Những cuốn sách hay trong Ngày của mẹ

“Hãy chăm sóc mẹ”, “Mẹ, thơm một cái”, “Nhật ký của mẹ”… là những tác phẩm xúc động, chân thật và giàu ý nghĩa về tình mẫu tử.

Hãy chăm sóc mẹ - Kyung-sook Shin

Tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Hàn Quốc Kyung-sook Shin mở đầu bằng khung cảnh xáo trộn của một gia đình.

nhung cuon sach hay trong ngay cua me

Hãy chăm sóc mẹ (Kyung-sook Shin).

Người mẹ bị lạc khi chuẩn bị bước lên tàu điện ngầm cùng người bố ở ga Seoul. Hai ông bà dự định lên đây thăm cậu con cả. Con gái đầu, Chi-hon, là người đứng ra viết thông báo tìm người lạc thay cho cả gia đình. “Ngoại hình: Tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao, khi đi lạc đang mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be”. Trong tiềm thức của mình, Chi-hon vẫn nghĩ mẹ là người thường“bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Trong khi đó, những người qua đường đáp lại thông báo tìm người lạc của cô bằng miêu tả về một “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn”. Liệu đó có phải là người mẹ mà cả gia đình cô đang cất công tìm kiếm?

Một ngày, một tuần rồi gần một tháng chầm chậm trôi qua. Người chồng và những đứa con hiện đều đã phương trưởng cả không chỉ lo sốt vó mà còn day dứt tâm can vì cảm giác tội lỗi, và rối bời “trong nỗi hoảng loạn như thể tất cả mọi người đều bị tổn thương ở vùng não”. Họ cũng lấy làm băn khoăn tại sao mẹ không biết hỏi đường về nhà cậu con cả cho đến khi phát hiện ra hai sự thật rằng mẹ không biết chữ và mẹ đang mang căn bệnh ung thư vú khiến đầu óc không được minh mẫn như thường. Từ đây, những hy vọng tìm lại mẹ càng trở nên mong manh hơn…

Năm 2009, Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-sook xuất hiện như một điểm sáng của văn học Hàn Quốc. Không chỉ thành công về mặt thị trường khi bán được hàng triệu bản, tác phẩm còn được giới phê bình đánh giá cao, tạo tiếng vang tới khắp các nước châu Á. Tác phẩm được xuất bản tại 19 nước, trong đó có Mỹ.

Mẹ, thơm một cái – Cửu Bả Đao

Mẹ, thơm một cái là tự truyện xúc động về tình mẫu tử, được tạo nên từ những trải nghiệm chân thật của Cửu Bả Đao. Năm 2004, mẹ của Cửu Bả Đao mắc bệnh ung thư máu, bắt đầu quá trình trị liệu đầy tốn kém. Gia đình lúc đó còn nợ đến 5 triệu nhân dân tệ. Cửu Bả Đao vì kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ đã viết cật lực, vừa vào viện chăm sóc mẹ vừa viết 5.000 - 8.000 chữ mỗi ngày, mỗi tháng xuất bản 1 quyển sách. Sau 14 tháng, mẹ khỏi bệnh, 14 quyển sách cũng ra đời và quyển thứ 14 chính là Mẹ, thơm một cái.

nhung cuon sach hay trong ngay cua me

Mẹ, thơm một cái (Cửu Bả Đao).

Sách là cuốn nhật ký ghi lại khoảng thời gian cả nhà cùng vượt qua biến cố, không chứa đựng kỹ thuật viết điêu luyện hay tình tiết ly kỳ mà chân thật, gần gũi. Ngày mẹ được bác sĩ thông báo bệnh tình, đỏ hoe mắt đạp xe đạp về nhà thấy bố đã khóc đầm đìa từ lâu. Lúc mẹ nhập viện, bà nội xuống bếp nấu không ra bữa ăn mới nhận ra cô con dâu mình bấy lâu nay chu đáo thế nào. Trong khoảng thời gian đồng hành cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh là lúc cả nhà thấy hối hận vì trước giờ thản nhiên chấp nhận sự hy sinh của mẹ, từ đó trở nên dựa dẫm, ỷ lại. Đến con chó Puma già trong nhà, không có mẹ cũng trở bệnh sắp chết.... Chuyện nhà Cửu Bả Đao vì vậy khiến mỗi người đọc xúc động khi hình dung lại chuyện nhà mình.

Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên - Cheon Myeong Kwan

In Mo, 48 tuổi, đang khủng hoảng vì sự nghiệp lụn bại, vợ bỏ theo người khác, sống trong một căn hộ đổ nát và không thể trả tiền thuê nhà. Vào thời điểm tuyệt vọng nhất, anh nhận được cuộc điện thoại từ mẹ muốn gọi anh về nhà ăn cháo gà. In Mo về và quyết định ở lỳ tại đó. Nhưng trong nhà còn có cả người anh trai hơn 50 tuổi, đã vào tù ra khám nhiều lần, thất nghiệp và đã về nhà ăn bám mẹ mấy năm nay. Hơn nữa, cô em gái út cùng đứa con gái ngỗ nghịch của In Mo rất nhanh sau đó cũng trở về nhà sống sau ly hôn.

Không một lời ca thán, người mẹ đã dang tay đón nhận tất cả sự trở về ấy, dù hàng xóm láng giềng có nói ra nói vào đến thế nào đi nữa. Người mẹ ấy ngồi nhìn mấy đứa con của mình ăn cơm, ánh mắt ấm áp yêu thương sau bao nhiêu năm vẫn không hề thay đổi, cho dù bây giờ những đứa con ấy đã vào tuổi trung niên. Hình ảnh đó khiến người đọc không khỏi rưng rưng và khâm phục.

nhung cuon sach hay trong ngay cua me

Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên (Cheon Myeong Kwan).

Tiểu thuyết Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên của tác giả Cheon Myeong Kwan (Hàn Quốc) là câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình, tình mẹ bao la. Tất cả những gì người mẹ có thể làm là đón con cái về nhà, rồi cơm nước cho chúng. Những đứa con ăn cơm mẹ nấu, xốc lại tinh thần, sau đó lại bước ra, tiếp tục chiến đấu với cuộc đời.

Người mẹ số 0 - Marjolijn Hof

Tiểu thuyết Người mẹ số 0 của tác giả Marjolijn Hof kể về những diễn biến nội tâm của cậu bé Fejzo (Fé) đang là con nuôi trong một gia đình hạnh phúc. Cha mẹ nuôi rất yêu quý cậu nhưng lúc nào cậu cũng thắc mắc và muốn biết về người đã sinh ra mình. Fé không ngại thổ lộ mình có hai người mẹ và ban đầu cậu cho rằng mẹ ruột của cậu là người mẹ số 1 còn người mẹ nuôi bây giờ là mẹ số 2.

nhung cuon sach hay trong ngay cua me

Người mẹ số 0 (Marjolijn Hof).

Nhưng cậu bé nhanh chóng nhận ra người mẹ đang nuôi mình mới thực sự là người gần gũi với mình và cậu quyết định gọi mẹ hiện giờ là mẹ số 0 còn người mẹ đẻ là mẹ số 1. Cậu cho rằng số 0 đứng trước số 1 và do vậy mẹ nuôi, người đã chăm sóc cậu phải đứng trước người mẹ kia của cậu: "Thế là bảng của tôi có hai ô dành cho má. Má 1 là người sinh ra tôi. Má 2, là má tôi bây giờ. Nhưng tôi thấy hối hận ngay vì má tôi bây giờ bỗng trở thành số hai. Tôi vội vàng xóa đi những chữ vừa viết...". Đó là tâm sự của Fé dành cho mẹ ruột (người mẹ số 1) và người mẹ bây giờ (được cậu đặt lại thứ tự: người mẹ số 0, vì số 0 đứng trước số 1).

Marjolijn Hof là nữ tác giả viết thơ cho người lớn và sáng tác truyện cho thiếu nhi. Bà từng nhận những giải thưởng văn chương quan trọng của Hà Lan, như giải Gounden Griffel, giải Gouden Uil for Children"s Literature. Thông qua câu chuyện của cậu bé đi tìm mẹ ruột, tiểu thuyết gia người Hà Lan gửi gắm thông điệp về tình cảm bền chặt trong một mái ấm.

Nhật ký của mẹ - Kawa Chan

Nhật ký của mẹ là cuốn nhật ký bằng tranh với những tâm sự chân thành và đầy tình cảm mà tác giả Kawa Chan muốn gửi đến cậu con trai đầu lòng của mình. Xuyên suốt cuốn sách là những bức tranh được vẽ theo phong cách dễ thương, hài hước đôi lúc lại tự trào xoay quanh nhân vật chính là người mẹ đáng yêu, hay xúc động nhưng rất yêu con.

nhung cuon sach hay trong ngay cua me

Nhật ký của mẹ (Kawa Chan).

Thông qua hơn 80 tranh vẽ, cuốn sách mô tả lại sống động quá trình mà bất kỳ người mẹ nào khi mang thai cũng phải trải qua. Từ những lúc bị đau lưng, phù chân, đi lại khó khăn, chuột rút… cho đến những nỗi lo lắng cho con khi bị ốm mà không dám uống thuốc, khi đi cầu thang suýt trượt chân ngã mà cảm thấy như vừa trải qua một sự việc khủng khiếp, niềm vui háo hức khi nhìn thấy những hình ảnh siêu âm đầu tiên, cảm giác vui sướng khi lần đầu cảm nhận được cử động của con trong cơ thể, sự sốt ruột khi đến ngày mà con chưa chịu chào đời… và niềm xúc động vô bờ khi lần đầu tiên được ôm con trong vòng tay.

Lật giở từng trang Nhật ký của mẹ, bạn sẽ đi từ vui thích đến đồng cảm. Bởi lẽ những tâm sự và câu chuyện của tác giả rất gần gũi và đúng với tâm trạng của rất nhiều bà mẹ. Tác giả Kawa Chan chia sẻ: “Sau khi sinh con sau tôi trở thành người dễ xúc động hơn. Tôi cảm thông hơn với những hoàn cảnh trẻ thơ kém may mắn. Tình mẫu tử là một tình cảm thiêng liêng. Tôi hy vọng cuốn sách sẽ giúp độc giả thấy yêu cuộc sống hơn, hiểu và thương mẹ mình hơn.”

Theo Zing.vn

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...