Từ trước tới nay trong quan niệm của nhiều người, cứ thấy ban thờ không sạch sẽ là lau dọn, ít ai để ý đến ngày dọn ban thờ.
Nhiều gia đình thì vô tâm để ban thờ bụi bẩn đến nỗi có cả nhện giăng tơ. Nhưng cũng có nhiều gia đình lau dọn ban thờ hàng ngày.
Về bản chất, một năm có 12 tháng chúng ta sẽ lau dọn 12 lần trong năm và thường lau dọn vào 3 ngày cuối của một tháng. Riêng tháng 12 âm lịch tức tháng Chạp thì chỉ cần từ ngày 23 âm lịch trở ra là chúng ta có thể tiến hành lau dọn tổng thể cả ban thờ và phòng thờ .
Nếu ban thờ nhà bạn có các đồ thờ bằng đồng, ví dụ như lư hương, chân nến, hạc... bạn muốn vệ sinh lau bóng thì nên chú ý như sau:
• Hòa đều dung dịch nước ấm với muối, một chút giấm hoặc chanh.
• Dùng khăn lau nhẹ nhàng, lưu ý không làm trầy xước món đồ.
• Tránh dùng các hóa chất tẩy mạnh để làm sạch đồ đồng, bởi có thể làm hỏng bề mặt món đồ.
Lưu ý trong lúc dọn dẹp ban thờ ngày tết:
- Mở cửa sổ hoặc cửa ra vào khi dọn dẹp để phòng được thông thoáng.
- Khi dọn dẹp, cần chuẩn bị một chiếc mâm/bàn có phủ giấy đỏ hoặc giấy trắng lên trên để đặt bát hương, bài vị và các đồ thờ. Nếu ngoài thờ gia tiên gia đình bạn còn thờ các vị thần linh khác thì chuẩn bị sẵn hai chỗ để hạ đồ thờ, không nên để lẫn.
- Hòa dung dịch tẩy rửa với nước ấm để lau rửa các vết bẩn. Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì của sản phẩm vệ sinh trước khi dùng.
- Về thứ tự lau dọn, nếu có bài vị thì hãy lau bài vị trước rồi đến bát hương sau đó mới đến các đồ cúng khác. Nếu thờ Phật thì lau dọn tượng Phật trước rồi mới lau đến bài vị gia tiên.
- Khi lau dọn ban thờ cũng thường là lúc thay chân nhang. Sau cả một năm bận rộn với các ngày giỗ, ngày lễ, các bát hương đã khá đầy chân nhang vì thế cần bỏ bớt đi. Bạn hãy lấy thìa xúc ra từng thìa tro nhỏ để bỏ đi. Hãy giữ lại một ít tro và chân nhang, bởi việc đổ hết tro và chân nhang theo quan niệm của người xưa là gây hao tán tài lộc cho gia chủ.
Vietnamnet