Hà Tĩnh chú trọng phân luồng hướng nghiệp, giảm "thừa thầy, thiếu thợ"!

(Baohatinh.vn) - Trước thực trạng thừa thầy thiếu thợ dẫn đến nhiều sinh viên sau đại học ra trường không tìm kiếm được việc làm phù hợp, thời gian qua, các trường THPT ở Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh.

Hà Tĩnh chú trọng phân luồng hướng nghiệp, giảm “thừa thầy, thiếu thợ”!

Ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn mô hình đào tạo THPT kết hợp với dạy nghề

Chuyển biến từ mô hình vừa học văn hóa vừa học nghề

Năm 2014 ngành giáo dục Hà Tĩnh thực hiện mô hình thí điểm đào tạo trung cấp nghề cho học sinh THPT. Thực hiện mô hình này cũng đồng nghĩa với việc học sinh tốt nghiệp THPT ra trường sẽ đồng thời có 2 bằng: THPT và trung cấp nghề.

Cùng với hình thức đào tạo miễn phí, học sinh có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở trường, năng lực của mình để học tập thì việc thành lập thời khóa biểu hợp lý và sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa các trường THPT, trường trung cấp nghề đã giúp nhiều bậc phụ huynh, học sinh vượt qua những băn khoăn, lo lắng.

Thầy Lại Thế Dũng, chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT) cho biết: “Sau 5 năm triển khai, đến nay, mô hình đã được đông đảo phụ huynh, học sinh đón nhận. Riêng năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có hơn 1.600 học sinh ở 27 trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh theo học. Các em lựa chọn những ngành đang được xã hội quan tâm như: công nghệ ô tô, may, chăn nuôi - thú y, nghiệp vụ nhà hàng, chế biến món ăn…”.

Hà Tĩnh chú trọng phân luồng hướng nghiệp, giảm “thừa thầy, thiếu thợ”!

Các nhà trường chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền giúp học sinh sớm lựa chọn ngành nghề phù hợp

Sự ưu ái của ngành trong việc miễn phí học nghề và thành công bước đầu của lớp học sinh đi trước đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ, hành động của học sinh THPT, khiến mô hình đào tạo THPT kết hợp dạy nghề ngày càng thu hút đông đảo học sinh quan tâm.

Em Nguyễn Văn Huy - Trường THPT Lê Quý Đôn (Thạch Hà) cho biết: “Suốt 3 năm nay, ngoài việc dành thời gian học chương trình chính khóa, em còn học thêm trung cấp nấu ăn, vì thế sau kỳ thi lần này em sẽ có 2 bằng cùng lúc. Kỳ thi THPT quốc gia lần này em chỉ đăng ký nguyện vọng thi tốt nghiệp mà không thi đại học. Sự lựa chọn của em cũng bởi lý do học lực hạn chế và em cũng đã xác định hướng đi tương lai cho mình là tiếp tục học thêm các kiến thức nấu ăn để về phục vụ nhà hàng của gia đình”.

Tiếp tục tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh

Song song với mô hình đào tạo THPT kết hợp với dạy nghề, những năm qua, công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh đã trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các trường THPT.

Hà Tĩnh chú trọng phân luồng hướng nghiệp, giảm “thừa thầy, thiếu thợ”!

Ngày hội tư vấn nghề nghiệp mở ra cơ hội mới cho học sinh trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên) trong bước đường định hướng nghề nghiệp

Thạc sỹ Nguyễn Văn Quang – Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Bình cho biết: “Cùng với công tác phân luồng, phân lớp phù hợp với trình độ, năng lực ngay từ khi vào lớp 10, việc tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh được chúng tôi triển khai bằng nhiều hình thức như thông qua những buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, phối hợp với các trung tâm tư vấn việc làm tổ chức các chương trình ngày hội việc làm cho học sinh.

Từ những hoạt động ấy, chúng tôi đã cung cấp cho các em thông tin về nhu cầu lao động và những lĩnh vực nghề nghiệp mà xã hội đang quan tâm, từ đó các em có những định hướng cho tương lai của mình. Chính vì thế, năm nay, toàn trường có khoảng 47% học sinh đăng ký nguyện vọng chỉ thi tốt nghiệp THPT”.

Cũng nhờ đẩy mạnh công tác phân luồng nên năm nay, tỷ lệ học sinh đăng ký nguyện vọng chỉ thi THPT ở trường THPT Mai Thúc Loan (Lộc Hà) cũng tăng lên đáng kể. “Năm nay trường có khoảng 50% học sinh đăng ký nguyện vọng chỉ thi tốt nghiệp, không thi đại học. Hầu hết trong số đó các em có mong muốn đi du học tự túc hoặc học nghề để xuất khẩu lao động. Đây thực sự là tín hiệu vui trong công tác phân luồng, bởi sự thay đổi nhận thức của các em không chỉ làm giảm áp lực đối với kỳ thi THPT quốc gia mà tương lai cũng có thể khắc phục được tình trạng thừa thầy thiếu thợ”, thầy Lê Thái Phi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Việc đẩy mạnh công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh ở các trường THPT ở Hà Tĩnh đang giúp các bậc phụ huynh, học sinh thay đổi tư duy, suy nghĩ. Những định hướng từ nhà trường sẽ giúp các em học sinh có cách nhìn đúng đắn về nghề nghiệp để lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp với năng lực, nhu cầu của bản thân trong tương lai.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.