Nhà báo Trần Thanh Phương: Người có nhiều tài liệu nhất Việt Nam

Trong các cuộc vui với bạn bè, nhà báo Trần Thanh Phương thường nói đùa: “Các nhà văn, nhà báo có tài viết ra nhiều tác phẩm để đời, Phương không có tài nhưng Phương có… tài liệu”.

Hôm qua 19/6, nhà báo Trần Thanh Phương đưa tất cả gia sản “tài liệu” được ông sưu tập trong 40 năm qua ra trình làng. Cuộc triển lãm tài liệu của nhà báo Trần Thanh Phương diễn ra tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM (69 Lý Tự Trọng, Q.1) đến hết ngày 23/6. Tuy nhiên, lãnh đạo thư viện này cho biết, triển lãm có thể kéo dài hơn vì nhu cầu người thưởng lãm sẽ rất lớn.

Những bài báo còn sống mãi

Tư liệu của nhà báo Trần Thanh Phương đa phần là những bài báo đã in trong hàng chục năm qua. Thông thường, sau khi đọc xong một tờ báo người ta sẽ quên nó đi. Nhưng với Trần Thanh Phương, mỗi bài báo đều có giá trị nhất định của nó.

Những bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trước đến nay được Trần Thanh Phương lưu giữ cẩn thận thành 5 tập dày cộp. Những bài báo viết về danh nhân, nguyên thủ quốc gia như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt… đều được Trần Thanh Phương hệ thống thành sách.

Các bạn trẻ vây quanh để nhà báo Trần Thanh Phương ký tên lên Còn là tinh anh
Các bạn trẻ vây quanh để nhà báo Trần Thanh Phương ký tên lên Còn là tinh anh

Trong dòng thời sự diễn ra hàng ngày như dòng nước mãi trôi, rất nhiều sự kiện mà vài chục năm sau người ta vẫn nhớ. Ví dụ như: vụ sóng thần, động đất ở Nhật Bản, vụ án Năm Cam, vụ án Minh Phụng Epco, sập cầu Cần Thơ, ca mổ cặp song sinh Việt - Đức, nước Mỹ bị tấn công trong vụ 11/9… cũng được Trần Thanh Phương sưu tập tất cả các tin, bài, hình ảnh từng in trên báo trong nước.

Một vài ý kiến cho rằng, thời buổi “Google” mọi thông tin, việc làm của nhà báo Trần Thanh Phương xem ra rất rảnh rỗi. Tuy nhiên, đứng trước những bài báo mà Trần Thanh Phương sưu tập, đối diện với giấy trắng mực đen cho ta cảm giác khác biệt về những gì đã diễn ra được báo chí đề cập.

Từ công việc thầm lặng trong suốt 40 năm qua dành cho những bài báo, có thể nói nhà báo Trần Thanh Phương đã góp phần làm cho những bài báo sống với thời gian chứ không chỉ sống trong 1 ngày hay 1 tháng. Công sức và tâm huyết của ông đánh động đến rất nhiều người và họ đã tin tưởng giao tài liệu gia đình sưu tập qua nhiều thế hệ cho nhà báo Trần Thanh Phương sử dụng.

Không chỉ là bút tích của nhà văn

Trong triển lãm này, ngoài những bài báo, nhà báo Trần Thanh Phương còn trưng bày hơn 100 chân dung và bút tích của các nhà văn Việt Nam qua các thời kỳ. Việc sưu tầm bút tích hay chữ ký của người nổi tiếng nhiều người đã làm, nhưng sưu tập bút tích của nhà văn của Trần Thanh Phương thật đáng nể.

Sẽ tặng hết tài liệu cho thư viện

Nhà báo Trần Thanh Phương và vợ - nhà báo Phan Thu Hương cho biết sẽ tặng hết tài liệu của mình cho Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM khi ông qua đời.

Nhà báo Trần Thanh Phương sinh năm 1940 tại Cà Mau, ông từng làm phóng viên báo Nhân dân, Phó TBT báo Đại đoàn kết. Ông được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam xác lập 3 kỷ lục liên quan đến công việc sưu tập tài liệu.

Cả đời làm báo và sưu tập tài liệu từ báo, nhà báo Trần Thanh Phương được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Bút tích trong triển lãm này đa phần là trích đoạn các tác phẩm văn xuôi, thơ của các nhà văn. Tuy nhiên, xem bút tích của các nhà văn mới vỡ ra nhiều điều thú vị. Chẳng hạn như bút tích của nhà văn Nguyễn Khải là một trang bản thảo với chi chít những gạch xóa, sửa chữa. Điều này thể hiện nhà văn Nguyễn Khải rất kỹ tính khi sáng tác trước lúc đưa tác phẩm của mình cho công chúng đọc.

Bút tích của nhà văn “ăn mày dĩ vãng” Chu Lai lại cung cấp thêm một thông tin thú vị cho người xem. Chu Lai viết: “Một chút tiểu sử: Tên thật là Chu Ân Lai, sinh 5/2/46, Hưng Yên. Đi học bị bạn giễu đổi thành Chu Văn Lai. Vào bộ đội đi chiến trường đổi gọn thành Chu Lai cho tiện. Và thành bút danh luôn…”. Với những người đọc yêu mến tác phẩm của Chu Lai, lâu nay vẫn nghĩ ông nhà văn này lấy địa danh sân bay Chu Lai ở tỉnh Quảng Nam làm bút danh, hóa ra Chu Lai là tên thật được rút gọn của ông.

Xem bút tích các nhà văn, người đọc còn biết thêm nhà thơ Vũ Đình Liên có đến hai bài thơ “Ông đồ”. Bài thơ Ông đồ viết năm 1935 với đoạn mở đầu: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua”. Bài Bóng ông đồ viết năm 1982 với đoạn mở đầu: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy bóng ông đồ/ Bút nghiên và giấy đỏ/ Ngồi đúng chỗ ngồi xưa”. Bút tích nhà thơ Vũ Đình Liên ghi: “Hai bài thơ “Ông đồ” hay nửa thế kỷ thương yêu tin tưởng”.

Những tài liệu của nhà báo Trần Thanh Phương sẽ giúp ích rất nhiều cho giới nghiên cứu văn chương cũng như bạn đọc quan tâm.

Ra mắt sách Còn là tinh anh

Tại triển lãm, nhà báo Trần Thanh Phương đã ra mắt cuốn sách Còn là tinh anh (NXB Văn hóa Văn nghệ) viết về những tháng ngày cuối cùng của các nhà văn như: Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Thâm Tâm, Nam Cao, Lê Văn Trương, Nguyễn Bính, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khải, Sơn Nam, Thảo Phương, Tế Hanh, Chim Trắng… Trần Thanh Phương đã mượn chữ trong câu Kiều: “Thác là thể phách còn là tinh anh” để đặt tên cho cuốn sách này.

Những ngày tháng cuối đời các nhà văn của chúng ta ra sao đều được Còn là tinh anh trả lời, căn cứ từ tài liệu báo chí một thời đăng tải.

Theo Thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast