Những cơn gió mùa thu

(Baohatinh.vn) - Những ngọn gió mùa thu hiền hậu đã thổi vào bao tâm hồn thơ trẻ, để rồi trong những lớn lên, trưởng thành, các thế hệ ấy lại khiến cho những cơn gió ấy dài thêm mãi...

Tháng Tám, đã nghe trong hơi gió bước chân của mùa thu… Những cơn gió từ lịch sử, từ ký ức cứ thổi vào năm tháng, thổi vào nghĩ suy của bao người. Để rồi, bao cảm thức về đất nước lại dậy lên, bao kỷ niệm riêng chung cứ ùa về… làm cho những cơn gió ấy cứ dài thêm mãi…

z5713579758972_7a90ea1de57b66eee24cfbdc8f6e29f4.jpg
Những ngọn gió mùa thu thật nhiều sắc thái... (Ảnh: Trần Đình Dũng).

Những cơn gió thổi trong mùa bình thản - tôi vẫn thường gọi mùa thu như thế, bởi với tôi, những mùa còn lại luôn có những sống động rộn ràng. Mùa xuân tưng bừng, mùa hè rực rỡ, mùa đông ầm ào, chỉ còn lại mùa thu níu giữ những âm vang ba mùa cộng lại mà lắng trong như mật. Chính vì thế, trong lòng tôi, những ngọn gió mùa thu thật nhiều sắc thái. Đó là ngọn gió thiêng liêng, lồng lộng thổi từ lịch sử hào hùng đất nước; là ngọn gió dịu êm, hòa ái từ tấm lòng của ông, từ bàn tay bà, tay mẹ; là ngọn gió thơm thảo của lòng biết ơn, hiếu nghĩa từ các thế hệ trên quê hương…

Trở về đầu tiên giữa đất trời, giữa lòng người trong những ngày tháng Tám bao giờ cũng là những cơn gió thiêng liêng của lịch sử. Trong ký ức của mình, tôi vẫn nhớ cảm xúc khi được tham gia tập nghi thức đội chào mừng ngày Quốc khánh trên sân hợp tác xã. Khi đó, dưới những gốc thị thơm lừng, các bà, các mẹ cùng nhau chuốt tre làm đơm, làm đó cho mùa mưa sắp tới, còn trẻ con chúng tôi háo hức chờ đợi được các anh chị đoàn viên giao nhiệm vụ.

bac ho doc tuyen ngon.jpg
Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu).

Chúng tôi háo hức lắm, chỉ mong tối trời thật mau, ăn cơm thật nhanh để còn đi “giậm đều”. Đứa thì làm nhiệm vụ trong đội trống, đội kèn, đứa thì vinh dự được đứng trong đội rước di ảnh Bác, còn lại sắp hàng đi theo sau… Đó là những ngày lũ trẻ con chúng tôi cảm thấy tự hào vô cùng. Giữa cái nắng mùa thu trong xanh, sân kho được dọn dẹp sạch sẽ, cờ phướn treo rợp trời, chúng tôi hân hoan đón chào ngày Quốc khánh thiêng liêng và trọng thể. Trong ngày hôm đó, đội thiếu niên mặc quần xanh, áo trắng, quàng khăn đỏ đứng trang nghiêm dưới cờ, lắng nghe Bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ đã đọc trong ngày 2/9/1945. Khoảnh khắc đó khơi dậy trong lòng chúng tôi niềm tự hào dân tộc, nhắc nhở chúng tôi phải biết ơn về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, phải nỗ lực không ngừng để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Sau này về phố, tôi lại có những kỷ niệm khác về cơn gió mùa thu lịch sử trong những ngày được ông nội cho theo chân. Ông tôi thường gọi đó là mùa tri ân, mùa của những nỗi buồn tiếc thương xen lẫn tự hào. Có những ngày như thế, khi những hình ảnh của mùa thu độc lập trở về, ông lại dắt tôi ra nghĩa trang liệt sĩ. Trong khói hương trầm bay, ông đã nói thật nhiều về mùa thu cách mạng và cái giá của hòa bình. Tôi lắng nghe ông và những mong cơn gió mùa thu thiêng liêng ấy sẽ mang theo tấm lòng tri ân của những người đang sống đến với những linh hồn liệt sĩ.

Những ngày tháng Tám, sau dòng cảm xúc đó, thể nào ông tôi cũng tìm đến nhà những người bạn cũ. Bạn ông khi đó là những người làm văn nghệ như ông Huy (Nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy) và ông Đỉnh (Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh). Các ông đã đối đãi với nhau thật hòa ái, nhìn vào nhau, trọng nhau mà sống, mà làm việc…

Tôi nhớ, trong những đàm đạo ấy, đôi khi các ông thường đọc to những câu thơ của ông Thái Kim Đỉnh như: “Giữa mùa nước sóc tháng Ba/Bọt bèo thì nổi phù sa thì chìm” (Sông Lam tháng Ba) hay “Tôi nghĩ về ngôi sao/ Sống vẹn đời mình giữa bao la vũ trụ/ Đến phút chót, tự xé thân làm tiếng nổ/ Rải pháo hoa chào vĩnh biệt bầu trời” (Sao sa), rồi luận bàn về nhân tình thế thái… Sau này lớn lên, trong một ngày gió thu u hoài, tôi đã từng có lúc thấy mình trong những hình ảnh ngôi sao sa ấy. Một cảm xúc tĩnh lặng của người viết bao trùm lên tôi, dạy cho tôi về sự say mê và cống hiến. Tôi biết ơn những tốt lành của văn chương như ngọn gió thức tỉnh, dạy cho tôi những bài học làm người.

z5713579509730_9acc82cc1cbfb202f04e176de566e51a.jpg
Tôi vẫn nhớ những chiều se se gió, khi cỏ may đã vàng chân đê và bóng chiều quánh lại như hổ phách...

Trong mùa bình thản, thổi vào trong lòng người một cách êm đềm là những ngọn gió từ ký ức ngọt ngào. Tôi vẫn nhớ những chiều se se gió, khi cỏ may đã vàng chân đê và bóng chiều quánh lại như hổ phách. Những chiều thong dong như thế, bà tôi vần chiếc chum đựng mật cũ ra ngoài sân phơi, nghiêng hết những lít mật cuối cùng vào những chiếc chai thủy tinh nhỏ để dùng dần, chiếc chum được vệ sinh sạch sẽ phơi khô dành để đựng một mùa mật mới. Những hôm như thế, lũ trẻ con háo hức như nhà có cỗ. Chúng tôi ngồi quây lại nhìn bà nghiêng chiếc chum sành, múc từng muỗng mật đặc quánh rót vào chai cho đến khi những lát muỗng chạm vào thành chum nghe lật khật là vỡ òa hạnh phúc.

Cảm giác đó in mãi trong tôi, nó giống như những người thợ đào đá quý khi lát cuốc chạm vào những vỉa đá nằm sâu trong đất trong những bộ phim ngày trước từng thấy. Chúng tôi chờ những hạt đường phèn non đầu tiên trong mùa bám dưới đáy chum rơi ra. Những viên đường non đó là phần thưởng ngọt ngào cho chúng tôi sau những ngày hè làm đồng vất vả. Nó ngọt lắm, vị ngọt chạm vào đáy lưỡi đê mê mà cho đến sau này, dẫu ăn không biết bao nhiêu là kẹo ngọt, vị ngon lành đó cũng không thể chạm phải như viên đường non thuở ấy.

Những ngọn gió mùa thu hiền hậu đã thổi vào bao tâm hồn thơ trẻ, để rồi trong những lớn lên, trưởng thành, các thế hệ ấy lại khiến cho những cơn gió ấy dài thêm mãi. Đó là ngọn gió của lòng biết ơn, hiếu nghĩa thơm thảo từ những “cánh chim” muôn phương, trở về dựng xây quê hương, đất nước. Họ có thể là những doanh nhân thành đạt ở nước ngoài, trở về tri ân nguồn cội bằng nhiều công trình, dự án ý nghĩa; họ có thể là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sau bao năm tháng học hành ở quê người đã quyết định trở về làm giàu cho quê hương; họ có thể là những Việt kiều luôn hướng về đất nước bằng nhiều hoạt động từ thiện… Từ trong sâu thẳm, họ luôn hướng về quê hương, để đầu tư xây dựng và phát triển, để yêu thương và đùm bọc đồng bào…

68d1180038t70763l0.jpg
Các em: Phan Xuân Hành, Đinh Cao Sơn... là những người tạo nên cơn gió mát lành, truyền cảm hứng cho bao người, để góp phần dựng xây đất nước.

Có những chiều chạy xe trên đường, tôi đã không giấu được niềm tự hào khi quê hương mình ngày càng khởi sắc. Gió mùa thu vẫn thổi trong những hành động, việc làm đầy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân. Để phố xá ngày càng sầm uất, những miền quê nghèo thay da đổi thịt và hình ảnh con người Hà Tĩnh ngày càng hoàn thiện hơn, vừa đầy cốt cách truyền thống vừa không ngừng hiện đại, văn minh. Và, trong những xúc cảm đầy tự hào của mình, tôi cứ mường tượng những ngọn gió mùa thu quê hương lại thổi lồng lộng trên đấu trường quốc tế.

Đó là khi những gương mặt mới như các em học sinh: Phan Xuân Hành, Đinh Cao Sơn, Trần Minh Hoàng; các vận động viên: Hoàng Thị Mỹ Tâm, Nguyễn Thị Ngọc… ghi danh trên bảng vàng quốc tế. Họ chính là những người tạo nên cơn gió mát lành, truyền cảm hứng cho bao người, để góp phần dựng xây đất nước…

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.