Nhớ mãi ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013), vị đại tướng của Nhân dân mà tên tuổi gắn liền với những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, gắn với tình cảm sâu đậm của người Việt. Người Hà Tĩnh cũng như triệu triệu người Việt, bất kỳ ai có cơ hội được gặp gỡ Đại tướng đều cảm thấy hạnh phúc và tự hào.

Là phóng viên ảnh trong lực lượng vũ trang (LLVT) Hà Tĩnh và Nghệ Tĩnh, Thiếu tá Trương Quang Hường đã không ít lần được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy cử tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những lần ông về công tác. Những ấn tượng sâu sắc về Đại tướng trong các chuyến đi đó đã trở thành kỷ niệm vô giá theo suốt cuộc đời anh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng của Nhân dân. Ảnh tư liệu

Không hẹn trước mà mấy cựu chiến binh làm báo thời đánh Mỹ chúng tôi cùng gặp nhau tại nhà anh Quang Hường. Trong cuộc chuyện trò, mấy anh em đều nhắc nhớ: “Sắp đến ngày sinh lần thứ 110 của anh Văn rồi!”. Đưa bạn bè xem mấy bức ảnh trong cuốn album được đặt trân trọng trên nóc tủ, anh Quang Hường kể lại đầy xúc động về chuyến công tác của Đại tướng tại Hà Tĩnh năm 1967.

Năm ấy (1967), đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá bằng không quân vào miền Bắc nước ta nhằm “gây áp lực không thương xót”, triệt đường viện trợ từ bên ngoài vào chiến trường miền Nam, sang Lào và phá hủy tiềm lực kinh tế miền Bắc. Hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “50 ngày lập công dâng Bác”, kỷ niệm 77 năm ngày sinh của Bác Hồ, bộ đội pháo cao xạ và các đội trực chiến của dân quân tự vệ Hà Tĩnh đã hợp đồng chặt chẽ, lập công giòn giã, bắn rơi 16 máy bay Mỹ, bắt sống 2 giặc lái.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn về tình hình chiến sự ở chiến trường miền Nam (5/7/1967). Ảnh Tư liệu

Vào một ngày đầu tháng 8/1967, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhận được bức điện tối mật: “Chuẩn bị đón, làm việc với anh Văn vào kiểm tra công tác phòng không và phòng thủ tại huyện Kỳ Anh”.

Như đã nói ở trên, đây là giai đoạn cao điểm của chiến dịch không quân Mỹ bắn phá vùng Quân khu 4. Vì thế, chuyến đi của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp phải bảo đảm bí mật và tuyệt đối an toàn, được Bộ Tư lệnh Quân khu và tỉnh chuẩn bị rất chu đáo.

Đêm hôm đó, trời không trăng, đoàn xe của Đại tướng và đoàn công tác của Bộ Quốc phòng bật đèn gầm, lặng lẽ tiến vào trụ sở sơ tán của Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Anh tại xã Kỳ Tân. Đại tá Đàm Quang Trung - Tư lệnh Quân khu 4, anh Nguyễn Tiến Chương - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Tỉnh đội Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh có mặt đón Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị bộ đội. Ảnh tư liệu

Anh Hường nhớ lại, sau khi bắt tay từng đồng chí lãnh đạo Quân khu và tỉnh, Đại tướng dừng lại khá lâu, ân cần hỏi thăm các anh Nguyễn Tiến Chương, Dương Vấn - Bí thư Huyện ủy và anh Nguyễn Toán - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh về tình hình đời sống của Nhân dân và LLVT trong những ngày tháng đọ sức quyết liệt với kẻ thù.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Chương vô cùng cảm động, thưa lại: “Xin anh Văn an tâm. Đồng bào và chiến sỹ LLVT Hà Tĩnh hứa với anh, bằng giá nào cũng bảo đảm giao thông thông suốt, cùng cả nước chi viện đầy đủ cho chiến trường đánh giặc”.

Nói chuyện với các tướng lĩnh, sỹ quan và lãnh đạo tỉnh cùng huyện Kỳ Anh, Đại tướng nhấn mạnh: Năm 1967, theo Bộ Chính trị nhận định là năm có tầm quan trọng rất lớn đối với địch cũng như với ta. Kẻ địch sẽ tăng cường lực lượng nhằm đánh nhanh thắng nhanh; ta phải cố gắng lớn hơn nữa về mọi mặt, tạo thời cơ giành thắng lợi quyết định.

Quay sang anh Chương và anh Vấn, Đại tướng khẳng định: Hà Tĩnh nói chung và Kỳ Anh nói riêng là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng của Khu 4 và cả nước. Vì vậy, các đồng chí ở Quân khu, tỉnh và huyện phải bố trí lực lượng thường trực chiến đấu mạnh, luôn nêu cao cảnh giác, giữ vững giao thông thông suốt trong bất luận hoàn cảnh nào, phục vụ hiệu quả cho việc vận chuyển bộ đội, vũ khí, trang bị, hậu cần chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua nét vẽ của người dân Hà Tĩnh. Tranh: Lê Quang Thắng

Nói đến đây, Đại tướng quay sang hỏi anh Nguyễn Tiến Chương cùng hai anh Nguyễn Hy Vọng và Đỗ Kế Thoa là Chính trị viên và Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Hà Tĩnh: Nghe tin Hà Tĩnh vừa tổ chức hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm dùng súng bộ binh bắn máy bay Mỹ bay thấp. Đây là việc làm rất thiết thực, nhất là với các địa phương vừa có rừng, có biển như Hà Tĩnh. Cần vận dụng hiệu quả và phổ biến kinh nghiệm cho các đơn vị bạn một cách rộng rãi.

Chuyến về thăm và những lời căn dặn của Đại tướng đã tác động rất sâu sắc đến tâm tư, tình cảm và tạo ra những kết cục bất ngờ trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại với không quân Mỹ của quân và dân Hà Tĩnh. Sơ kết tháng thi đua “phấn đấu toàn quân khu trở thành dũng sĩ”, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 1 tàu chiến biệt kích ngụy, bắt sống 1 giặc lái Mỹ. Tiểu đoàn pháo cao xạ bắn rơi 1 chiếc máy bay. Đây cũng là chiếc thứ 200 của Mỹ bị quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi. Quân và dân tỉnh ta vinh dự được nhận thư khen của Bác Hồ.

Đặc biệt, Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương (Kỳ Anh) là đơn vị phòng không thực hiện được đúng kỳ vọng của Đại tướng hôm về thăm. Với 4 khẩu trung liên bố trí trên đồi cát, Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên đã cùng chị em sáng tạo ra cách đánh máy bay Mỹ bay thấp rất độc đáo. Chị em đã cơ động trận địa trên đồi cát cao nhất xã, bí mật đón lõng đường bay, chọn đúng thời cơ nổ súng - khi máy bay địch bổ nhào chính diện vào trận địa, “có hình dáng to bằng chiếc nốc (thuyền) thì nhằm đầu nó mà nhả đạn đồng loạt”.

Ngày truyền thống Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hằng năm, những thành viên trong Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại gặp nhau trong bùi ngùi xúc động. Các bà: Trần Thị Lan, Tưởng Thị Diên, Lê Thị Lương (từ trái sang phải) ôn lại ký ức chiến tranh. Ảnh: Kiều Minh

Trong chưa đầy một tháng, tiểu đội đã độc lập và phối hợp với các đơn vị khác bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Cả tiểu đội đều được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên sau đó được ra Hà Nội gặp Bác Hồ và là 1 trong 5 người được báo cáo tình hình với Bác. Tại đây, chị còn được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu kể lại một cách tỉ mỉ về thành công của cách đánh máy bay bay thấp độc đáo này.

Sau khi nghe chị Tưởng Thị Diên phát biểu về thành tích của tiểu đội mình, Bác Hồ gật đầu cười: “Người nhỏ như hạt mít mà đánh giặc giỏi ghê”.

Nhờ đạt nhiều chiến công lớn trong đánh máy bay Mỹ, Tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng, tuy cả nước đang tập trung cao cho nhiệm vụ phòng, chống dịch nhưng tôi biết, khắp nơi nơi, những ký ức về Đại tướng, những tình cảm với Đại tướng lại rưng rưng trong lòng người dân.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói