Người thắng lớn, kẻ thảm bại trong mùa phim hè 2016

Mùa phim hè sôi động đã chính thức khép lại với những dư vị khác nhau dành cho các hãng phim và công chúng.

Người chiến thắng

Disney: Chuỗi thắng lợi tại phòng vé từ mùa xuân của Disney với Zootopia và The Jungle Book được nối dài nhờ hai tác phẩm bom tấn: Captain America: Civil War (1,152 tỷ USD) và Finding Dory (929,1 triệu USD). Đây cũng là hai bộ phim ăn khách nhất trong mùa hè 2016. Trong khi Civil War hưởng lợi nhờ sự thắng thế của dòng phim siêu anh hùng, thì phần hai của Finding Nemo cho thấy sức hút khổng lồ của xưởng phim hoạt hình Pixar. Dẫu phải hứng chịu hai thất bại là Alice Through the Looking Glass và The BFG, đây vẫn là quãng thời gian cực kỳ thành công đối với Disney. Từ giờ tới cuối năm, họ còn nắm trong tay Doctor Strange và Rogue One: A Star Wars Story. Ảnh: Disney

Sony: Người ta nhắc nhiều đến thất bại mang tên Ghostbusters. Nhưng trên thực tế, đó là bộ phim thua lỗ duy nhất của Sony trong mùa hè 2016 - một bước tiến đáng kể so với quãng thời gian cùng kỳ năm 2015. The Angry Birds Movie khai thác tối đa đối tượng khán giả nhí và fan của ứng dụng di động gốc, thu 347 triệu USD so với mức kinh phí chỉ là 73 triệu USD. Sau đó, các dự án kinh phí thấp như The Shallows, The Sausage Party và Don’t Breathe đều mang về những kết quả ấn tượng. Ảnh: Sony

Warner Bros.: Chính thức vượt mốc doanh thu 600 triệu USD hồi tuần trước, Suicide Squad mang về thắng lợi tiếp theo về mặt kinh doanh cho Warner Bros. Nên nhớ rằng, con số đó không có thị trường Trung Quốc, bởi quốc gia tỷ dân đã ra quyết định cấm chiếu tác phẩm kể về sự ra đời của nhóm Biệt đội Tự sát. Thành công ấy đến từ chiến dịch eting bài bản, những đoạn trailer ấn tượng và sự tò mò lớn từ phía khán giả. Song, cũng giống như Batman v Superman: Dawn of Justice, Suicide Squad gây ra tranh cãi lớn về mặt nội dung và bị giới phê bình ghẻ lạnh. Bên cạnh đó, những Me Before You, The Conjuring 2 và Central Intelligence cũng góp phần vào thắng lợi của Warner Bros. Ảnh: Warner Bros.

Dòng phim kinh dị: The Conjuring 2 là bộ phim bị dán nhãn R thứ tư trong lịch sử điện ảnh đạt mức doanh thu trên 300 triệu USD. Thành công ấy khiến các nhà sản xuất lập tức bắt tay thực hiện phim riêng về ác ma Valak, giống như họ từng làm với búp bê ma Annabelle khi The Conjuring (2011) ăn khách. Nhưng thành công nhất có lẽ là Lights Out. Chỉ có kinh phí sản xuất 5 triệu USD, tác phẩm sau đó thu đến hơn 110 triệu USD và mới được “bật đèn xanh” thực hiện phần hai. Ngoài ra, những The Shallows, The Purge: Election Year và mới nhất là Don’t Breathe cũng góp phần tạo nên thắng lợi vang dội cho dòng phim kinh dị trong mùa hè năm nay. Ảnh: Warner Bros.

Dòng phim hoạt hình: Sau Zootopia hồi tháng 3, các bộ phim hoạt hình tiếp tục thu hút lượng lớn khán giả tới rạp trong mùa hè năm nay. Nhóm tác phẩm bao gồm The Angry Birds Movie, Finding Dory và The Secret Life of Pets. “Cú bước hụt” duy nhất đến từ Ice Age: Collision Course của Fox. Song, tuy bị giới phê bình trù dập, phần năm của Kỷ băng hà đến nay cũng đã kịp thu hơn 360 triệu USD so với mức kinh phí sản xuất là 105 triệu USD. Trong số nhóm thành công, The Secret Life of Pets là dự án mới nhất đến từ Illumination sau Minions (2015), giúp xưởng hoạt hình thu hẹp khoảng cách với “ông lớn” Pixar. Ảnh: Universal

Jason Bourne: Trở lại sau 9 năm, điều thành công nhất mà chàng điệp viên mất trí nhớ của Matt Damon làm được là nhen lại ngọn lửa nơi người hâm mộ. Không phải thương hiệu điện ảnh nào cũng hút khách sau một quãng thời gian dài vắng bóng như Jason Bourne. Đây chắc chắn là thương vụ thắng lợi dành cho Universal khi đạo diễn Paul Greengrass chỉ cần 120 triệu USD để thực hiện bộ phim. Ảnh: Universal

X-Men: Apocalypse: Tại riêng Bắc Mỹ, Apocalypse bị khán giả quay lưng khi chỉ thu được 155 triệu USD (tức còn kém mức 157 triệu USD của tập phim X-Men đầu tiên năm 2000). Song, nếu tính trên cấp độ toàn cầu, bộ phim mới của đạo diễn Bryan Singer vẫn giúp Fox mang về tới 542 triệu USD. Dẫu con số còn kém hơn 200 triệu USD so với tập gần nhất là Days of Future Past (2014), nó cho thấy X-Men vẫn là một trong những thương hiệu điện ảnh hàng đầu. Có điều đội ngũ sản xuất cần phải mau chóng có những cải tiến về mặt nội dung nếu muốn tiếp tục giữ chân công chúng. Ảnh: Fox

Kẻ thất bại

Paramount: Đây quả là một mùa hè đáng quên với hãng Paramount. Out of the Shadows, phần hai của Ninja Rùa, đến rồi đi với không một ấn tượng nào đáng kể. Nó chỉ thu được 239 triệu USD so với kinh phí sản xuất lên tới 125 triệu USD. Star Trek: Beyond rất hay, nhưng lại đang đứng trước nguy cơ thua lỗ. Còn Ben-Hur thì có thể khiến nhà sản xuất lỗ tới 100 triệu USD! Ảnh: Paramount

Các bộ phim được giới phê bình đánh giá cao: Nếu nhìn vào danh sách các phim được phát hành trên diện rộng và đạt điểm trên 70% ở trang Rotten Tomatoes trong mùa hè năm nay, có rất nhiều tác phẩm chỉ đạt thành tích phòng vé ở mức trung bình, thậm chí thua lỗ. Nhóm phim bao gồm The Nice Guys, The BFG, Ghostbusters, Star Trek Beyond, Pete’s Dragon và mới nhất là Kubo and the Two Strings. Mỗi phim lại có những nguyên nhân thất bại khác nhau, nhưng tất cả cho thấy chất lượng tác phẩm chưa chắc đã là bảo chứng tối ưu tại phòng vé ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Warner Bros.

Independence Day: Resurgence & The Legend of Tarzan: Nếu nhìn vào thành tích của hai dự án bom tấn, người ta có thể cho rằng đó là những thành công khi chúng đều thu trên 350 triệu USD và dựa trên những thương hiệu có tuổi đời khá cao, chưa chắc đã thân quen với đối tượng khán giả trẻ. Chỉ có điều, kinh phí sản xuất của cả hai đều quá lớn. Fox đã bỏ ra 165 triệu USD cho phần hai của Ngày độc lập, còn màn tái xuất của “chàng hoàng tử rừng xanh” có kinh phí lên tới 180 triệu USD. Công chúng sẽ rất khó được chứng kiến Indepedence Day 3 hay The Legend of Tarzan 2 trong thời gian tới. Ảnh: Fox

Alice Through the Looking Glass: Phần tiếp theo của Alice in Wonderland (2010) bị nhắc tới nhiều nhất trong loạt “bom xịt” mùa hè năm nay bởi nó chính là tác phẩm đầu tiên vấp phải thất bại. Tiêu tốn của Disney tới 170 triệu USD, nhưng Alice Through the Looking Glass rốt cuộc chỉ thu được 294,5 triệu USD, tức chưa bằng 1/3 thành tích của tập đầu tiên. May mắn cho Disney là họ lại có nhiều thắng lợi vang dội khác để bù đắp cho thất bại đau đớn này. Ảnh: Disney

Steven Spielberg: Ông trùm của dòng phim bom tấn trở lại trong mùa hè 2016 với The BFG - Chuyện chưa kể ở xứ sở Khổng lồ. Steven Spielberg đã tiêu tốn của Disney tới 140 triệu USD và đây là tác phẩm đắt đỏ thứ hai trong sự nghiệp kéo dài hơn 40 năm của ông. Song, tác phẩm phiêu lưu giả tưởng bị khán giả đại chúng thờ ơ và tới nay mới chỉ thu về vỏn vẹn 141 triệu USD. Ảnh: Disney

Jason Statham: Ra mắt ở thời điểm cuối mùa hè, nhưng Mechanic: Resurrection của ngôi sao hành động người Anh chỉ thu được 7,5 triệu USD nội địa sau ba ngày trình chiếu, kém xa tác phẩm kinh dị kinh phí thấp Don’t Breathe trên bảng xếp hạng. Rõ ràng Jason Statham đang gặp vấn đề với các bộ phim mà mình sắm vai chính khi chúng chưa bao giờ ra quân ở mức trên 20 triệu USD. Với Mechanic: Resurrection, hãng Lionsgate giờ chỉ còn biết đặt hy vọng mong manh ở các thị trường quốc tế. Ảnh: Lionsgate

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói