Khách quốc tế đến Phú Quốc tham quan, nghỉ dưỡng thời gian gần đây - Ảnh: CHÍ CÔNG
Một trong những sân bay miền Tây nhộn nhịp nhất là sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) cũng không thể lấp đầy hành khách trên các chuyến bay.
Trước tình trạng này, các địa phương thừa nhận không thể chỉ trông chờ vào mùa cao điểm du lịch như hiện nay mà cần tính tới giải pháp căn cơ và lâu dài hơn.
Các cảng hàng không đều vắng khách
Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cho biết, sân bay Phú Quốc từng có khoảng 40 chuyến bay/ngày trong thời điểm bình thường, riêng mùa cao điểm du lịch đón khoảng 70 - 75 chuyến bay/ngày.
Tuy nhiên, số lượng chuyến bay hiện nay còn khoảng 26 chuyến/ngày (giảm khoảng 35% so với trước đây).
Riêng từ ngày 1-1 đến 13-10-2023, có khoảng 27.387 chuyến bay cất và hạ cánh xuống sân bay Phú Quốc, giảm 25% so với năm 2022, đạt 60% so với kế hoạch năm.
Đặc biệt, trong dịp lễ 2-9 vừa qua, Phú Quốc đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch quốc tế đến Kiên Giang cũng đang giảm dần, đường bay kết nối đến Phú Quốc chỉ còn Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan.
Một sân bay lớn khác ở miền Tây là sân bay quốc tế Cần Thơ cũng không khai thác hết công suất 3 triệu lượt khách/năm như kỳ vọng. Theo Sở GTVT Cần Thơ, vào năm 2019, sân bay này khai thác khá tốt với 10 đường bay nội địa và bốn đường bay quốc tế, khoảng 1,3 triệu hành khách/năm, tức đạt gần 50% công suất thiết kế sân bay.
Sau dịch COVID-19, Sở GTVT Cần Thơ phối hợp với Sở Công Thương, Sở VH-TT&DL Cần Thơ đã xúc tiến một số đường bay mới, trong đó có đường bay Cần Thơ - Quảng Ninh.
Tuy nhiên, đường bay này chỉ hiệu quả vào mùa du lịch, hoàn toàn vắng khách vào mùa thấp điểm như hiện nay. Ông Nguyễn Minh Tuấn, giám đốc Sở VH-TT&DL Cần Thơ, cho biết Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ còn khai thác tám đường bay nội địa, trung bình các chuyến bay khai thác khoảng 80% công suất.
Ông Phạm Thanh Lâm, giám đốc Cảng hàng không Cà Mau, cho biết nhiều năm qua Cảng hàng không Cà Mau chỉ khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP.HCM và ngược lại với tần suất năm chuyến mỗi tuần.
Nhìn chung các chuyến bay đi và đến Cà Mau đều có lượng khách ổn định, trung bình từ 80% số ghế trở lên". Từ ngày 29-4, đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội được đưa vào khai thác với tần suất ba chuyến mỗi tuần.
Các chuyến bay luôn đông khách nhưng do đường băng cất và hạ cánh còn hạn chế nên các tàu bay phải giảm tải. Đối với chuyến bay Hà Nội - Cà Mau được khai thác 75/98 ghế và chiều Cà Mau - Hà Nội được khai thác 83/98 ghế.
Từ khi khai thác các đường bay này, đa phần các chuyến đều kín chỗ ngồi (theo quy định giảm tải). Tuy nhiên từ ngày 25-7, để nâng cấp đường băng, đường bay Cà Mau - Hà Nội phải tạm ngưng cho đến nay.
"Đau đầu" tìm giải pháp thu hút khách cho sân bay miền Tây
Ông Bùi Quốc Thái, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết là TP đảo nên việc kết nối đến Phú Quốc chỉ có thông qua đường hàng không và đường biển, trong đó đường hàng không hiện chiếm khoảng 70% lượng hành khách đến Phú Quốc.
Do nhiều nguyên nhân khách quan như thời tiết, suy thoái kinh tế khiến khách có xu hướng ít đi du lịch và việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua cũng có phần ảnh hưởng đến việc thu hút khách.
“Giá vé máy bay tăng cao, khách ít đi du lịch Phú Quốc kéo theo các chuyến bay cũng giảm tần suất bay” - ông Thái nói và cho biết địa phương sẽ phối hợp Hiệp hội Du lịch kêu gọi các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn cùng ngồi lại hợp tác, đồng lòng củng cố lại sản phẩm dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của khách du lịch để đôi bên cùng chia sẻ lợi ích.
Theo bà Quảng Xuân Lụa - giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và du lịch Kiên Giang, các doanh nghiệp làm du lịch Phú Quốc cùng với các hãng hàng không đang xây dựng các chương trình kích cầu du lịch.
“Chúng tôi cũng đang kết nối với doanh nghiệp và hàng không xây dựng các gói combo tour tuyến hấp dẫn với giá cả phù hợp để khách yên tâm đến với Phú Quốc vui chơi, nghỉ dưỡng”, bà Lụa cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết theo chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, cuối tháng 11 sở sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức hội nghị về phát triển đường bay Cần Thơ tới các thị trường trọng điểm.
“Chúng tôi cũng đã phối hợp với Viện Kinh tế xã hội TP để xúc tiến nội dung cụ thể, sẽ mời hãng hàng không và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ để trao đổi nội dung tổ chức hội nghị, mục đích để kích cầu du lịch”, ông Tuấn thông tin.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa - phó giám đốc Sở GTVT Cần Thơ, sân bay chỉ khai thác hiệu quả khi mùa cao điểm du lịch còn thấp điểm thì ngược lại cho thấy không chỉ tính đến du khách mà cả những người dân sử dụng đường hàng không từ các “kênh” khác.
"TP Cần Thơ đang triển khai một số dự án lớn như Khu công nghiệp VSIP, sân golf và những dự án lớn khác nên sẽ có nhiều đối tượng lao động, chuyên gia đến TP, từ đó sẽ tăng lượng người đến TP.
Thời gian tới việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến cao tốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khu vực đến TP Cần Thơ nhanh hơn, góp phần thu hút người sử dụng sân bay Cần Thơ", ông Khoa kỳ vọng.
Sân bay nơi đông, nơi vắng hoe Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong chín tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng hành khách qua các cảng hàng không nội địa đạt 89 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc nội giảm 3,6%, chỉ đạt 65,3 triệu khách. Riêng lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng lên tới 266,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 23,7 triệu khách. Dù thị trường quốc tế mở cửa gần như hoàn toàn nhưng các hãng hàng không nội địa của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Các hãng mở rộng mạng bay bay quốc tế để tăng doanh thu thay vì tập trung ở thị trường nội địa. Chẳng hạn trong quý 3-2023, Hãng Vietjet đã mở mới bảy đường bay quốc tế, nâng tổng số đường bay lên 125 (45 đường bay quốc nội và 80 đường bay quốc tế). Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng hàng không tại Việt Nam cho biết các đường bay tỉnh thường xuyên rơi vào tình trạng lỗ, trừ ngày lễ, Tết. Do đó, việc duy trì đường bay thường lệ khá căng thẳng trong thời điểm này đến những sân bay vắng khách như Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá... Hầu hết các “cứ điểm” mà hãng bay khai thác tập trung như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài, Cam Ranh, Đồng Hới. Theo đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, đơn vị này đang quản lý khai thác 22 sân bay, trong đó chỉ có sáu sân bay có lãi, còn lại thu không đủ bù chi. Trong đó có sân bay mỗi ngày chỉ khai thác 3-4 chuyến nhưng cảng vẫn phải vận hành 24/7 để đảm bảo an ninh, an toàn trong vấn đề khai thác... “Hãng bay than lỗ, vắng khách nên dừng khai thác ở một số chặng bay đến sân bay nhỏ khiến các sân bay này ngày càng vắng khách hơn”, vị này nói. |