Lạc giữa những lối đi cao thấp điệp trùng trong những hang đá được trang trí cầu kỳ và rất đẹp mắt, đôi chân của bà con theo đạo và du khách gần xa như được xoa dịu bằng cảm giác thật khó tả, vừa đung đưa vừa uyển chuyển ngay trong mỗi nhịp bước chân đi. Không có các bậc thang, không có sự phân tách các nấc lên, các bước xuống.
Tất cả trải dài tít tắp tựa một tấm thảm uốn qua các không gian được thiết kế đầy ý đồ, vừa bí hiểm vừa tinh tế. Cung đường trong thế giới hang Bê-lem “nhân tạo” bởi vậy, dẫu quanh co nhưng liền mạch, rất khêu gợi trí tò mò.
Các lối đi trong hang đá với những âm thanh khi gần khi xa, khi nghe âm hưởng kinh cầu, khi là lời thuyết giảng được bố trí đầy ẩn ý.
Lối đi ấy - lối đi với rường cột là tre, được thiết kế và tạo dựng có đoạn từ thấp lên cao, có nơi từ cao xuống thấp; có chỗ uốn lượn qua khu vực thiết kế đầm lầy, có khi lại dẫn vào nơi chúa cất tiếng khóc; lại có chỗ xuyên qua nơi con lừa vẫn đều đều nhịp bước. Đang mềm tựa dải lụa, bỗng dưng, có chỗ, lối đi ấy hạ độ cao đột ngột từ rừng núi xuống bãi cỏ, nơi những chú tuần lộc đang lao mình về phía đẫm tuyết trắng và mưa…
Đôi chân của những người “thám hiểm” hang đá cứ thế vì mê đắm mà mải miết đi, chẳng lo lắng co lên quá cao hay hạ xuống quá thấp để giữ thăng bằng khi chuyển động. Nhịp bước cứ đều, nhịp tre cứ âm thầm chuyển.
Người nối người nhờ tre mà thanh thoát bước đi, mà tươi vui thưởng lãm không gian của Bê-lem huyền diệu. Đôi chân như tiếp thêm tiếng nhạc, nhịp tre tựa hồ nhịp võng. Hang Bê-lem, cứ thế, trong cảm nhận của tất thảy, dẫu dài mà ngắn, dẫu tưởng trắc trở, khó nhọc mà lại thú vị lạ thường.
Bước đều đặn vào mê cung hang đá trong không gian Nhà thờ Chính tòa Văn Hạnh (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh), tôi được một người thợ thi công ở đây khải thị thật nhiều. Anh bảo: Tổng chiều dài lối đi trong hang này lên tới gần 800m, có sơ đồ thiết kế rất rõ ràng, đảm bảo an toàn và tính thẩm mĩ.
Toàn bộ hang đá được làm từ gần 5.000 cây tre và gần 5.000 cây mét (một dạng cây tre) cùng một ít gỗ bìa để bố trí các điểm nghỉ cho khách. Cây mét chủ yếu định khung sườn cho hang; cây tre được chẻ ra để đan bện tạo thành các lối đi và phủ vải lên phía trên để êm bàn chân người xem ngắm. Anh bảo, tre thì nhẹ, dễ cơ động khi thiết kế các khu vực khác nhau và cũng dễ tháo dỡ khi mùa Noel khép lại.
Khi tre đã lên khuôn, công việc còn lại thuộc về bàn tay nghệ thuật của người thiết kế như: tạo hình, phun sơn, thiết kế các chuyển động, bố trí các mảng màu, hình khối, lắp đặt các thiết bị ánh sáng…
Tre giúp cho việc xây dựng khung sườn và lối đi dễ dàng, đến mức có thể thay đổi khi thiết kế chưa ưng ý hoặc chưa tạo ra vẻ duyên dáng cần thiết. Nhưng, điểm cần đảm bảo ở tre là phải tuyệt đối an toàn về phòng chống cháy nổ, các nguy cơ về điện.
Bởi vậy, bà con giáo xứ đã bố trí hàng trăm bình chữa cháy đặt trong các lối đi, tại các hốc đá, điểm nghỉ; hệ thống điện được tách biệt thành 5 nguồn, có thể cơ động để “cắt” điện từng khu vực mà không ảnh hưởng đến khu vực khác.
Tất cả khối lượng đồ sộ về vật liệu, hàng ngàn ngày công cùng bao trí tưởng trượng, sáng tạo ở một hang đá đầy quy mô đã nói lên tình đoàn kết, kính chúa của đồng bào cũng như sự mến mộ, chuộng du khách gần xa của chính bà con. Những tình cảm ấy đã hòa lẫn vào tổng thể các thành tố thật khó nói nên lời một cách rành rẽ, nhưng đã âm thầm vun đắp tình đoàn kết lương – giáo bao năm, cùng đó là tấm lòng yêu thiện, chuộng mỹ - điểm chung của tất cả mọi người.
Thế đấy! Dẫu giữa thời vật liệu kim khí lên ngôi trong kiến trúc xây dựng, tre vẫn trở thành trụ cột trong những công trình, bởi tre vừa chắc chắn vừa tạo nên duyên dáng. Ấy vậy mà, trong đời sống thường nhật, những rặng tre đã dần thưa vắng. Sự chuyển dịch, đổi thay là có phần tất yếu của cuộc sống, nhưng sao quá nhiều bờ đê, nhiều khu vực xói lở, những rìa làng… đã thưa dần bóng dáng thân thuộc của cây tre.
Phải chăng, nơi đó, những con sông có thể nuốt trôi cả thửa hoa màu, những trận cuồng phong có thể tấn công cả ngôi làng yên ả… đang cần lắm việc khôi phục những rặng tre để tre tiếp tục “giữ làng, giữ nước” và khi cần vẫn tấu lên những bản tình ca như dáng vẻ hang Bê-lem mỗi độ giáng sinh về.