Những ngày mới ra đời Báo Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đúng ngày 2/9 năm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh vui mừng kỷ niệm sự kiện quan trọng: Tròn 60 năm Báo Hà Tĩnh - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh xuất bản số đầu (2/9/1962 - 2/9/2022).

Là một vùng quê nghèo, giàu truyền thống cách mạng và nhân văn, Đảng bộ tỉnh đã có nhiều tờ báo cách mạng như: Bước tới (1/5/1930), Kháng địch (15/6/1945), Gọi bạn, Liên Việt Hà Tĩnh, Tờ tin Hà Tĩnh (những năm từ 1946 đến tháng 8/1962). Các tờ báo đầu tiên của Đảng tập trung phản ánh kịp thời các cuộc đấu tranh, vạch trần các thủ đoạn bán nước, hại dân của bè lũ tay sai, hướng dẫn quần chúng đứng lên cứu nhà, cứu nước.

Những ngày mới ra đời Báo Hà Tĩnh

Ấn phẩm báo in của Báo Hà Tĩnh các thời kỳ

Trong đó, các tờ Gọi bạn và Liên Việt Hà Tĩnh tuy số lượng phát hành chưa đều, in ấn còn hạn chế nhưng đã góp phần tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân về các chủ trương, chính sách kháng chiến của Đảng và Nhà nước, cổ vũ, động viên quần chúng hành động vì cách mạng.

Trước khi tờ báo Hà Tĩnh ra đời tháng 9/1962, Tờ tin Hà Tĩnh do Phòng Thông tin Hà Tĩnh đảm nhận công tác tuyên truyền. Phòng Thông tin Hà Tĩnh do UBND tỉnh trực tiếp quản lý nhưng phòng lại có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh ấn hành tờ tin này cùng với việc xây dựng, quản lý Đài Truyền thanh Hà Tĩnh. Thời kỳ những năm 60, đài, báo, các phương tiện thông tin đại chúng rất ít ỏi. Tờ tin Hà Tĩnh được coi như tờ báo chính thức của tỉnh, một kênh tuyên truyền quý giá, nhất là đối với cán bộ cơ sở, các ban thông tin xã.

Trong khó khăn, thiếu thốn đủ bề, với một đội ngũ cán bộ, phóng viên (CBPV) rất mỏng, không được học hành, đào tạo về nghề nghiệp, nhưng các anh Nguyễn Sinh (Trưởng phòng), Nguyễn Đăng Đơ (Phó Trưởng phòng) kiêm luôn chủ bút và biên tập, cùng các anh: Phạm Hồ, Nguyễn Viết, Bùi Trí Đạt, Nguyễn Văn Thự lo phần nội dung lẫn trị sự và phát hành.

Hơn 4 năm hoạt động (từ 1958-1962), Tờ tin Hà Tĩnh xuất bản đều kỳ, tuần 2 số với khoảng 400-500 tờ/kỳ, đã bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, góp phần vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng hòa bình sau 9 năm chống thực dân Pháp thắng lợi.

Cuối tháng 8/1962, Tờ tin Hà Tĩnh chấm dứt vai trò lịch sử, nhường chỗ cho sự ra đời chính thức của tờ Báo Hà Tĩnh - Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh sau khi có Nghị quyết 20 của BCH Đảng bộ tỉnh về việc ra đời tờ báo của Đảng bộ tỉnh trên cơ sở hợp nhất các tập san, bản tin của các ngành, đoàn thể lâu nay phát hành trong tỉnh.

Những ngày mới ra đời Báo Hà Tĩnh

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các thế hệ cán bộ, phóng viên nhân kỷ niệm 35 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu (9/1997). Ảnh tư liệu

Ra đời ngày 2/9/1962, đúng ngày kỷ niệm 17 năm Quốc khánh, Ban Biên tập (BBT) Báo Hà Tĩnh được Tỉnh ủy chỉ định, gồm các đồng chí: Trần Chỉ - Ủy viên BTV làm Chủ nhiệm, Võ Trọng Cúc - Tổng Biên tập, Nguyễn Đăng Đơ - Phó Tổng Biên tập, Phạm Hồ - Ủy viên BBT và một số phóng viên từ các cơ quan thông tin chuyển sang.

Nhớ lại những năm đầu, người ít, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, khi tòa báo và đài phát thanh còn là một, cả cơ quan chỉ có 20 CBPV, biên tập viên, phát thanh viên, mo-rát (sửa lỗi in)… nhưng báo vẫn ra đều đặn 7 ngày rồi 5 ngày 1 kỳ 8 trang (1 màu, khổ 23x42 cm).

Đặc biệt, ngay từ những số đầu tiên, báo đã bám sát tuyên truyền các nhiệm vụ, nghị quyết Tỉnh ủy đề ra, nhất là các phong trào: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Xây dựng Hà Tĩnh thành tỉnh gương mẫu”… Tờ báo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Hằng ngày, trước các cuộc họp, các cơ quan, đoàn thể đều dành 15 phút để phổ biến nhanh những vấn đề báo nêu.

Chưa đầy 2 tuổi, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nổ ra, tòa soạn phải rời trụ sở chính trên đường Phan Đình Phùng (TX Hà Tĩnh), lần lượt sơ tán về các xã Thạch Lưu, Thạch Đài, Thạch Tân (Thạch Hà) và Thanh Lộc (Can Lộc), dựa vào dân để làm nhiệm vụ. Những năm này, việc biên tập, làm ma-két, mo-rát đến tráng phim, làm ảnh đều phải tiến hành dưới hầm trong ánh sáng đèn dầu lờ mờ như hạt đỗ đề phòng máy bay địch phát hiện.

Các phóng viên viết bài đến phóng viên ảnh phải xông pha dưới bom đạn, bám trận địa phòng không, mặt trận giao thông vận tải… để nắm bắt sự kiện, chụp ảnh. Bằng những thông tin nóng hổi tính thời sự, Báo Hà Tĩnh đã phản ánh tinh thần hăng say lao động sản xuất, dũng cảm chiến đấu, nỗ lực học tập, công tác, tất cả vì miền Nam ruột thịt của các tầng lớp nhân dân và LLVT trong tỉnh. Phong trào xây dựng HTX, gương điển hình trong lao động, sản xuất, hăng hái tòng quân chiến đấu, phục vụ chiến đấu… luôn đầy ắp, rạo rực lòng người trên tờ báo Đảng. Nhiều bài trong số đó đã được Bác Hồ đọc, khen ngợi và gửi tặng huy hiệu của Người cho các cá nhân tiêu biểu.

Có thời gian dài do sơ tán để bảo đảm an toàn, tòa soạn đóng cách nhà in đến 30 km, CBPV phải vượt qua nhiều trọng điểm bắn phá của máy bay địch để đến nhà in in báo. Các đồng chí Lê Xuân Thụ, Đinh Văn Tuệ nhiều năm liền thay nhau đi làm mo-rát, sửa ma-két dưới tầm bom địch, vẫn không một lần kêu ca, phàn nàn, nản chí. Cùng thời kỳ này, do nhà in chưa chế được ảnh kẽm để in báo, một số phóng viên được phân công thay nhau đạp xe ra tận Thông tấn xã Việt Nam ở Hà Nội để nhờ chế bản kẽm. Gian nan, vất vả là vậy, song từ BBT cho đến mỗi CBPV đều luôn lạc quan, tin tưởng, yêu nghề, động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Những ngày mới ra đời Báo Hà Tĩnh

Tiếp nối truyền thống vẻ vang, các thế hệ phóng viên Báo Hà Tĩnh đã luôn luôn xung kích, đi đầu trên mặt trận tuyên truyền.

Chẳng những “cháy” hết mình cho tờ báo quê hương mà khi Tổ quốc cần, các CBPV đều sẵn sàng, hăng hái xung phong lên đường chiến đấu bất cứ ở chiến trường nào. Anh Phạm Hồ - Ủy viên BBT là một trong số tấm gương trung liệt đó. Được cấp trên chọn vào bổ sung cho báo Cờ giải phóng ở chiến trường Khu 5 vào những năm cuộc chiến ác liệt, cam go nhất, nguyên Bí thư Chi bộ - Thư ký Tòa soạn Báo Hà Tĩnh Phạm Hồ đã vĩnh viễn ra đi trong trận chiến chống càn ngày 12/7/1969 tại vùng đất Trà My, Quảng Nam trung dũng. Hài cốt anh đã được gia đình và đồng nghiệp đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Nầm - Hương Sơn quê mẹ.

Gương dũng cảm chiến đấu phục vụ chiến đấu của CBPV Báo Hà Tĩnh đã góp phần cùng Nhân dân và LLVT làm nên kỳ tích 26/3/1966, bắn rơi 12 chiếc máy bay Mỹ. Nắm bắt thời cơ, Báo Hà Tĩnh đã in thêm hàng nghìn số, phát hành rộng rãi trong, ngoài tỉnh. Các tin, bài, ảnh, thơ… mô tả tỉ mỉ các trận đánh, phân tích, hạ bệ uy thế, không lực Hoa Kỳ, góp phần động viên, cổ vũ khí thế chiến đấu và chiến thắng của quân và dân trong tỉnh. Một vinh dự vô cùng to lớn đã đến với Báo Hà Tĩnh, ngày 30/3/1966, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng bằng khen cho CBPV báo về thành tích xuất sắc trong trận đầu thắng Mỹ này.

Đất nước hòa bình, Tổ quốc thống nhất, tạm biệt các địa phương nơi sơ tán, CBPV Báo Hà Tĩnh khoác ba lô trở về thị xã để cùng cả tỉnh bước vào cuộc chiến mới không kém phần khó khăn, gian khổ - thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh

Chủ đề 60 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu

Đọc thêm

Bí thư 34 các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương

Bí thư 34 các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương

‌Sáng 30/6, tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã diễn ra lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Dưới đây là danh sách bí thư 34 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Hà Tĩnh tổng kết 10 năm Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Hà Tĩnh tổng kết 10 năm Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị

Chiều 25/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và vinh danh gương điển hình tiên tiến, trao giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm về Hồ Chí Minh.
Lan tỏa tinh thần học Bác trên các lĩnh vực

Lan tỏa tinh thần học Bác trên các lĩnh vực

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế, chính trị xã hội, quốc phòng - an ninh.
Học và làm theo Bác - động lực tinh thần phát triển chặng đường mới

Học và làm theo Bác - động lực tinh thần trên chặng đường mới

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Hà Tĩnh được triển khai bài bản, quyết liệt, thực chất, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét, có nhiều đổi mới và đi vào chiều sâu. Qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đời sống xã hội.
Một góc TP Hà Tĩnh hôm nay nhìn từ trên cao.

Hà Tĩnh in dấu chân Người

Trước khi vượt trùng dương bôn ba khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, Bác Hồ kính yêu đã đặt chân đến nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Hà Tĩnh là một trong những vùng đất đã từng lưu dấu hình ảnh của Người lúc thuở thiếu thời.
Phát huy vai trò người đứng đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số liên thông

Phát huy vai trò người đứng đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số liên thông

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đề nghị người đứng đầu ở Trung ương, địa phương phát huy rõ vai trò với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm cao nhất, thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Nhà báo lỗi lạc Hồ Chí Minh

Nhà báo lỗi lạc Hồ Chí Minh

Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận ra báo chí là công cụ quan trọng, cần phải dùng báo chí để lên án thực dân và thức tỉnh đấu tranh.