Thiếu vốn, nhiều hoạt động lâm sinh bị đình trệ

(Baohatinh.vn) - Không chỉ gần 1.000 ha rừng phòng hộ đã trồng có nguy cơ mất, thiếu kinh phí cũng khiến các hoạt động lâm sinh trên địa bàn Hà Tĩnh như: Bảo vệ, trồng, chăm sóc các loại rừng... ở cơ sở đều bị đình trệ, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện. Có hay không trách nhiệm của các ngành liên quan?

Chủ rừng lúng túng...

Trước khối lượng, chỉ tiêu được giao thực hiện trong năm 2017 nhưng chưa được bố trí kinh phí để triển khai, các BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (chủ rừng nhà nước) trong tỉnh đều hết sức lúng túng. Nhiều ngại ngần không muốn nói ra nhưng mặt “ông chủ” nào cũng ẩn chứa âu lo, chán nản...

Qua tìm hiểu, nhìn chung, các chủ rừng đều cố gắng tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) năm 2017, dù chưa được bố trí kinh phí. Tuy nhiên, khó nói về chất lượng, tiến độ... thực hiện.

thieu von nhieu hoat dong lam sinh bi dinh tre

Rừng phòng hộ 3 năm tuổi tại tiểu khu 299A, thuộc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ không được chăm sóc do thiếu kinh phí nên đã bị cây dại lấn át.

Đơn cử như cây giống lâm nghiệp - một trong rất nhiều hạng mục trong thực hiện chỉ tiêu kế hoạch lâm sinh năm - cũng đủ thấy các chủ rừng phải đối diện với khó khăn như thế nào khi thiếu vốn. “Đầu năm, đơn vị đã đưa vào kế hoạch số lượng cây giống phục vụ trồng rừng phòng hộ, trồng dặm, trồng rừng thay thế... Đùng một cái không có kinh phí thì lấy gì lo hiện trường, thiết kế trồng... Hàng vạn cây giống cũng ế, không tiêu thụ được đành bỏ đó vì hết vụ... Đó là chưa kể lấy tiền đâu để hợp đồng bảo vệ, chăm sóc rừng. Không tiền nói chẳng ai nghe...” - một chủ rừng nhà nước (xin giấu tên), ngao ngán nói.

Năm 2017, Hà Tĩnh được Bộ NN&PTNT giao: Bảo vệ rừng phòng hộ 30.700 ha, bảo vệ rừng đặc dụng 51.571 ha; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 300 ha; trồng rừng thay thế 642 ha; trồng rừng sản xuất 6.000 ha; trồng rừng ngập mặn 90 ha; trồng rừng chắn gió, chắn cát 40 ha; chăm sóc 12.020 ha rừng; trồng phân tán 2 triệu cây. Theo định mức quy định tại Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, để thực hiện được các chỉ tiêu nhiệm vụ trên cần 228 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí huy động từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các chương trình dự án khác đầu tư: 153,5 tỷ đồng. Số kinh phí còn lại cần hỗ trợ từ nguồn ngân sách: 74,5 tỷ đồng (nguồn kinh phí sự nghiệp là 30,8 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển là 43,7 tỷ đồng). Nhưng, đến nay, nguồn ngân sách chỉ mới cấp được 12,1 tỷ đồng (nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương: 9,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 2,5 tỷ đồng), còn thiếu 62,4 tỷ đồng.

Đi tìm nguyên nhân

Nguyên nhân Hà Tĩnh chưa được bố trí vốn đầu tư phát triển thực hiện kế hoạch BV&PTR năm 2017 được Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh tại Văn bản số 1085 ngày 8/6/2017. Theo đó, sở đã xây dựng kế hoạch và nhu cầu vốn thực hiện kế hoạch BV&PTR năm 2017 tại Văn bản 1329/SNN-KHTC ngày 22/7/2016. Tuy nhiên, tại thời điểm xây dựng kế hoạch, thực hiện Nghị quyết 60 của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, trong đó có quy định: “Các dự án đến ngày 30/9 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016, không bố trí kế hoạch vốn năm 2017 để thực hiện hết số vốn năm 2016 kéo dài thực hiện sang năm 2017”.

Tại thời điểm 30/9/2016, kế hoạch vốn BV&PTR của Hà Tĩnh giải ngân dưới 30%, vì vậy, Sở Kế hoạch & Đầu tư chưa tổng hợp đưa vào nhu cầu kế hoạch vốn chung của tỉnh năm 2017, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Lý giải về sự chậm trễ này, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh là do đặc thù sản xuất lâm nghiệp, từ khâu chuẩn bị hiện trường, xây dựng, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, chuẩn bị cây giống... cần nhiều thời gian để thực hiện. Hơn nữa, mùa vụ trồng rừng ở các tỉnh miền Trung chủ yếu tập trung vào tháng 11, tháng 12 của năm kế hoạch. Thời gian nghiệm thu, phúc tra, giải ngân phải kéo dài đến hết quý I của năm sau kế hoạch...

Lý giải này không được nhiều nhà chuyên môn đồng thuận. Nhiều câu hỏi được đặt ra cho các ngành, các cấp liên quan đối với việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch BV&PTR hằng năm nói chung và năm 2016 nói riêng. Thêm vào đó, cùng điều kiện thời tiết, vậy các tỉnh miền Trung có bị cắt kế hoạch vốn BV&PTR như Hà Tĩnh...

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có Văn bản số 4095, ngày 4/7/2017 gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT, đề nghị xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện kế hoạch BV&PTR năm 2017 hoặc trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung tối thiểu 50% nhu cầu, với kinh phí 20 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển (nhu cầu 43,7 tỷ đồng).

Mọi hoạt động lâm sinh tại các chủ rừng nhà nước trên địa bàn tỉnh đang bị ảnh hưởng lớn đến chất lượng và tiến độ... do chưa được bố trí ngân sách BV&PTR năm 2017, dù chỉ còn hơn 4 tháng nữa là hết năm.

Chủ đề Cây trồng - Mùa vụ

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.