Trước thềm kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giữa thành phố rực cờ hoa hướng về Ngày chiến thắng 30-4 lịch sử, những người con Hà Tĩnh hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh lại có dịp tụ họp. Ngay từ sáng sớm 15-4, tiền sảnh Khách sạn Kỳ Hoà, Quận 10 đã râm ran những câu chào hỏi đậm chất Nghệ “răng, rứa, mô, tê” .
Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó CN Tổng cục CNQP, người con Đức Yên, Đức Thọ, chia sẻ: “Tôi xa quê nay đã hơn bốn chục năm, thỉnh thoảng mới có dịp về thăm quê nhưng Hà Tĩnh trong tôi khi nào cũng là “chùm khế ngọt”. Một điều đáng mừng tôi nhận thấy, mấy năm gần đây, năm nào lãnh đạo Hà Tĩnh cũng đều tổ chức gặp mặt, tranh thủ ý kiến xây dựng quê hương của những người con xa quê. Đây vừa thể hiện tính cầu thị của lãnh đạo tỉnh, vừa là cơ hội tốt để Hà Tĩnh tranh thủ được các ý kiến đóng góp tâm huyết để hoạch định ra các chủ trương, chính sách phù hợp, sớm đưa tỉnh thoát khỏi tỉnh nghèo”.
Đúng 8 giờ, cuộc gặp mặt bắt đầu. Hội trường hội thảo gần 200 chỗ ngồi không còn chỗ trống nào. Sau báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Đinh Xuân Việt trình bày, với tinh thần cầu thị, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình trao đổi, cho rằng bên cạnh những thành tựu quê hương Hà Tĩnh đã đạt được thời gian qua, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, tỉnh đang rất cần những ý kiến đóng góp chân thành của các bậc lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân thành đạt, là những người con của quê hương, nhằm tạo sự đồng thuận cao, sức mạnh mới, để Hà Tĩnh có sự chuyển biến bứt phá đi lên.
Để Hà Tĩnh “cất cánh”
Bằng cách nhìn tổng quan của một nhà khoa học làm chính trị, GS.TS Phan Xuân Biên – nguyên UV BTV Thành uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, người con Hương Khê khái quát một cách sâu sắc: Thành tựu lớn nhất của Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ qua, là từ một tỉnh nghèo đã có sự bứt phá rõ nét, cả trong tư duy và trong cách làm. Hơn 18 tỷ USD vốn thu hút đầu tư của Hà Tĩnh hiện là một con số thực sự ấn tượng. Đó sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, trở thành tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình: "Để Hà Tĩnh thực sự "cất cánh" đang rất cần sự đồng tâm hợp lực của những người con xa quê..." |
“Hà Tĩnh chúng ta đã chính thức “thức giấc”, đang chuẩn bị “cất cánh”. Tuy nhiên, để có thể “cất cánh” và bay xa, Hà Tĩnh cần chú trọng xây dựng lộ trình, đề ra mục tiêu phù hợp hơn, xây dựng đội ngũ cán bộ đúng tầm, biết phát hiện ra cái mới từ thực tiễn cuộc sống, dám làm, dám chịu trước cái mới” – ông Biên nói.
Cùng quan điểm với nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Phan Xuân Biên, Thiếu tướng Phan Khắc Hy phát biểu nhấn mạnh, từ một tỉnh thuần nông, Hà Tĩnh đang bắt tay làm công nghiệp, tỉnh cần phải có quy hoạch tổng thể dài hơi để phát triển bền vững. Về sản xuất nông nghiệp, tỉnh nên có hướng xây dựng “nông nghiệp xanh” phục vụ công nghiệp, vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường.
“Từ tỉnh đến cơ sở phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa tư duy, khuyến khích mọi người làm giàu, phải từ bỏ cho được tư duy vị kỷ, hẹp hòi. Không chỉ chú trọng công tác đào tạo, tỉnh còn phải có chính sách “hút” nhân tài, đừng để thiên hạ dùng hết người tài là con em mình” - Thiếu tướng Hy bộc bạch.
Cùng chủ đề tìm giải pháp để Hà Tĩnh có thể phát triển bền vững, nguyên Giám đốc Liên hiệp khoa học sản xuất công nghiệp sinh-hoá học TP Hồ Chí Minh, PGS Nguyễn Dần có một cách nhìn rất thực tế. Trong ý kiến đóng góp của mình, PGS Dần khẳng định, chúng ta chỉ có thể đi lên bằng thực tại của chúng ta. Chúng ta không thể phát triển bằng cách đi học người ta làm kinh tế xuất phát từ thực tế của người ta được.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Đinh Xuân Việt: "Con người là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển, Hà Tĩnh đang xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cơ sở thời kỳ hội nhập...". |
"Chúng ta hoàn toàn có thể giàu lên, và giàu không thua ai, nếu biết đi lên bằng các ứng dụng thiết bị mới, công nghệ mới và sản phẩm mới để thực thi nền sản xuất đồng bộ. Chính vì thế, cùng với chú trọng phát triển kinh tế công nghiệp, Hà Tĩnh cần chú trọng các ngành công nghiệp nhẹ và dịch vụ nhằm giải quyết nguồn lao động “thô” - nguồn nhân lực phổ thông hiện đang là thế mạnh của tỉnh" - PGS Dần khẳng định.
Cần những con người có khả năng thay đổi!
Với góc nhìn của một nha khoa học hoạch định chính sách kinh tế, PGS,TS Trần Văn Thiện - Viện trưởng Viện Chiến lược ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến, nêu rõ: Kinh nghiệm cho thấy, sau giải phóng có một số tỉnh, vùng do có điều kiện tự nhiên ưu đãi nên dân cư ở những vùng này có mức sống tương dối cao so với cả nước. Thế nhưng hôm nay, những tỉnh, những vùng đó lại là vùng trũng phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Sở dĩ như vậy là do những vùng này thiếu chủ động, thiếu sáng tạo trong chính sách, suy cho cùng là do lãnh đạo ở những vùng này thiếu năng lực, thiếu nhạy bén.
Để đánh giá một vấn đề, người ta phải so sánh theo 2 chiều: thời gian và không gian. Với chiều thứ nhất, Hà Tĩnh đã có bước phát triển rất nhiều so với những thập kỷ trước. Nhưng với chiều thứ 2, nếu so với nhiều địa phương khác, Hà Tĩnh vẫn còn ở mức phát triển rất khiêm tốn. Tôi nghĩ rằng, Hà đã và đang có đầy đủ những yếu tố cần thiết về địa lý – tài nguyên, về dân cư – con người, về xã hội - truyền thống để trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội phát triển không chỉ của khu vực mà còn của cả nước. Vấn đề của mọi vấn đề là phải lựa chọn cho được những người lãnh đạo có tài, có tầm nhìn xa - rộng, có bản lĩnh, và đặc biệt, phải có khả năng thay đổi.
Để làm được điều này, Hà Tĩnh cần học tập Bình Dương, xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá năng lực và hiệu quả làm viẹc của cán bộ, công chức. Ngày nay, trình độ qua bằng cấp mới chỉ là điều kiện cần, chưa đủ để bảo đảm hiệu quả làm việc tốt. Trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, người ta đang có xu hướng dành một khoản ngân quỹ cần thiết cho việc phát triển các kỹ năng mềm trong quản lý, điều hành và lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ.
Đi xa càng nhớ về…
“Là những người con của quê hương Hà Tĩnh đang làm việc và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh chứng kiến đây không phải là lần đầu lãnh đạo tỉnh nhà vào gặp mặt đồng hương Hà Tĩnh. Điều đó chứng tỏ rằng, lãnh đạo tỉnh rất cầu thị, và chúng tôi thực sự cảm kích về những cuộc gặp như thế này” – GS Thiện tâm sự.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Văn Chất: "Năm 2009, Hà Tĩnh thu ngân sách đạt trên 1.200 tỷ đồng đánh dấu sự vượt bậc quan trọng..." |
Có lẽ không riêng gì GS Thiện, gần 200 con người đang ngồi đây hôm nay đều có chung cảm xúc này. Điều đó thể hiện rõ qua ánh mắt, nụ cười của họ mỗi khi nghe những thông tin hay về sự phát triển đi lên của quê hương, cũng như những nét cau mày mỗi khi nghe Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình thay mặt lãnh đạo tỉnh giải bày những băn khoăn, trăn trở.
Với thái độ cầu thị và tấm lòng thành, Bí thư Bình ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu và nguyện hứa với những người con Hà Tĩnh xa quê, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ BCH Tỉnh uỷ đến từng cán bộ, đảng viên sẽ tiếp tục chung lưng đấu cật, tạo sự đồng thuận trong nội bộ, tạo sự gắn kết với nhân dân, quyết tâm “làm cho Hà Tĩnh nổi bật lên” trong một ngày không xa như sinh thời Bác Hồ hằng mong ước!