Nỗi khổ của bệnh nhân Hà Tĩnh suốt đời “sống chung” với máy chạy thận nhân tạo

(Baohatinh.vn) - Gắn liền cuộc đời với những chiếc kim tiêm, máy lọc máu ở Phòng thận nhân tạo - Khoa Cấp cứu chống độc BVĐK Hà Tĩnh là những bệnh nhân đặc biệt. Phía trước còn nhiều khó khăn nhưng họ chưa bao giờ có ý định buông bỏ bởi đằng sau còn là sự đồng hành của đội ngũ y bác sỹ.

Ở độ tuổi tràn đầy sức sống, nhiều bệnh nhân mắc chứng bệnh quái ác này phải gắn cuộc đời với những máy chạy thận.

Sau khi kiểm tra trọng lượng, huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể, bác sĩ bắt đầu dùng hai cây kim lọc cắm vào tĩnh mạch của bệnh nhân Trần Minh Thanh (SN 1987, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà). Dòng máu chảy nhanh trong ống dẫn nối vào những chiếc kim lớn để bắt đầu làm nhiệm vụ. Bệnh nhân Thanh nằm yên nhắm mắt trên giường bệnh, mong 3 tiếng rưỡi lọc máu trôi qua thật nhanh.

Hơn 1 năm về trước, anh Thanh đang làm việc và sinh sống ở Thái Lan thì đột nhiên ngất xỉu. Khi nhận được kết quả suy thận giai đoạn cuối, mọi thứ dường như sụp đổ với vợ chồng anh. Ở tuổi tràn đầy sức sống cùng bao hoài bão chưa kịp thực hiện, anh phải đưa vợ và đứa con hơn 1 tuổi về Việt Nam và bắt đầu chuỗi ngày gắn cuộc đời mình với chiếc máy chạy thận. Thứ 3 - 5 - 7 hằng tuần, vợ anh lại chở chồng đến bệnh viện lọc thận để duy trì sự sống.

“Trong gần 4 giờ lọc máu, cơ thể chìm dần vào giấc ngủ, có những lúc mơ tới một ngày mình không phải chạy thận nữa. Khi tỉnh dậy, nhìn những ống tiêm nhọn hoắt đâm vào tĩnh mạch, tôi biết mình buộc phải nghị lực hơn để chiến đấu với bệnh tật” - anh Thanh chia sẻ.

Cứ 3 lần/ 1 tuần, các bệnh nhân phải đến Phòng thận nhân tạo- Khoa Cấp cứu chống độc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh để lọc máu.

Cũng trong buổi chạy thận với anh Thanh, chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1973, thị trấn Cẩm Xuyên) với dáng vẻ gầy gò, làn da vàng vọt, tay chị được cắm đầy ống truyền đỏ thẫm. Nhà xa, mỗi tuần chị lại phải đi xe buýt đến BVĐK tỉnh để chạy thận. Từ một người phụ nữ tháo vát, kinh doanh năng nổ, nay chị Hồng chỉ còn nằm lịm trên giường bệnh, sức khoẻ yếu khiến chị không làm được gì hơn.

Chị Hồng bùi ngùi tâm sự: “Hơn hai năm trời tôi cứ vất vả đi tìm sự sống ở bệnh viện như thế này, đến nỗi giờ bác sỹ lẫn những người chạy thận như tôi biết rõ nhau như người nhà vậy. Còn nước còn tát, bệnh của chúng tôi giờ chỉ mong ngày mai... như ngày hôm nay”.

Hiện toàn Khoa cấp cứu chống độc BVĐK tỉnh có 55 máy chạy thận cho hơn 292 bệnh nhân. Mỗi ngày có 146 bệnh nhân chạy thận định kỳ.

Không chỉ anh Thanh, chị Hồng mà hầu hết các bệnh nhân chạy thận ở Phòng thận nhân tạo - Khoa Cấp cứu chống độc BVĐK Hà Tĩnh đều trong hoàn cảnh gia đình túng thiếu. Họ không dám ăn, chi tiêu tiết kiệm để dành tiền chạy thận. Để trang trải tiền chữa bệnh và mua thêm thuốc điều trị, ngoài những bệnh nhân được hỗ trợ từ BHYT thì có những bệnh nhân phải chọn những công việc mưu sinh nhẹ nhàng.

Hiện Khoa Cấp cứu chống độc BVĐK Hà Tĩnh có 55 máy chạy thận cho hơn 292 bệnh nhân. Mỗi ngày có 146 bệnh nhân chạy thận định kỳ. Trung bình một bệnh nhân suy thận mãn phải chạy thận 1 tuần 3 lần xen kẽ các thứ trong ngày, mỗi ca 3,5 - 4 tiếng đồng hồ.

Phần lớn các bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều phải tự lo cho bản thân, tự đi vào viện để lọc máu sau đó tự về nhà. Căn bệnh suy thận chẳng khác gì “án tử” mà mỗi bệnh nhân đều ý thức sâu sắc.

Chia sẻ nỗi đau với các bệnh nhân, hằng năm, các y bác sỹ thường xuyên kêu gọi sự ủng hộ, đồng hành của các tập thể, mạnh thường quân giúp người bệnh có thêm động lực, niềm tin vượt qua bệnh tật.

Dù những bệnh nhân suy thận biết họ không có phép màu trong cuộc sống, nhưng họ luôn gắn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Trên những chiếc giường bệnh, xung quanh là dây rợ, máy lọc máu, tình người ấm áp không chỉ giữa những người đồng cảnh ngộ mà còn từ chính sự đồng hành, chăm sóc của đội ngũ y bác sỹ giúp người bệnh có thêm niềm tin, động lực để vượt qua khó khăn, bệnh tật.

Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái - Trưởng Khoa Cấp cứu chống độc BVĐK Hà Tĩnh chia sẻ: "Mắc bệnh này thì người giàu cũng trở thành người nghèo, chi phí điều trị rất tốn kém, thời gian điều trị đến hết đời.

Ngoài việc tận tình cứu chữa cho các bệnh nhân, chúng tôi còn sẵn sàng trở thành “hậu phương vững chắc” để tiếp thêm sinh lực cho họ chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được thêm những tình cảm, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh".

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói