Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/11 với sự tham dự của các đại biểu là đại diện các ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án đến từ 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế
Tính đến thời điểm này, có 26/63 tỉnh thành phố thực hiện ký kết chương trình phối hợp (chiếm 41,2%). Hội LHPN Việt Nam đã ban hành 29 văn bản đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái; phối hợp truyền thông đối với các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái...
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa giới thiệu một số kết quả bước đầu và giải pháp tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội Phụ nữ và liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.
TAND tối cao đã chủ trì ban hành Nghị quyết 06/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; Bộ Công an đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc giải quyết các tố giác liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Từ năm 2014 - 2017, TAND các cấp đã thụ lý 6.670 vụ với 7.149 bị cáo phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, đã xét xử, giải quyết 6.424 vụ với 6.886 bị cáo, đạt tỷ lệ 96,3%. Xét xử 29 bị cáo mức án chung thân và tử hình, 4.527 bị cáo xử phạt tù có thời hạn và 470 bị cáo hưởng án treo; độ tuổi các bị cáo chủ yếu hơn 30 tuổi.
Đại biểu đến từ Công an tỉnh Nghệ An trả lời câu hỏi của giảng viên Bùi Thị Hòa về kết quả thực hiện công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái của ngành. Theo đó, kịp thởi xử lý, khởi tố, điều tra vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái và có biện pháp phù hợp trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các đối tượng.
Tại hội thảo, các đại biểu đề cập những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hình sự đối với các tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em nhưng vẫn còn 10% các vụ án còn vướng mắc, chưa được giải quyết; khó xác định chứng cứ vì không bắt được quả tang trong khi trẻ em còn nhỏ chưa nhận thức được đầy đủ; cơ quan tố tụng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất; vì e ngại ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm, nhiều gia đình không dám trình báo giải quyết...
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa thông tin: Tính đến nay, có 26/63 tỉnh thành phố trên toàn quốc thực hiện ký kết Chương trình phối hợp (chiếm tỷ lệ 41,2%)
Đại biểu các tỉnh cũng đã tham gia trao đổi, thảo luận và so sánh đối với kinh nghiệm của Hàn Quốc về lồng ghép giới trong chính sách và dịch vụ bảo vệ phụ nữ, trẻ em: đối tượng bị xâm hại; hành vi giao cấu, dâm ô, hiếp dâm, tình tiết tăng nặng... Từ đó, gợi ý áp dụng tại Việt Nam.
Thượng tá Trần Ngọc Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm giám định pháp y - Viện khoa học Hình sự (Bộ Công an) thông tin về công tác giám định phục vụ điều tra các vụ án xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em
Trên cơ sở các ý kiến của đại biểu, hội thảo đã đưa ra phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện chương trình như: phấn đấu đến hết năm 2020 đạt 100% tỉnh/thành phố ký kết chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện phối hợp hàng năm; tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em và bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, ký năng chống xâm hại; tăng cường công tác giám sát, các hoạt động hỗ trợ can thiệp...