạch tín gây hoang mang dư luận, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinastas cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời xem xét xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Vinastas theo quy định của pháp luật. Đến nay các dấu hiệu vi phạm của Vinastas đã được làm rõ chưa? Phương án xử lý đối với các vi phạm này thế nào?
Trả lời: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Công văn 9030/VPCP-KGVX ngày 22/10), ngay trong ngày, Bộ Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm y tế, nông nghiệp, công thương, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm cả quy mô công nghiệp và truyền thống tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời lấy mẫu nước mắm các loại, gửi phân tích tại các labo chuẩn. Kết quả không phát hiện mẫu nước mắm nào vượt ngưỡng arsen vô cơ (thạch tín). Bộ Y tế đã công bố ngay kết quả để ổn định sản xuất và tiêu dùng, tránh hoang mang dư luận. Bộ Công Thương đã tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động của VINASTAS; Bộ Thông tin và truyền thông đã khẩn trương kiểm tra, xử lý sai phạm đối với báo chí trong việc đưa tin.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, VINASTAS đã có các sai phạm:
- Kết quả khảo sát nước mắm của VINASTAS không tin cậy và minh bạch do không xây dựng Đề án và Kế hoạch khảo sát rõ ràng; việc khảo sát chủ yếu do Chủ tịch Hội và một số cá nhân thực hiện; nhiều khâu không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giám sát; quá trình lấy mẫu thiếu tin cậy, không đúng quy định; việc khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy, không đảm bảo tính độc lập theo quy định.
- Việc VINASTAS công bố thông tin sai về chất lượng nước mắm vừa qua có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm (đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh) và Khoản 6 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác).
Các sai phạm của VINASTAS đã được Bộ Công Thương làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đối với sai phạm của báo chí trong việc đưa tin đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính 50 cơ quan báo chí về hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, ngoài việc phạt tiền các cơ quan này đều bị áp dụng hình phạt bổ sung. Đến nay, trong 9 cơ quan báo chí có sai phạm nặng nhất đã có 6 cơ quan chủ quản đã có báo cáo gửi Bộ về hình thức xử lý kỷ luật các cá nhân. Bộ đang xem xét xử lý theo quy định của Luật Báo chí.
Ngày 29/11, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao: (1) Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cải chính thông tin mà Hội đã công bố về chất lượng nước mắm; tổ chức kiểm điểm làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật; (2) Bộ Nội vụ tổ chức kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Hội và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; chủ trì nghiên cứu làm rõ tư cách pháp lý của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm các vi phạm của Hội này theo quy định; (3) Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí có sai phạm xử lý nghiêm các cá nhân trong việc đưa thông tin thiếu trung thực, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Trước đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công an điều tra và sớm công bố kết quả vụ việc.
Hiện nay các Bộ, cơ quan đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, tiếp tục xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm của VINASTAS và các tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
4. Thời gian gần đây tiếp tục xảy ra các vụ cháy, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, tính mạng của nhân dân, trong đó có vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội gây thiệt hại nặng nề, làm 13 người chết. Có nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Xin Người Phát ngôn cho biết Chính phủ có những biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?
Trả lời: Thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Với sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền các cấp và nhân dân, công tác PCCC ở nhiều nơi đã được củng cố và tăng cường. Tuy nhiên, không ít tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình và chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn PCCC.
Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 47/2015/TT-BCA ngày 06/10/2015 hướng dẫn về bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an, Cảnh sát PCCC tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin truyền thông về PCCC, cứu nạn, cứu hộ.
Ngay khi xảy ra vụ cháy quán Karaoke tại phố Trần Thái Tông, TP Hà Nội ngày 01/11/2016, cùng với việc chỉ đạo khẩn trương chữa cháy, cứu người bị nạn, điều tra làm rõ nguyên nhân, kiên quyết xử lý các vi phạm, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1926/CĐ-TTg ngày 02/11/2016 chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác PCCC, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ các cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC, trường hợp nghiêm trọng phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Hiện nay các cơ quan chức năng đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
5. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp để xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sau khi Bộ Nội vụ có báo cáo. Xin Người Phát ngôn cho biết quan điểm, phương án xử lý của Chính phủ đối với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng?
Trả lời: Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã khẩn trương, phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành của pháp luật để xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, trong đó:
Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiến hành tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức phù hợp với tình hình thực tiễn./.