Cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, lưu học sinh cùng đông đảo bà con kiều bào đang học tập, sinh sống tại Nhật Bản đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại sân bay Quốc tế Haneda, Thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 29-5 - Ảnh: TTXVN
Theo đặc phái viên TTXVN, Nhà nước Nhật Bản đã dành nghi thức cấp cao nhất chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đến Thủ đô Tokyo. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân bước ra cửa chuyên cơ trong tiếng âm vang của 21 loạt đại bác chào mừng.
Ngay sau khi tới Nhật Bản, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đi thăm tỉnh Gunma - địa phương hiện có khoảng 3.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc.
Theo chương trình, sáng 30-5, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sang thăm Nhật Bản cấp Nhà nước sẽ được tổ chức trọng thể tại Hoàng cung ở Thủ đô Tokyo. Nhà vua Nhật Bản Akihito chủ trì lễ đón.
Năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, có sự tin cậy cao.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tới Nhật Bản khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; tăng cường quan hệ gần gũi và sự tin cậy chính trị giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản - Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Nhận định về quan hệ đặc biệt giữa hai nước, Giáo sư Go Ito, chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Khoa học chính trị, Đại học Meji cho biết có 2 yếu tố giúp quan hệ Nhật Bản và Việt Nam có bước phát triển được đánh giá là tốt đẹp nhất từ trước đến nay.
Đó là cả hai nước đều có những mối quan tâm chung về các thách thức an ninh và việc ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam theo học tại Nhật Bản.
Theo ông Ito, trước hết, hai nước đều quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông.
Trong khi đó, với yếu tố thứ hai, số du học sinh Việt Nam học tập tại Nhật Bản đang tăng nhanh và nếu như xu hướng này tiếp tục thì không chỉ đơn giản là quan hệ hợp tác về giáo dục mà còn là sự giao lưu văn hóa, đào tạo dạy nghề, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế phát triển, tạo nên sự gắn kết về chính trị.
Giáo sư Đại học Meji nhấn mạnh giao lưu của con người là nguồn gốc của mọi quan hệ, vì vậy, nhờ vào sự phát triển ngày một mạnh mẽ này, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng sâu sắc hơn.