Nhờ đâu học sinh vào lớp 10 bổ túc trường nghề ở Hà Tĩnh tăng đột biến?!

(Baohatinh.vn) - Sau nhiều năm khắc khoải với tình trạng thiếu học sinh, năm học 2019 - 2020 này, khối bổ túc THPT trên địa bàn Hà Tĩnh nhận tin vui khi có hơn 2.600 học sinh đăng ký vào lớp 10, tăng gần gấp đôi so với những năm học trước.

Học sinh Trường THCS Vũ Diệm (Can Lộc) tham quan các trường nghề

Mừng khi học sinh tăng

Không khí rộn ràng của năm học mới đã bắt đầu hiện hữu ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê. Năm nay, số lượng học sinh đăng ký theo học ở Trung tâm có sự gia tăng đáng kể.

Cô Mai Lệ Thu - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Năm học 2017 - 2018, học sinh bổ túc ở Trung tâm có 7 em, đến năm học 2018 - 2019 số học sinh đã tăng lên 34 em và đặc biệt năm học này trường đã có 129 học sinh. Ngoài ra còn một số học sinh có nguyện vọng được học tập tại Trung tâm và danh sách này sẽ được chúng tôi trình bổ sung trong thời gian tới”.

Không riêng ở Hương Khê, một năm học mới với nhiều khởi sắc cũng hiện hữu tại hầu hết các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh.

Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Hà đã đón nhận thêm gần 250 học sinh, Can Lộc 170 em, Hương Sơn 145 em, Nghi Xuân 142 em…

Công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh được quan tâm

Thầy Nguyễn Ngọc Lê Nam – Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên - Chuyên nghiệp Sở GD&ĐT cho biết: “Công tác tuyển sinh khối bổ túc THPT trong năm học này là kết quả của việc thực hiện đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh. Theo đó, năm học này đã có hơn 2.600 học sinh lớp 10 đăng ký vào các lớp bổ túc ở trường nghề, ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Đây cũng chỉ mới số liệu được phê duyệt đợt đầu. Số học sinh ở các trung tâm chắc chắn sẽ tăng lên bởi nguyện vọng của học sinh vẫn còn nhiều và Sở cũng sẽ cân nhắc phê duyệt bổ sung”.

Lo thiếu giáo viên văn hóa

Trước đây, do thực trạng khó tuyển sinh nên các trung tâm thừa giáo viên đã được điều động đi nơi khác. Nay việc tuyển sinh đã không còn là nỗi lo thì các trung tâm tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp lại thiếu giáo viên văn hóa.

Tại Đức Thọ, năm 2012, khi Trung tâm Dạy nghề, hướng nghiệp sáp nhập với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thuộc huyện quản lý thì không còn học sinh theo học chương trình bổ túc THPT. Do vậy, Trung tâm chỉ làm nhiệm vụ, hướng nghiệp dạy nghề.

Thời điểm đó, Trung tâm có 6 giáo viên văn hóa cũng đã được bố trí đến công tác tại các trường THCS trên địa bàn.

Cô Chu Thị Quyên, Chủ tịch công đoàn Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện Đức Thọ cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, trung tâm có 5 lớp (2 lớp 11 và 3 lớp 10) nhưng lại không có giáo viên văn hóa”.

Ngày càng đông học sinh đến với các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề sau khi tốt nghiệp THCS

“Năm học này, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê có 7 giáo viên văn hóa. Trung tâm còn thiếu giáo viên môn Hóa học; môn Vật lý chỉ có 1 thầy giáo ở ban giám đốc, nhưng vì lý do sức khỏe nên cuối năm nay thầy sẽ về hưu. Để đáp ứng việc dạy và học ở những bộ môn này, phương án mà trung tâm đưa ra là thuê giáo viên”, cô Mai Lệ Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hương Khê cho biết.

Cũng theo thông tin từ Phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, thiếu giáo viên văn hóa cũng đang là thực trạng chung tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Hà năm học này có số lượng gần 400 học sinh đăng ký, nhưng do thiếu phòng học, thiếu giáo viên nên kế hoạch được duyệt chỉ có 248 học sinh.

Đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS đã làm tăng số lượng học sinh về các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Theo các nghị quyết, kế hoạch, quyết định của tỉnh về phân luồng, hướng nghiệp, những năm tiếp theo, số lượng học sinh tham gia học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề sẽ tiếp tục gia tăng.

Vì vậy, việc củng cố cơ sở vật chất, có phương án về đội ngũ giáo viên ở các trung tâm cần được quan tâm thỏa đáng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói