Nhiều ý kiến tán thành nâng Pháp lệnh Công an xã lên thành Luật

Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ hai, chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Công an xã.

nhieu y kien tan thanh nang phap lenh cong an xa len thanh luat

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nâng Pháp lệnh Công an xã lên thành Luật

Tờ trình dự án Luật do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ trong điều kiện hiện nay, tình hình đất nước đã có những thay đổi; trong khi đó các quy định của Pháp lệnh Công an xã (2009-2015) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với Công an xã đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở trong tình hình mới.

Thực tế đó đòi hỏi phải có một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn để quy định đầy đủ, toàn diện về tổ chức, hoạt động của Công an xã, cũng như chế độ, chính sách, bảo đảm các điều kiện hoạt động và những vấn đề khác có liên quan tới lực lượng Công an xã nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo.

Việc xây dựng dự thảo Luật tạo cơ sở pháp lý mới đầy đủ, tương xứng hơn trong tổ chức hoạt động, chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Công an xã; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 47 điều. So với Pháp lệnh Công an xã (gồm 5 Chương, 25 Điều), dự thảo Luật đã bổ sung 22 Điều.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định mới về vị trí và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Công an xã.

Đây là những nội dung quan trọng nhằm xác định rõ vị trí của Công an xã trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở cũng như bảo đảm các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện… đối với Công an xã để lực lượng này thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Về vị trí của Công an xã, dự thảo Luật quy định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Công an xã trên cơ sở nâng lên từ Pháp lệnh; việc thực hiện chức năng quản lý về an ninh trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do lực lượng Công an xã đảm nhiệm có liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định.

Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự án Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; hồ sơ đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất trong quy định giữa các luật có liên quan tới dự án Luật Công an xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị trên cơ sở tổng kết 7 năm thi hành Pháp lệnh Công an xã, cần làm sâu sắc hơn nữa báo cáo tác động của dự án Luật.

Nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật, xác định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, vì cho rằng thực tiễn hoạt động của lực lượng Công an xã theo mô hình này đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, không phát sinh vướng mắc gì lớn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu, việc giữ nguyên địa vị pháp lý như vậy sẽ không làm phát sinh tổ chức, biên chế, phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần thể hiện rõ tính chất “vũ trang bán chuyên trách” của lực lượng Công an xã để thể hiện rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Công an xã, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Công an nhân dân, Luật cán bộ, công chức và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Bên cạnh sự ghi nhận những kết quả đạt được của lực lượng Công an xã thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá những tồn tại trong hoạt động của lực lượng này có nguyên nhân chính liên quan tới địa vị pháp lý, nhiệm vụ quyền hạn và chế độ chính sách.

Theo đại biểu, nếu vẫn giữ nguyên như nền của Pháp lệnh nâng lên thành luật, thì khó có thể giải quyết được thực trạng của tình hình như vừa qua.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, dự thảo Luật có 47 điều, trong đó có 9 điều giao cho Chính phủ và 6 điều cho Bộ Công an quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành như vậy là nhiều, tính cụ thể của dự thảo Luật chưa tốt.

Chủ tịch Quốc hội và nhiều ý kiến khác đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, cố gắng quy định cụ thể hơn ngay trong Luật để thuận tiện trong áp dụng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cần rà soát, quy định gọn hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng Luật.

Nhiều ý kiến đề nghị, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tính liên tục trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã như quy định trong dự thảo Luật, đề nghị bổ sung quy định tiêu chuẩn về trình độ cho từng chức danh khi được tuyển chọn, bổ nhiệm, điều động, công nhận.

Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Công an xã; quản lý nhà nước đối với Công an xã; tiêu chuẩn tuyển chọn Công an xã…

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Công an xã, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2.

Hôm nay (16/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.