Nông nghiệp, đất rừng “nóng” từ thực tiễn đến nghị trường

(Baohatinh.vn) - Chiều 16/7, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn xung quanh các lĩnh vực: nông nghiệp, TN&MT, LĐ-TB&XH. Phiên chất vấn thu hút khá nhiều ý kiến, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Kim Cự, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và Ủy viên Thường trực HDND Hoàng Thị Cẩm Tú tiếp tục điều hành phiên họp.

>> Đại biểu HĐND tỉnh thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân

Xoáy sâu 3 vấn đề trọng tâm của ngành nông nghiệp

Đăng đàn đầu tiên trong chiều nay là Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn trả lời câu hỏi: “Thực hiện chính sách cơ giới hóa nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực và trình độ của lực lượng sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất… chưa được tập trung đẩy mạnh. Đề nghị cho biết nguyên nhân, giải pháp?”.

Nông nghiệp, đất rừng “nóng” từ thực tiễn đến nghị trường ảnh 1

Ông Đặng Ngọc Sơn cho rằng, thực tiễn sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, quy mô sản xuất một số sản phẩm còn nhỏ lẻ, cơ giới hóa trong nông nghiệp thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là do kết quả thực hiện tái cơ cấu sản xuất các sản phẩm trồng trọt chưa rõ nét, ruộng đất manh mún, trình độ sản xuất chủ yếu theo hình thức truyền thống, lạc hậu; một số khâu sản xuất, nhất là gieo trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, bảo quản, chế biến sản phẩm trong trồng trọt chưa tốt; xử lí thực bì, đào hố, trồng chăm sóc rừng… khó áp dụng cơ giới do chi phí đầu tư mua máy, thiết bị cao, khả năng thu hồi vốn chậm; đa số những người sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp chưa được đào tạo, trang bị chưa đầy đủ về quy trình, kỹ thuật vận hành, bảo trì…

Về giải pháp sắp tới, theo ông Sơn, trọng tâm vẫn là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất; chuyển đổi tập trung ruộng đất, xây dựng các mô hình có quy mô lớn hơn; tiếp tục điều chỉnh các chính sách cho nông nghiệp; ứng dụng các tiến bộ KHKT vào trong sản xuất, chăn nuôi; tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp…

Nông nghiệp, đất rừng “nóng” từ thực tiễn đến nghị trường ảnh 2

Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn trả lời câu hỏi của các cử tri và đại biểu

Ông Sơn cũng thừa nhận tình trạng nông dân bỏ ruộng đang diễn ra hiện nay và cho biết thêm, vụ hè thu có 758,53 ha đất nông nghiệp bỏ hoang, trong đó 739,83 ha đất lúa, còn lại là diện tích đất màu.

Trả lời câu hỏi của cử tri về việc buông lỏng quản lý nhà nước về SX-KD giống, vật tư nông nghiệp, ông Đặng Ngọc Sơn cho biết: Ngành đã xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh 192/510 cơ sở, với số tiền là 876,5 triệu đồng; xử phạt nhiều cơ sở vi phạm hành chính về đo lường, niêm yết giá, không đủ điều kiện kinh doanh, hành nghề về thú y… Tuy nhiên, khi đại biểu chất vấn thêm: “Có bao nhiêu cơ sở kinh doanh bị đình chỉ mà tiếp tục kinh doanh trở lại?”, thì Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận là chưa nắm hết số liệu.

Không thỏa mãn với phần trả lời của ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Kim Cự cho rằng, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, thanh tra nhiều lần nhưng ngành vẫn buông lỏng. Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Ngành NN&PTNT phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này và cần sớm rà soát, chấn chỉnh, xử lí dứt điểm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nông nghiệp, đất rừng “nóng” từ thực tiễn đến nghị trường ảnh 3

Đại biểu Dương Tất Thắng: Ngành NN&PTNT đã tổ chức đánh giá tiêu thụ nông sản trên địa bàn chưa?

Trả lời câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của ngành NN&PTNT trong công tác tổ chức đánh giá tiêu thụ nông sản trên địa bàn của đại biểu Dương Tất Thắng, ông Đặng Ngọc Sơn cho rằng, trách nhiệm này không thuộc về ngành. Câu trả lời này không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Theo chủ tọa kỳ họp, ngành NN&PTNT phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề này, bởi nó liên quan đến tái cấu trúc ngành nông nghiệp, trong đó có nhiệm vụ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, không thể thả nổi cho nông dân.

Nghị trường “nóng” chuyện đất rừng

Liên quan đến vụ việc lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 192, xã Hòa Hải (Hương Khê) kéo dài nhiều năm nhưng chưa xử lí dứt điểm, Giám đốc Sở NN&PTNN cho rằng: “Sở NN&PTNN với vai trò chủ trì cùng với Sở TN&MT, UBND huyện Hương Khê chưa tập trung tham mưu, chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý rừng và đât lâm nghiệp, chậm vào cuộc, xử lí chưa dứt điểm. Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND huyện Hương Khê và Chủ tịch UBND xã Hòa Hải. Chủ rừng đã buông lỏng quản lý, trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê”.

Về hướng giải quyết, ông Sơn cho biết, Sở NN&PTNN đã làm việc với UBND huyện Hương Khê thống nhất thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng, đồng thời hoàn trả tiền cho công ty.

Nông nghiệp, đất rừng “nóng” từ thực tiễn đến nghị trường ảnh 4

Đại biểu Đoàn Đình Anh đặt câu hỏi liên quan đến việc tranh chấp đất rừng tại Tiểu khu 192

Đại biểu Đoàn Đình Anh chất vấn thêm: “Một trong những nguyên nhân để xẩy ra tình trạng trên tại Tiểu khu 192 là chưa lấy ý kiến của người dân thôn 10 và 11 thuộc xã Hòa Hải. Trách nhiệm này thuộc về ai?”. Ông Đặng Ngọc Sơn cho rằng: “Trong quy trình chuyển đổi có quy định lấy ý kiến, nhưng xã đã không tiến hành bước này, đúng hơn, dân không đồng tình nhưng xã vẫn ký hồ sơ. Về mặt pháp lý, Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê đã có đất để đầu tư. Công ty là người hưởng lợi nên lẽ ra phải có trách nhiệm với chính quyền trong việc lấy ý kiến. Quan điểm xử lý hiện nay là đất trả lại dân, tiền trả lại công ty”.

Một lần nữa Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Kim Cự không bằng lòng với câu trả lời và cho rằng, Giám đốc Sở NN&PTNN đang né tránh trách nhiệm. Việc quản lý đất rừng để hệ lụy như lâu nay, trách nhiệm chính thuộc về Sở NN&PTNN. Khi chưa đủ điều kiện ngành vẫn để doanh nghiệp tiến hành đầu tư, thì ngành phải chịu trách nhiệm. Vì thế, cần sớm xử lí dứt điểm vụ việc, không để kéo dài.

Quản lý khoáng sản còn nhiều hạn chế

Trả lời các câu hỏi của cử tri liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong khâu quy hoạch, kiểm soát sản lượng so với kế hoạch được cấp phép, Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đình lý giải: Do khi rà soát, làm quy hoạch chưa dự báo chính xác được nhu cầu vật liệu xây dựng để cung ứng nên việc tham mưu đề xuất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nông nghiệp, đất rừng “nóng” từ thực tiễn đến nghị trường ảnh 5

Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh thừa nhận những hạn chế liên quan đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản

Giám đốc Sở TN&MT cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại trong việc kiểm soát sản lượng: “Dù đã ghi rõ trong giấy phép nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khai thác không đúng khối lượng cho phép. Nguyên nhân là do các đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chế độ báo cáo định kỳ chưa đầy đủ”.

Trả lời câu hỏi của cử tri về kết quả xử lý đối với các tổ chức, cá nhân cấp đất trái thẩm quyền từ năm 2012 trở về trước, Giám đốc Sở TN&MT Võ Tá Đinh cho biết: Việc thanh tra, xử lý vấn đề giao đất sai thẩm quyền trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp huyện. Sở TN&MT đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã thanh tra 122/236 xã, phường, thị trấn có tình trạng cấp đất trái thẩm quyền; phát hiện 53 tập thể, 272 cá nhân vi phạm; hiện đã xử lý 23 tập thể, 107 cá nhân.

Nông nghiệp, đất rừng “nóng” từ thực tiễn đến nghị trường ảnh 6

Làm rõ những đối tượng hưởng sai chế độ

Tiếp theo phần chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Sơn đã trực tiếp trả lời câu hỏi về kết quả kiểm tra, rà soát hồ sơ đối tượng chính sách theo Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998 của liên Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn một số điểm về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương bình, bệnh binh.

Nông nghiệp, đất rừng “nóng” từ thực tiễn đến nghị trường ảnh 7

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời các câu hỏi liên quan đến đối tượng chính sách

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: Đến nay cơ bản các nội dung kết luận của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã được xử lý kịp thời, hiệu quả. Tổng số đối tượng đề nghị xử lý là 223 đối tượng, số đối tượng trực tiếp xử lý 217. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng đưa ra một số khó khăn trong việc thực hiện kết luận của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, nhất là việc tổ chức truy thu và nộp vào ngân sách nhà nước số tiền các đối tượng hưởng sai...

Nông nghiệp, đất rừng “nóng” từ thực tiễn đến nghị trường ảnh 8

Đại biểu Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần làm rõ những đối tượng hưởng sai, lãnh đạo các địa phương phải phối hợp tiến hành thu lại tiền.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần làm rõ những đối tượng hưởng sai, lãnh đạo các địa phương phải phối hợp tiến hành thu lại tiền. Đối với 455 hồ sơ chất độc hoá học đang ở dạng nghi vấn hưởng sai cần phải rà soát, kiểm tra lại. Đối với vấn đề sai phạm hồ sơ quân nhân, còn 9 đơn vị chưa thực hiện, cần khẩn trương tiến hành, không được chậm trễ hơn nữa.

Sáng 17/6, HĐND tỉnh khóa XVI sẽ tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường và tiến hành bế mạc Kỳ họp thứ 14.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Nhiều ý kiến nhận định, năm 2025 sẽ là khởi đầu giai đoạn bứt tốc của Khu kinh tế Vũng Áng khi Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp dự án công nghiệp - cảng biển - logistics. kỳ vọng những quyết sách mới từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 cùng chiến lược phát triển từ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ có thêm sự đồng hành của những cơ chế, chính sách, giải pháp mới để gánh vác vai trò đầu tàu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.
Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các thầy cô giáo luôn phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Từ năm 2008 (khi Tập đoàn Formosa triển khai dự án tầm cỡ tại Khu kinh tế Vũng Áng) đến năm 2020 là giai đoạn có nhiều thăng trầm đối với khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo song hành 2 mục tiêu chính: nâng tầm khu kinh tế động lực và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách sát đúng cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt.