Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, huyện Can Lộc cùng đại diện các ban, ngành và đông đảo bà con tham dự buổi lễ
Theo gia phả họ Đặng Việt Nam, Đặng Quang (1370 - 1410) là con của Danh tướng Đặng Tất và em trai của Đặng Dung. Trong một lần tiến quân ra Bắc, Đặng Tất đã phân công Đặng Quang đi xây dựng lực lượng. Khi đến làng Cẩm La, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung (Thanh Hóa), thấy nhiều yếu tố thuận lợi nên ông dừng chân và bắt đầu xây dựng lực lượng, nghĩa quân khắp nơi hội tụ về.
Chương trình văn nghệ tại buổi lễ
Năm 1409, sau khi Đặng Tất từ trần, ông cùng với anh trai là Đặng Dung và một số tướng sĩ phò Trần Quý Khoáng về Chi La (Đức Thọ) tôn làm vua, lấy hiệu là Trùng Quang Đế. Nhờ lập nhiều chiến công nên được vua thưởng 100 lạng bạc và phong tước hầu, nhưng ông chỉ nhận bạc về khao quân và giúp đỡ dân sở tại.
Cuộc kháng chiến nhà hậu Trần thất bại, Đặng Quang rời Cẩm La trở về quê hương, nhưng sau một năm thì qua đời và được mộ táng tại làng Chính Thống, tả Thiên Lộc (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc).
Con cháu dòng họ Đặng và nhân dân xã Tùng Lộc rước bằng văn hóa về nhà thờ Đặng Quang
Đời vua Lê Tương Dực (1509 - 1515), Đặng Quang được ban sắc phong “Đương Cảnh Ương Cảnh Thành Hoàng Vũ Căng Uy Dũng Công Thần Tây Việt Vương Trung Đẳng Thần”.
Nhà thờ Đặng Quang tại xã Tùng Lộc được con cháu xây dựng từ khoảng 300 năm về trước, trên mảnh đất hương hỏa của dòng họ. Lúc đầu chỉ gồm một ngôi nhà ba gian, bộ khung làm bằng gỗ, mái lợp bằng tranh tre. Nhà thờ sau đó đã được nhiều lần tu sửa, tôn tạo lại.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL và huyện Can Lộc trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Đặng Quang cho đại diện con cháu dòng họ
Đến nay, nhà thờ Đặng Quang đã được trùng tu, làm lại mới khang trang, bề thế với kiến trúc hai tòa bằng gỗ, khép kín trong một khuôn viên riêng với các hạng mục như: Bái đường, thượng điện được xây dựng theo lối kiến trúc 3 gian được làm bằng gỗ lim, hệ thống cột, kèo được chạm khắc tinh xảo nhưng vẫn giữ được lối kiến trúc xưa, có giá trị về mặt lịch sử và tâm linh.
Không những được thờ tự tại quê hương, đền thờ Đặng Quang còn được lập tại Cẩm La và đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hiện nay, tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, có một tuyến đường mang tên ông. |