Cơ hội phát triển rừng ngập mặn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Khi nguồn lực đầu tư cho rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh còn khó khăn thì dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường chống chịu vùng ven biển” sắp được triển khai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thiếu nguồn lực đầu tư

Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh được đầu tư thông qua các dự án xây dựng hệ thống đê biển, chương trình hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 – 2017, các dự án, chương trình kết thúc nên việc triển khai quy mô lớn để bảo vệ, phát triển rừng không đáng kể.

Cơ hội phát triển rừng ngập mặn Hà Tĩnh

Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai

Hà Tĩnh hiện có 789,3 ha rừng ngập mặn, trong đó 770,5 ha rừng quy hoạch phòng hộ và 18,8 ha rừng sản xuất. Theo đánh giá, chất lượng rừng ngập mặn tỉnh ta còn thấp; hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ rừng còn hạn chế; chưa có các khu rừng giống, vườn ươm giống đảm bảo chất lượng phục vụ trồng mới, trồng bổ sung nâng cấp rừng ngập mặn; thiếu nguồn lực đầu tư trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng ven biển.

Cơ hội phát triển rừng ngập mặn Hà Tĩnh

Thiếu nguồn lực nên việc đầu tư phát triển rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn

Được biết, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 120/QĐ-TTg ngày 22/1/2015, trong đó có chính sách bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 – 2020. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển còn thiếu nên khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương, hạn chế thu hút người tham gia trồng và bảo vệ rừng.

Cơ hội phát triển rừng ngập mặn Hà Tĩnh

15 ha rừng ngập mặn tại xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) bị sâu tấn công

Ngoài ra, một số khu rừng ngập mặn trồng cách đây hàng chục năm, nay có hiện tượng già cỗi, tự suy thoái (Lộc Hà); một số diện tích rừng ngập mặn ở Kỳ Anh bị sâu hại tấn công, gây chết cây, suy giảm chất lượng. Gần đây nhất, 15 ha rừng ngập mặn tại xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) bị sâu xanh ăn lá khiến toàn bộ lá cây bị khô trắng.

Ông Lê Công Đường - Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết: "Hàng năm, rừng ngập mặn bị sâu bệnh phá hại với diện tích lớn và lan nhanh. Tuy nhiên, địa phương chưa có biện pháp xử lý mà để cây tự hồi phục nên ảnh hưởng quá trình sinh trưởng, phát triển".

Cơ hội phát triển

Ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: "Ngành NN&PTNT Hà Tĩnh đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển”.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 21/4/2017, Bộ NN&PTNT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1658/QĐ-BNN-HTQT ngày 04/5/2017. Hiện Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) đã hoàn thành công tác đàm phán dự án; WB đã thông qua, phê duyệt hiệp định vay, dự kiến sẽ được ký kết trong thời gian tới.

Đây là một dự án quy mô và khi nguồn lực đầu tư quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh còn nhiều khó khăn như hiện nay thì dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển rừng ngập mặn.

Cũng theo ông Trúc, Hà Tĩnh có 35 xã ven biển thuộc TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh và 5 huyện (Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên) được hưởng lợi dự án đối với hợp phần khôi phục và phát triển rừng ven biển. Theo đó, toàn tỉnh sẽ trồng mới 200 ha, phục hồi và nâng cấp 210,6 ha rừng ngập mặn; hỗ trợ kinh phí bảo vệ 421,2 ha rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.

Cơ hội phát triển rừng ngập mặn Hà Tĩnh

Dự án "Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường chống chịu vùng ven biển" được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh

Dự án còn xây dựng đề án, đo vẽ bản đồ, tổ chức giao khoán cho chủ rừng là tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ 421,2 ha; xây dựng 2 vườn ươm cố định tại xã Hộ Độ (Lộc Hà) và Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên); chuyển hóa 40 ha rừng ngập mặn để xây dựng rừng giống, vườn giống phục vụ sản xuất cây con...

Ngoài ra, dự án cũng xây dựng 20 km đường tuần tra bảo vệ rừng, cứu hộ, cứu nạn mùa mưa lũ, phát triển kinh tế gắn xây dựng NTM tại Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh; mua sắm một số phương tiện phục vụ tuần tra, bảo vệ rừng ngập mặn tại xã Cẩm Mỹ, Cẩm Minh (Cẩm Xuyên), Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh). Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của rừng ngập mặn, rừng ven biển để tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng...

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast