“Tôi dự đoán cháu mình sẽ đi hưởng tuần trăng mật trên Mặt trăng. Lên Mặt trăng chỉ tốn 3 ngày, nên tôi nghĩ chuyện này là hoàn toàn có thể", nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng Michio Kaku cho biết.
Cũng theo ông Kaku, nhân loại cần có kế hoạch di cư lên sao Hỏa để tránh bị tuyệt chủng. Trong tương lai gần, chúng ta buộc phải biến sao Hỏa trở thành thuộc địa của mình.
Sao Hỏa sẽ trở thành quê hương mới của loài người? Ảnh: ABC. |
Kế hoạch B cho nhân loại
Tác giả cuốn sách “Tương lai của nhân loại” nhận định con người dễ có chung số phận với các loài khác. Nếu muốn tồn tại, chúng ta cần một kế hoạch dự phòng, tránh xa những mối đe dọa tiềm ẩn từ Trái Đất.
“Lấy khủng long làm ví dụ. Chúng không có cho mình một chương trình không gian, chính vì vậy khủng long không còn ở đây để nói chuyện với chúng ta nữa. Trái Đất rất ấm áp và dễ chịu. Nhưng tự nhiên luôn tàn nhẫn với những dạng sống không hiệu quả. Do đó, tuyệt chủng là chuyện bình thường".
“99,9% dạng sống sẽ trở thành hóa thạch và biến mất khỏi bề mặt Trái Đất”, ông Kaku nói. Ngoài ra ông cũng ủng hộ việc cải tạo các hành tinh khác thành môi trường có thể sinh sống được.
Ông tin điều này có thể đạt được đối với sao Hỏa bằng việc phóng các vệ tinh phản chiếu ánh sáng mặt trời làm tan chảy lớp băng của nó, tạo ra một bầu khí quyển sơ khai.
Khi nhiệt độ của sao Hỏa tăng lên khoảng 6 độ, sự thay đổi sẽ tự diễn ra. Tất cả những hiệu ứng nhà kính sẽ biến mất và hành tinh này sẽ tự cải tạo môi trường sống của nó như Trái Đất đã làm cách đây hàng tỷ năm.
Nhưng sao Hỏa chỉ là gợi ý, chủ yếu là con người cần có phương án sơ tán khỏi Trái đất.
"Đừng nhầm lẫn, tôi không nói về việc phải dốc toàn lực, đốt sạch tài nguyên của Trái Đất để tìm mọi cách lên sao Hỏa. Chúng ta đang bàn về việc nhân loại nên có phương án rời khỏi hành tinh mẹ và khả năng thuộc địa hóa các hành tinh khác".
Giáo sư vật lý lý thuyết Michio Kaku tin rằng con người cần phải có "Kế hoạch B" để tránh tuyệt chủng. Ảnh: ABC. |
Chi phí du hành vũ trụ còn thấp hơn làm phim Hollywood
Hiện tại, để vận chuyển bất cứ vật hay người tới sao Hỏa đều mất khoảng 1 triệu USD cho nửa kilogram. Con số không hề rẻ, nhưng giáo sư Kaku dự đoán nó sẽ không ở mức đó lâu.
Ông lấy ví dụ từ bộ phim “The Martian” của Matt Damon. Bộ phim này sử dụng 100 triệu USD để hoàn thành, song chính phủ Ấn Độ chỉ mất 70 triệu USD để gửi một máy thám hiểm lên sao Hỏa.
“Một bộ phim Hollywood về du hành đến sao Hỏa tốn kém còn hơn việc thực sự tới sao Hỏa. Chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng biến du hành sao Hỏa trở thành một ngành công nghiệp. Và chi phí chắc chắn sẽ còn giảm nữa”, ông nói.
Ông tin rằng con người có khả năng du hành không gian mà không cần phải rời khỏi nhà.
Kaku gọi đây là “Dịch chuyển laser” - cách kí ức và suy nghĩ một người nào đó được số hóa trong bản sao AI, sau đó truyền vào không gian thông qua các tia laser.
“Trong vòng 1 giây, bạn ở Mặt trăng, 20 phút ở sao Hỏa và trong vài giờ bạn đã đến sao Mộc... Sẽ tới lúc người ta có thể số hóa tất cả những gì chúng ta biết về Einstein, lập trình cho một con robot với tất cả các tính cách ấy”, ông nói.
Ông cho rằng “Dịch chuyển laser” sẽ trở thành hiện thực trong vòng 50 đến 100 năm nữa. Thậm chí đã có những thí nghiệm từng xảy ra mà không ai hay biết.“
Tôi tin việc này có thật. Người ngoài hành tinh có thể đã kỹ thuật số được tính cách của họ và sử dụng dịch chuyển laser để đưa ý thức đó đi với tốc độ ánh sáng”.
Giáo sư Kaku tin rằng trong tương lai không xa, con người có thể trò chuyện với các bản sao AI của những nhân vật nổi tiếng như Albert Einstein. Ảnh: Getty Central Press. |
Hiệp ước không gian là cần thiết
Du lịch không gian, thuộc địa hóa sẽ cần có nền tảng hỗ trợ của luật pháp và các quy định. Thực tế, nhân loại đã có bộ hiệp ước vũ trụ từ năm 1967. Hiệp ước này quy định không được đem vũ khí hạt nhân vào vũ trụ, các quốc gia cũng không được đòi quyền sở hữu sao Hỏa hay Mặt trăng.
Theo giáo sư Kaku, hiệp ước này vẫn chưa rõ ràng. “Chúng ta cần một hiệp ước ngoài vũ trụ để quy định về việc đi lại khi du hành không gian, cả quy định cho những tổ chức tư nhân”.
“Elon Musk mở bán vé cho chuyến đi thương mại tới mặt trăng đầu tiên, và một tỷ phú người Nhật đã bao trọn gói cả quả tên lửa ấy. Vì vậy, giờ đây năng lực kinh tế mới là điều quyết định cho việc đi tới Mặt trăng”.
Vào năm 1969, không mấy ai nghĩ tới việc một nhà tài phiệt có thể tự chế tạo tên lửa rồi đi thuộc địa hóa Mặt trăng. Ảnh: NPR. |
Lượng tỷ phú trên thế giới ngày càng nhiều hơn, và ai cũng biết tài nguyên vũ trụ nhiều hơn tài nguyên Trái đất nhiều lần, thậm chí có thể là vô hạn. “Chúng ta cần những quy định mới trước khi một sự kiện như cơn sốt vàng ở California xảy ra và hàng ngàn thợ mỏ tranh giành nhau săn vàng”, ông Kiku cho biết.
Trung Quốc đang chạy đua đến Mặt trăng, Nhật và Ấn Độ đã gửi tàu thăm dò đến đó, ngay cả Google cũng muốn khai thác các tiểu hành tinh.
Trong trò chơi vũ trụ này, vàng chỉ là một thứ rất rất nhỏ. Ai biết được trong tương lai, một tiểu hành tinh nào đó cấu tạo hoàn toàn từ vàng khối sẽ trở thành điểm đến của tất cả những "thợ mỏ California" năm nào?