Bên ngoài một trung tâm mua sắm ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, chuyên gia massage trị liệu 26 tuổi Gao Xin nghe nhạc trên chiếc iPhone và tự hỏi liệu chiếc điện thoại tiếp theo của anh có phải là một thương hiệu khác hay không.
"Tôi trước nay luôn sử dụng các sản phẩm của Mỹ, gồm cả chiếc điện thoại đang dùng. Nhưng nếu thực sự phải đối mặt làn sóng tăng giá lớn, tôi có thể sẽ chọn hàng nội địa", anh nói.
Những người tiêu dùng như Gao lo ngại sản phẩm yêu thích của họ có thể tăng giá sau khi Trung Quốc và Mỹ liên tục áp thuế đáp trả nhau. Trung Quốc từ ngày 9/4 chịu mức thuế đối ứng cao nhất từ Mỹ với 84%, nâng tổng mức thuế bổ sung nước này phải chịu trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump lên 104%.
Cùng ngày, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo áp thuế 84% với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để đáp trả đòn thuế của ông Trump, có hiệu lực từ 10/4.

"Tình hình rất đáng lo ngại", luật sư Yu Yan, 54 tuổi, nói và thêm rằng bà thấy những dấu hiệu suy thoái sau các sự kiện gần đây. "Nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái, đó là điều mà tất cả chúng ta đều không muốn thấy".
Gao xem mức thuế mà Bắc Kinh và Washington áp với nhau là "biện pháp răn đe". "Tôi nghĩ chắc chắn nó sẽ gây tác động. Nhưng đối với hầu hết những người dân bình thường, đó không phải vấn đề lớn, trừ khi bạn có những hoạt động thương mại nước ngoài", anh nói.
Sun Fanxi, kỹ sư công nghệ 27 tuổi, cho biết cô thấy lo lắng khi đọc những thông tin về đòn ăn miếng trả miếng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Tôi thực sự sợ thuế quan sẽ dẫn tới thương chiến khốc liệt. Điều đó không tốt cho tất cả mọi người", cô nói.
Tuy nhiên, Sun thêm rằng dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, cô hoàn toàn ủng hộ các quyết định mà chính phủ Trung Quốc đưa ra. "Nếu đất nước muốn chúng tôi làm điều gì đó, hãy làm như vậy", cô nói.
Trong bài xã luận cuối tuần trước, People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, mô tả đòn thuế của Mỹ là "cơ hội chiến lược" để Trung Quốc coi tiêu dùng là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
"Chúng ta phải biến áp lực thành động lực", bài xã luận có đoạn.
Theo AFP, People's Daily