Những quả bóng tròn

(Baohatinh.vn) - Tốc độ đô thị hóa nông thôn diễn ra nhanh đến chóng mặt. Cái làng Bình Đông của Lộc đổi thay tựa như một giấc mơ. Con đường chạy qua làng được mở rộng mười ba mét, nâng cao nền, trải nhựa phằng lì.

Những quả bóng tròn

Ảnh minh họa: HuyTùng.

Làng của anh được cái nằm ở vị trí trung tâm của vùng dân cư đông đúc nên nhộn nhịp càng thêm nhộn nhịp. Xe các loại tha hồ bon bon. Rồi các nhà xưởng kéo vào bao nhiêu nhân công nhàn rỗi. Các quầy tạp hóa, quán ăn, nhà nghỉ, phòng spa, phòng tập gym… liên tiếp mọc lên. Người thì mỗi ngày một đông thêm. Quỹ đất thì bao nhiêu năm chỉ có bằng ấy. Nhìn chỗ nào cũng thấy đẻ ra tiền. Việc gì cũng muốn làm. Ngổn ngang lắm!

Là một doanh nhân nhưng Lộc lại có tâm hồn thi sĩ. Anh thích đi tản bộ quanh làng, vừa để vui mừng trước sự thay da đổi thịt từng ngày của quê hương, vừa để nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu. Là một người gắn bó với làng từ bé nên anh vẫn còn nhớ như in hình bóng của những tháng năm xưa. Chỗ mấy cái phòng “uốn - gội - sấy” này trước là bụi tre già, bọn anh thường tụ tập chơi bi. Nơi có cái biển đề “nối móng - mi” kia từng có cây táo dại. Cái nhà hàng ăn uống lúc nào cũng tấp nập người ra vào kia, trước từng mọc một cây đa um tùm, nghe bảo có ma nên chẳng đứa nào dám bén mảng tới bao giờ…

- Con ngõ này cần phải đổ thêm một lượt bê tông nữa, các bác nhỉ? Nếu không, mùa mưa sẽ ngập nước, đi lại khổ lắm!

- Nhà ông Mạnh giá xây thấp xuống tý và nhà bà Nhu cao hơn chút thì không gian sẽ cân đối, hài hòa hơn!

- Cần phải có cái rào chắn bên mé đường này, không thì trẻ con dễ lăn xuống sông lắm!...

Anh thường nói với mọi người những câu như thế. Họ chỉ “à, ừ” cho xong chuyện.

- Gớm! Anh chỉ rỗi hơi lắm chuyện, lo bò trắng răng. Đèn nhà ai nhà ấy rạng. Anh cứ góp ý nhiều, mấy ông xóm trưởng, xóm phó họ không thích đâu! - vợ anh cằn nhằn.

Những lúc ấy, anh chỉ cười trừ. “Làng mới đang bắt đầu đô thị hóa, còn nhiều bỡ ngỡ, bề bộn và bất cập. Mình thấy tốt hơn thì mình nên góp ý!”. Lộc vẫn là người sống trách nhiệm, hay quan tâm đến mọi người, dù anh biết, vẫn có người cười nhạo sau lưng mình.

Những quả bóng tròn

Làng quê ngày càng tươi đẹp. Ảnh minh họa từ Internet.

Hơn ba mươi năm trước.

Làng Bình Đông có gần trăm nóc nhà. Cơ bản là nghèo nhưng lại đông trẻ con. Chỉ tính tầm choai choai như Lộc đã có hơn hai chục đứa. Con gái thì hình như còn đông hơn. Làng thuần nông nên nhiều thời gian rảnh rỗi. Trẻ con thì buổi sáng đi học, buổi chiều cưỡi trâu ra đồng. Số còn lại thì đánh lờ, đặt đó, bẫy chim hoặc lặn mò tôm ở mang cống. Bọn con gái lúc thì cắt cỏ cho trâu, vơ rong cho lợn hoặc cất vó, mò tôm, mò hến. Nhưng cũng chỉ mùa nào việc ấy, không thường xuyên nên vẫn chơi là chính. Chỗ nào cũng có thể là nhà, là sân chơi của trẻ con, chẳng kể gì đêm hay ngày.

Cái sân bãi sau làng rộng chừng một héc-ta, chuyên để cọc trâu và ngổn ngang xe bò, xe cút kít, xe cải tiến. Đấy là tài sản của hợp tác xã. Xã viên đi làm đồng về, tập kết cả vào đấy, kệ mưa kệ nắng. Lộc và đám bạn vẫn thường kéo nhau ra sân bãi. Lúc thì chơi đuổi nhau, lúc đánh trận giả, hoặc chia đội đá bóng bằng quả bòng rụng. Đau chân tý nhưng cứ vui là thích.

Lộc có ông cậu đi xuất khẩu lao động bên Đông Âu, mang về nhiều thứ lắm, toàn đồ “xịn”: đài, đồng hồ, xoong chậu, bàn là… Riêng Lộc được một quả bóng cao su đúc màu đỏ, rất dày và bền, lúc nào cũng tròn căng đét. Và quả bóng ấy trở thành tâm điểm thu hút đám trẻ con trong làng, đến quên ăn quên ngủ. Còn Lộc thì tỏ ra oai lắm, lúc nào cũng thấy mình đang rất là quan trọng. Mỗi lần Lộc ôm bóng ra sân là trẻ con cả làng chạy ùa theo sau. Chẳng cần biết có bao nhiêu đứa, cứ chia tất cả thành hai đội, đầu trần chân đất mà đá. Cởi áo ra, vo mấy cái lại làm cầu môn. Không có vạch sân. Không có hiệp chính, hiệp phụ. Càng không có trọng tài hay thẻ vàng, thẻ đỏ gì cả. Luật là sự hồn nhiên, vô tư. Sân bóng luôn tràn ngập tiếng la hét, tiếng cười, tiếng nói. Nhiều khi, không được chuyền bóng cho, có đứa giận dỗi, vùng vằng ra vẻ không thèm đá nữa. Nhưng bỏ về đến đầu con ngõ, nghĩ thế nào lại quay lại. Lại cười, lại chạy huỳnh huỵch đến lúc nào cả bọn mệt phờ ra mới thôi…

Rồi đám trẻ con ấy lớn lên, rời làng phiêu dạt khắp trong Nam, ngoài Bắc, ít khi có dịp gặp nhau. Ngày Lộc xuất ngũ về làng, chẳng có việc gì làm. Anh bèn lên phố xin vào công ty may, rồi lấy vợ. Anh làm may gần hai chục năm, từ công nhân đến quản đốc xưởng nên tay nghề vững, nhiều kinh nghiệm. Làng Bình Đông của anh đất đai vẫn còn rộng mà thanh niên thì cứ bỏ đi làm ăn phương xa. Đứa nào còn ở nhà thì chơi dài. Đã không kiếm ra tiền lại sa đà xóc đĩa, lô đề tối ngày. Mỗi bận về quê, thấy cảnh ấy, Lộc trăn trở nhiều lắm…

Đùng một cái, Lộc dẫn vợ con về quê lập nghiệp với số vốn từ tiền bán nhà trên phố, tiền vay ngân hàng khi cắm mấy cái sổ đỏ của bố mẹ và người quen. Anh làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh và xin thuê đất chỗ sân bóng ngày trước để dựng xưởng may công nghiệp. Những ngày đầu, vợ chồng anh thật vất vả. Xây nhà xưởng, mua sắm máy móc và trang thiết bị, tuyển công nhân, tìm mối liên kết đầu ra cho sản phẩm… Việc cứ túi bụi, chồng chéo nhau khiến vợ chồng anh mệt bã người, gầy rạc ra. Giai đoạn mới vận hành, sản phẩm còn bị lỗi nên bị trả lại, phải bán tống bán tháo theo giá hàng chợ. Dẫu vậy, Lộc vững tin rằng, xưởng may của anh sẽ sớm ổn định, đem lại hiệu quả trong sản xuất.

Giờ thì xưởng may của vợ chồng đã giải quyết việc làm tại chỗ cho trên trăm công nhân. Họ có việc đều, lương tháng ổn định từ tám đến mười triệu đồng, tùy từng vị trí. Lại gặp dịp làng xây dựng nông thôn mới, hệ thống điện, đường được làm mới khang trang, sáng sủa hơn. Rồi các loại hình dịch vụ cũng phát triển theo. Đời sống của người dân trong thôn ngày càng được nâng cao, sung túc và hạnh phúc. Thật đúng là “ly nông nhưng không cần phải ly hương”…

Những quả bóng tròn

Một góc phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) hôm nay (tháng 9/2022). Ảnh minh họa

- Mấy thằng nhãi ranh kia, có xéo đi chỗ khác mà đá bóng không?! Chúng mày phá nhà bà ra đấy à?

Người làng đã quen với cái giọng chua xeo xéo của bà Mơ khi bọn trẻ con chẳng may đá bóng vào cánh cổng. Nhà bà mới được xây lại hai tầng đẹp đẽ. Bộ cánh cổng bằng inox sáng choang, hoa văn uốn lượn cầu kỳ. Vậy mà chúng nó cứ đá bóng rầm rầm vào đấy. Nghĩ xót lắm chứ! Chiều nào chúng nó cũng đến. Lần nào cũng bị bà đuổi đi. Thế mà, cứ lì ra!...

Trẻ con thời nào chẳng ham đá bóng. Khổ nỗi, bọn trẻ giờ chẳng có chỗ nào chơi, Sân bãi thì mình đã làm nhà xưởng, ngoài đường to thì nhiều xe cộ qua lại. Còn mỗi đoạn đường làng này, rộng một chút, ít người qua lại nhưng lại vướng nhà cửa người ta. Lộc đứng nhìn theo bọn trẻ mà nghĩ ngợi như thế.

Chợt anh nhớ rằng, làng Bình Đông này còn có một cái hồ cạnh cánh đồng, rộng chừng hai nghìn mét vuông. Trước đào lấy đất lấp cái sân bãi, chỗ nhà xưởng bây giờ. Sau, hồ ấy cho nhà ông Thủy thuê nuôi cá, khoán sản hàng năm, giá rẻ bèo. Cái hồ ấy thuộc loại đất nông nghiệp, Nhà nước quản lý nên chẳng ai quan tâm lắm. Lộc vội vàng đến gặp xóm trưởng, trình bày ý định xin thuê lại để tạo sân chơi cho bọn trẻ. “Chú có nhã ý tốt! Anh ủng hộ! Nhưng việc này phải được sự đồng ý của chính quyền vì đất đai do Nhà nước quản lý mà. Tám giờ sáng mai, anh và chú cùng lên ủy ban xã. Chắc sẽ tốt đẹp thôi!”

Rồi cát được bơm liên tục vào để lấp hồ sau khi Lộc đã bồi hoàn tiền cá, tiền sản cho ông Thủy. Chưa đầy một tuần, cái hồ hình chữ nhật đã thành bãi cát bằng phẳng, rộng rãi.

- Giờ bãi cát này là sân chơi chung. Các cháu cứ đá bóng thoải mái đi. Nhớ thỉnh thoảng cho chú xin một chân nhé! Chú chỉ cần bắt gôn thôi!

Đám trẻ con cười vang khoái chí, rồi chạy túa ra sân. Lại được la hét, lại được huỳnh huỵch, hổn hển cùng quả bóng. Ngắm bọn trẻ chơi mà ngay lúc này, Lộc muốn được đầu trần chân đất tung tẩy, quần nhau với quả bóng. Ôi, những quả bóng của trẻ thơ bao giờ cũng thế, rất tròn trịa, lăn hết mình và rất đỗi vô tư…

Tháng 11/2022

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...