Hà Tĩnh triển khai nhiều biện pháp nỗ lực đảm bảo trật tự ATGT.
Bước vào năm an toàn giao thông 2023, Hà Tĩnh hướng tới chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” với mục tiêu phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5 - 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và người bị thương).
Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2023, công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đã nhận được sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chính quyền địa phương các cấp.
Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Công an TP Hà Tĩnh kiểm tra tải trọng phương tiện lưu thông trên tuyến đường ở thành phố.
Việc tuyên truyền và tuần tra xử lý vi phạm của lực lượng chức năng được triển khai thực hiện quyết liệt, xuyên suốt, góp phần đảm bảo ANTT, ATGT, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là trong việc tuân thủ quy định “đã uống rượu bia, không lái xe”.
Nỗ lực là vậy, song, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn Hà Tĩnh hiện vẫn diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong 5 tháng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 68 vụ TNGT, làm chết 54 người, bị thương 26 người. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 32 vụ TNGT (tăng 88,9%), tăng 23 người chết (tăng 74%), tăng 9 người bị thương (tăng 23%).
Vụ TNGT xảy ra lúc 2h ngày 26/5 trên tuyến đường tỉnh ĐT 548 đoạn qua địa bàn xã Thiên Lộc (Can Lộc) khiến 2 người tử vong, 4 người bị thương.
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân cho hay: Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật ATGT của một bộ phận người dân có thời điểm còn hạn chế, tình trạng sử dụng lòng lề đường để họp chợ, thả rông trâu bò, tập kết rác thải, vật liệu xây dựng trái phép vẫn còn xảy ra.
Ý thức chấp hành pháp luật về ATGT như không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm lòng lề đường phơi thóc lúa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Ảnh chụp trên tuyến QL15B đoạn qua xã Sơn Lộc (Can Lộc) vào tháng 5/2023.
Việc triển khai thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT ở chính quyền cấp cơ sở chưa cao; sự phối hợp giữa các ngành chức năng còn chưa chặt chẽ; chưa thực sự chủ động, chưa xác định vai trò, trách nhiệm trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Cùng với đó, phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng gia tăng trong khi hệ thống hạ tầng giao thông chưa theo kịp, gây áp lực lớn đến công tác đảm bảo trật tự ATGT, ảnh hưởng đến tình hình, hiệu quả công tác kiềm chế và làm giảm TNGT.
Tuyến quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy tới Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh xuống cấp nghiêm trọng nhưng công tác sửa chữa, khắc phục còn chậm trễ, nhỏ lẻ, gây nguy cơ cao xảy ra TNGT.
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, trước tình hình TNGT diễn biến phức tạp, đơn vị đã có nhiều văn bản gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chính quyền địa phương các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước tiếp tục tập trung cao thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT.
Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh đã lập các đoàn kiểm tra tiến hành làm việc với các địa phương có TNGT gia tăng trong thời gian qua như: huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh nhằm làm rõ nguyên nhân dẫn tới TNGT và triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT.
Một bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Ảnh chụp trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Nghèn (Can Lộc) ngày 8/6.
Đơn vị phối hợp với huyện Thạch Hà và sắp tới đây là huyện Cẩm Xuyên, tổ chức tập huấn công tác đảm bảo trật tự ATGT với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” cho cán bộ cấp huyện, cấp xã và người dân trên địa bàn.
Ban ATGT tỉnh yêu cầu các thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình trật tự ATGT ở đơn vị/địa phương quản lý, nghiêm túc đưa tiêu chí thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự ATGT vào đánh giá, xếp loại, bình xét thi đua hằng năm.
Công an Hà Tĩnh xử lý nghiêm các trường hợp thanh thiếu niên vi phạm pháp luật về ATGT.
Công an tỉnh chỉ đạo CSGT, công an cấp huyện, cấp xã, xây dựng kế hoạch, tập trung tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm như: phóng nhanh vượt ẩu, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, say rượu bia điều khiển phương tiện…
Các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật ATGT; tập trung tuyên truyền cho người dân sinh sống gần các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ có tình hình ATGT phức tạp, nhất là các tuyến đường mới hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Siết chặt công tác quản lý, phương tiện, người lái và đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT, kịp thời khắc phục sửa chữa hư hỏng kết cấu, tổ chức giao thông.
Các lực lượng chức năng (CSGT, Thanh tra Giao thông...) tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về tải trọng xe, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh kiểm tra tải trọng phương tiện lưu thông trên tuyến tỉnh lộ ĐT.547 (đường ven biển Hà Tĩnh), đoạn qua xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.
“Tin rằng, công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành về đảm bảo ATGT được các ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh và việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong những tháng tới đây sẽ được đảm bảo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 – 10% trên cả 3 tiêu chí so với năm 2022 mà tỉnh đã đề ra” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân nhìn nhận.