Khi bình minh ló rạng nơi cửa biển, ấy là lúc những chuyến tàu tôm cá đầy ắp trở về. Đằng sau những chuyến tàu ấy là câu chuyện đời, chuyện nghề và ước vọng về tương lai của ngư dân Hà Tĩnh.
Cầu sóng yên, biển lặng
Từ bao đời nay, ngư dân luôn gắn phận mình với sóng gió biển khơi. Đối mặt với hiểm nguy, vất vả nơi đầu sóng ngọn gió, dường như những giọt mồ hôi, nước mắt mặn chát của họ đã hòa chung vào vị mặn của biển cả. Giữa biển khơi thăm thẳm ấy, ngư dân chỉ có ước nguyện là cầu trời cho sóng yên, biển lặng, tàu về tôm cá đầy khoang.
Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân Hà Tĩnh luôn cầu mong sóng yên, biển lặng.
Gặp anh Nguyễn Ngọc Tâm (SN 1980, thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, Lộc Hà) khi tàu vừa cập cảng cá Cửa Sót sau gần 3 tuần đánh bắt tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), chúng tôi được nghe anh kể về những câu chuyện ở ngoài khơi xa.
Anh Nguyễn Ngọc Tâm (áo nâu) cùng thuyền viênvchuẩn bị những móc câu cho chuyến câu mực sắp tới.
Gương mặt phong sương, nước da sạm mùi biển mặn, thế nên chẳng mấy ai nghĩ anh Tâm chỉ mới ngoài 40 tuổi. Anh Tâm chia sẻ: “Tôi theo nghề biển từ năm 20 tuổi, đến nay cũng đã có 23 năm lênh đênh theo con sóng. Trước đây, tôi làm thuyền viên của những con tàu lớn trong vùng để ra khơi đánh cá. Hơn 10 năm trước, gia đình gom góp được chút vốn nên đã đầu tư con tàu mới 200 CV, tôi tự mình làm chủ, vươn khơi. Dẫu biết nghề đi biển khổ trăm bề nhưng sinh ra ở miền biển, không đi biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì”.
Anh Tâm xúc động chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ sau hơn 23 năm lênh đênh trên biển. Những lần đối mặt với hiểm nguy ngoài khơi xa khiến anh Tâm không thể kìm lòng...
Miên man với những dòng suy nghĩ, anh Tâm bồi hồi kể lại những lần đối mặt với bão to, sóng lớn: “Nghề đi biển nguy hiểm thường rình rập, những cơn bão luôn là nỗi ám ảnh của ngư dân. Dù phải đối mặt với không ít trận cuồng phong nhưng có lẽ cơn bão Conson (năm 2010) và Haiyan (năm 2013) là ám ảnh nhất với tôi cho đến bây giờ. Hồi ấy, tàu mới ra khơi chưa được bao lâu thì gặp bão, chúng tôi vào đảo Bạch Long Vĩ tránh trú. Những cơn cuồng phong, những trận mưa như trút hay những con sóng khủng khiếp đánh vào bờ… khiến chúng tôi không khỏi khiếp đảm. Khi bão qua đi, tàu bị hư hỏng, chúng tôi tay trắng trở về. Dẫu vậy, chúng tôi động viên nhau “còn người, còn của” và xốc lại tinh thần để tiếp tục bám biển”.
Trước mỗi chuyến biển, anh Tâm luôn kiểm tra lại máy móc, thiết bị cũng như nơi ăn, chốn ngủ để có chuyến ra khơi thuận lợi.
Anh Tâm chẳng mong ước gì xa xôi, chỉ mong trời cho sóng yên, biển lặng để cùng bà con ngư dân có thể trở về bình an. Ánh mắt xa xăm hướng về phía biển, anh Tâm chia sẻ: “Bước vào vụ cá nam năm nay, tôi đã đầu tư tiền bạc để sửa chữa, trùng tu tàu cũng như mua thêm nhiều trang thiết bị hiện đại nhằm đảm bảo cho những chuyến ra khơi thêm an toàn. Hy vọng rằng, thời tiết sẽ luôn ủng hộ ngư dân để chúng tôi có thể tiếp tục ra khơi bám biển, rong ruổi trên từng hải lý để giữ nghề, giữ biển”.
Sau một đêm lênh đênh trên biển, thuyền của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thiên đã trở về khi bình minh ló rạng.
Nghề đánh bắt xa bờ vất vả là thế nhưng nghề biển gần bờ cũng không ít truân chuyên. Ngư dân lấy thân mình đánh cược với biển sâu, lấy gia đình đặt cược với miếng cơm mang vị mặn của biển. Ván cược ấy thật lắm rủi ro, nghề biển cũng chông chênh như những con sóng.
Ông Thiên tranh thủ sắp xếp lại chài lưới sau chuyến đi biển.
Tranh thủ những giây phút nghỉ ngơi sau khi vừa bán hết số hải sản mới đánh bắt được từ đêm qua, ông Nguyễn Văn Thiên (SN 1967, thôn Đông Hà 1, xã Thạch Long, Thạch Hà) cho biết: “Tôi theo nghiệp cha sống chung với biển từ khi lên 10 tuổi. Bao năm qua, cả gia đình trông cậy vào những chuyến đi biển gần bờ của tôi. Cứ khoảng 4h chiều, tôi và vợ lại chuẩn bị ngư cụ để ra khơi và khoảng 6h sáng mai trở về để kịp bán cho thương lái. Những ngày bình thường, trừ các chi phí, chúng tôi lãi vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng. Cũng có ngày chẳng thu hoạch được gì, không đủ để bù tiền dầu”.
Thành quả lao động sau một ngày dài của vợ chồng ông Thiên.
Dù xa bờ hay gần bờ, với bà con ngư dân, ngoài những lần khoang thuyền đầy cá tôm thì cũng đã có những chuyến tàu trở về cùng tiếng thở dài.
Thế nên, vào vụ cá nam năm nay, mang theo niềm hy vọng về một vụ mùa may mắn, ông Thiên ước mong: “Với những ngư dân, con tàu chính là “đầu cơ nghiệp”. Để có một vụ cá nam thuận buồm xuôi gió, tôi đã sớm tân trang lại cho con tàu nhỏ, mua sắm ngư cụ tốt. Mong rằng, thời tiết sẽ ủng hộ để mùa vụ này thắng lớn, có thu nhập đều đặn, giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn, vợ chồng tôi tiếp tục yên tâm bám biển”.
Video: Ông Thiên chia sẻ mong ước vụ cá nam năm nay thắng lợi.
Biển là một phần máu thịt
Hiện nay, việc ra khơi của ngư dân đã được chính quyền các cấp, ngành chuyên môn quan tâm sâu sát. Những con thuyền lớn cùng với thiết bị công nghệ hiện đại được trang bị chỉn chu. Ngư dân vẫn kiên định một tình yêu với biển, vẫn tin vào những ân điển từ biển khơi. Đối với họ, biển cả là nhà, là chốn mưu sinh, là chủ quyền đất nước. Và, biển là tất cả của họ.
Những con thuyến được đầu tư hiện đại, giúp ngư dân sẵn sàng ra khơi bám biển.
Vừa thoăn thoắt đan lại tấm lưới để chuẩn bị ra khơi, ông Nguyễn Văn Hà (SN 1963, thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) vừa tâm sự: “Đối với ngư dân “tàu là nhà, biển là quê hương”. Khi nghề biển chọn chúng tôi thì biển đã hóa vào một phần máu thịt, việc đi biển như ngấm vào cái chân rồi, không đi thì lại không đặng. Hơn hết, việc ra khơi không chỉ để mưu sinh mà còn là trách nhiệm với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Hà vẫn quyết bám biển.
Vì thế, dù từng gặp không ít hiểm nguy khi lênh đênh trên biển, đã nhiều lần vợ con khuyên bỏ nghề nhưng ông Hà không nỡ. “Gia đình tôi vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vợ con cũng mong tôi chuyển nghề, bởi nghề biển bấp bênh lại lắm hiểm nguy. Họ chỉ cần tôi bình an để trong nhà còn có tiếng chồng, hơi cha”.
Biển là một phần máu thịt của những người ngư dân.
Thế nhưng, cuộc đời ông Hà đã gần 40 năm gắn bó với nghề biển, không phải muốn bỏ là bỏ. Dù các con ông chẳng có ai theo nghề của cha nhưng ông vẫn quyết chí bám biển. Ông Hà bộc bạch: “Tôi là dân làng biển, đời ông, đời cha tôi cũng gắn bó với biển. Vì vậy, khi được ra với biển cả mênh mông, tôi như được thấy ông, thấy cha, thấy những cố nhân ở đó. Họ luôn che chở, nâng đỡ cho tôi dưới mỗi con sóng thăm thẳm ở khơi xa”.
Sau những chuyến biển vất vả, thành quả “lộc” biển đầy ắp là niềm vui của ngư dân và thương lái.
Dân làng biển thường ví hai chân của họ, một chân trên bờ, một chân đạp sóng khơi xa. Đời ông rồi đời cha, đời con, một làng rồi một xã, cứ thế nghề biển được truyền qua nhiều thế hệ mà hình thành những làng chài gắn bó với biển khơi.
Những lúc biển hiền hòa, hào sảng, biển no đầy tôm cá cho ngư dân những chuyến tàu đầy khoang, họ cũng được an ủi phần nào. Thế nhưng, trước vấn nạn tàu giã cào hoành hành, những ngư dân Hà Tĩnh lại thêm phần nỗi lo.
Trước khi ra khơi, ông Năng luôn cẩn thận kiểm tra lại các dụng cụ, thiết bị trên tàu.
Ông Năng hy vọng vấn nạn tàu giã cào được xử lý triệt để và ngư dân Hà Tĩnh sẽ có một vụ cá nam thắng lợi.
Cũng mang nặng nhiều tâm tư với biển, ông Võ Quang Năng (SN 1955, thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng) chia sẻ: “Lại bước vào vụ cá nam, là vụ khai thác lớn nhất trong năm. Thế nên, bên cạnh việc cầu mong thời tiết ủng hộ, tôi chỉ mong rằng, nạn tàu giã cào ở biển sẽ sớm chấm dứt để những vốn quý của biển tiếp tục được sinh sôi. Với chúng tôi, biển là tất cả. Việc gìn giữ nguồn lợi hải sản cũng là một cách thể hiện tình yêu với mẹ thiên nhiên”.
Ngước nhìn về phía biển, ông Năng và những ngư dân Hà Tĩnh mong mỏi biển luôn bao dung, chở che cho họ trong mỗi chuyến hải trình...
Những ngư dân như anh Tâm, ông Thiên hay ông Hà, ông Năng cũng như biết bao người con làng biển khác sinh ra và lớn lên tựa như hàng phi lao trước gió. Họ mạnh mẽ và can trường. Dẫu có những lúc biển cả giận dữ nổi sóng lớn nhưng họ vẫn quyết chí thi gan cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tiếp tục bám biển.
Trình bày: Thanh Hà