Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…
Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Khi những thảm lúa chuyển sang màu vàng óng như mật, tỏa ngát hương nồng, ấy là khi mùa gặt lại đến. Từ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà đến Can Lộc rồi ngược lên Đức Thọ, Hương Sơn, bà con nông dân Hà Tĩnh đang tốc lực chạy đuổi tiến độ lúa chín và cả những cơn dông chực chờ kéo đến...

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…
Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Cái nắng đầu mùa bao giờ cũng oi nồng và ngột ngạt. Trời chưa sáng hẳn, những tia nắng mới đã xuyên thủng cả mấy tầng mây, đổ lên những tấm lưng gầy ướt đẫm mồ hôi của bà con nông dân ra đồng thu hoạch lúa. Ấy thế mà, đối với họ, những con nắng này chính là “đặc ân” của thiên nhiên, đến đúng vào dịp quan trọng nhất để làm cho đồng lúa mùa gặt chín đều, vàng rộm khắp mọi nơi.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Anh Lê Trọng Quý bám theo thân máy gặt để đón lấy những thành quả đầu tiên sau một mùa chăm bón vất vả.

Vợ chồng anh Lê Trọng Quý, thôn Tiến Bộ, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) làm đến 3 mẫu, thuộc vào những người có nhiều ruộng nhất thôn. Ngay từ sáng sớm, anh Quý đã chạy ngược xuôi để đón máy gặt đập, còn vợ anh cũng cập rập sửa soạn bao bì mang theo để chuẩn bị đổ lúa vào sau thu hoạch.

Cảnh gấp gáp, vội vàng không hẳn chỉ vì lúa chín đầy đồng mà còn bởi mùa thu hoạch này rất đặc biệt, vừa chạy trời khi những cơn dông vẫn đe dọa vừa khẩn trương trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Anh Lê Trọng Quý chia sẻ: “Dù đi qua bao nhiêu mùa gặt thì đối với bà con nông dân vào mỗi độ lúa chín đều bồi hồi. Cả mùa làm lụng vất vả, chăm lo từng li, từng tí, lại mấy lần “hú vía” vì dông lốc đòi “cướp” mùa thu hoạch, bà con chúng tôi như nín thở vì lo lắng. Đợi đến ngày cánh đồng vàng rộm, máy gặt về thì trong lòng mới phần nào nhẹ nhõm”.

Anh Quý nhớ lại, cách đây mấy chục ngày, trận dông lớn đã quật ngã gần như toàn bộ diện tích lúa khi đang vào kỳ chắc xanh. Lúa đang mây mẩy bỗng nằm rạp xuống khiến vợ chồng anh xót của không thôi. Ấy thế mà, sức sống của cây lại mãnh liệt vô cùng. Chỉ mấy ngày nắng, lúa đã tự đứng dậy, tiếp tục chắt chiu dinh dưỡng nuôi hạt.

Máy gặt sà vào chân ruộng, anh Quý chẳng có nhiều thời gian để trò chuyện. Hai vợ chồng, người bám lên khoang máy gặt chạy băng băng giữa đồng, người chờ sẵn trên bờ để đón những bì lúa nặng trĩu, rồi vần lên xe ba gác đưa về nhà. Thời tiết nắng nóng, cả người của hai anh chị ướt đẫm mồ hôi, chỉ duy có ánh mắt không thể giấu được nét rạng ngời tươi vui.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Trong khi anh Quý theo máy chạy băng băng trên cánh đồng thì vợ anh ở trên bờ cũng cố gắng vần giữ lấy những bì lúa nặng trịch vừa thu hoạch xong.

“Trời càng nắng bà con chúng tôi càng mừng, vì như thế lúa sẽ chín đều và đẹp hơn. Chị thấy đấy, nhiều cánh đồng còn chẳng có dấu vết nào từng bị đổ ngã do đợt dông lớn cách đây mấy chục ngày. Nhà tôi thì vẫn còn 3 - 4 sào bị ngã, nhưng thôi thì lấy chỗ được bù chỗ mất. Áng chừng chắc phải được hơn 3 tạ/sào, vụ lúa xuân chưa bao giờ được mùa như thế” - tiếng anh Quý nói lẫn trong tiếng ầm ù của máy gặt.

Thiên nhiên có những quy luật riêng của nó, càng trong điều kiện sản xuất khắc nghiệt thì càng cho quả ngọt lành. Những cánh đồng bội thu như được nhuộm vàng bởi màu của nắng, của lúa chín, kéo mùa thu hoạch trở về khắp các địa phương trên toàn tỉnh.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Rộn ràng mùa gặt. Ảnh: Thiện Chân

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Rộn ràng mùa gặt. Ảnh: Thiện Chân

Từ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà ra Can Lộc rồi ngược vùng Đức Thọ, Hương Sơn, đâu đâu cũng tiếng máy gặt đập liên hợp rầm rập chạy xuyên ngày đêm, đâu đâu cũng là hình ảnh bà con nông dân tất bật thu lúa, thu rơm, phơi thóc với niềm vui được mùa.

Bà Trần Thị Hoài, thôn Trung Đông, xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) cho biết: “Đây là khoảng thời gian cật lực nhất của người nông dân. Vừa thu hoạch lúa xuân lại vừa chuẩn bị “chạy đuổi” hè thu. Hôm nay, máy còn chạy giữa đồng nhưng chỉ khoảng ít ngày nữa (25/5) là bắt đầu gieo cấy hè thu. Thế nhưng, mùa lúa vụ này đã cho chúng tôi niềm vui trọn vẹn, được mùa, được nắng, được cả giá bán”.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Bà Trần Thị Hoài, thôn Trung Đông, xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) phấn khởi đón nhận vụ thu hoạch năng suất cao nhất từ trước tới nay.

Bà Hoài là mẫu nông dân thứ thiệt ở vùng lúa Đức Thọ. Vụ lúa xuân, bao giờ bà cũng dày công đầu tư từ vật tư, phân bón đến công sức trên đồng ruộng. Toàn bộ diện tích 5 sào của bà đều là lúa cấy, sử dụng bộ giống chất lượng như Nếp 98, Bắc hương 9. Bởi thế, cánh đồng đều đẹp từ màu sắc đến độ phẳng phiu, sạch sẽ. Nhờ thời tiết thuận lợi, năm nay bà nhận thành quả ngoài sức tưởng tượng, bình quân năng suất mỗi sào đạt từ 3,3 - 3,5 tạ. Lúa của bà được thương lái mua ngay tại chân ruộng với giá bán là 53.000 đồng/yến lúa tươi.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được 15.000 ha (đạt hơn 25% tổng diện tích). Máy móc, nhân lực được huy động tối đa ra đồng, cứ khoảng 30 phút lại có khoảng 100 ha được thu hoạch gọn.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Cánh đồng tích tụ ruộng đất rộng gần 54 ha của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn tại xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) bắt đầu vào kỳ thu hoạch. Cả cánh đồng rộng lớn, bằng phẳng nằm sát bên trục đường giao thông thuận lợi. Máy móc, xe cộ đều có thể chạy thẳng băng băng ra tận nơi.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn thăm mô hình tích tụ ruộng đất đầu tiên của tỉnh ở huyện Thạch Hà.

Anh Trần Hậu Nhân - Giám đốc HTX cho biết: “So với diện tích của năm đầu tiên (27,9 ha ở vụ xuân 2020) thì năm nay chúng tôi đã mở rộng cánh đồng lên đến gần 54 ha, sản xuất 1 loại giống/vùng. Việc tập trung cao đầu mối trên cánh đồng đã giúp chúng tôi tăng cao năng suất, sản lượng và kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ. Năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha, tất cả đều hợp đồng thu mua tại ruộng với doanh nghiệp”.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Nếu ai đã từng nhìn thấy những vùng gồ ghề, đứt quãng bởi các cồn hoang trước đó của cánh đồng nơi đây mới khâm phục ý chí bền bỉ và công sức gầy tạo của HTX nông nghiệp này. So với trước, năng suất hiện tại gấp 1,5 - 2 lần. Điều quan trọng, mô hình tích tụ này đang mở ra xu hướng mới cho sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Còn ở Cẩm Xuyên, vụ xuân 2021 cũng mở rộng thêm hơn 600 ha canh tác theo hình thức phá bờ thửa nhỏ hình thành thửa lớn, đưa tổng diện tích triển khai theo hình thức này của huyện lúa lên đến 1.300 ha với 18 xã tham gia. Chuyển đổi trong sản xuất đã giúp Cẩm Xuyên tiến thêm những bước dài trong canh tác.

Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Toàn huyện gieo cấy 9.500 ha, hiện nay năng suất dự kiến đat 60 tạ/ha (tăng 7,22 tạ/ha so với cùng kỳ), sản lượng ước đạt 57.000 tấn (tăng 13% so cùng kỳ). Cùng với điều kiện thời tiết khá thuận lợi từ đầu vụ thì chính thành công của mô hình phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn đã làm nên thắng lợi toàn diện vụ lúa xuân. Các cánh đồng được cơ cấu giống mới, chất lượng, thực hiện phương thức gieo bằng công cụ sạ hàng và sản xuất theo hướng VietGAP, cánh đồng lúa hữu cơ. Đây chính là nền tảng giúp huyện tiến đến mở rộng tích tụ ruộng đất, xây dựng các vùng hàng hóa lớn có giá trị kinh tế cao hơn".

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Đánh giá mới nhất của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, năng suất bình quân vụ lúa xuân 2021 của toàn tỉnh đạt khoảng 58 tạ/ha, cao hơn 2,36 tạ/ha so với vụ lúa xuân 2020 và phá vỡ mọi kỷ lục về năng suất trước đó. Những cái tên Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà… tiếp tục là nhóm giữ “top” đầu của toàn tỉnh với năng suất bình quân từ 59 - 60 tạ/ha. Và, gần như chưa bao giờ khoảng cách giữa hai vụ xuân liên tiếp ở các địa phương lại có sự chênh lệch lớn như bây giờ: Vụ xuân năm nay tăng từ 5 - 7,5 tạ/ha so với vụ xuân 2020.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Theo ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, vụ xuân 2021 đã hội tụ đầy đủ các yếu tố trong sản xuất để làm nên một vụ mùa thắng lợi.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Vụ xuân 2021 đã hội tụ đầy đủ các yếu tố trong sản xuất để làm nên một vụ mùa thắng lợi. Thời vụ sản xuất đảm bảo ngay từ đầu, các địa phương chủ động phòng trừ và kiểm soát sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, diện tích nhiễm và mức độ thiệt hại thấp nhất từ trước tới nay. Cùng với đó, việc tập trung ứng dựng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: tăng tỷ lệ cơ cấu giống chất lượng (chiếm 40% diện tích toàn tỉnh), mở rộng hình thức sản xuất mới - phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn, tích tụ ruộng đất đã trở thành điểm mấu chốt tăng năng suất, giá trị sản xuất lúa gạo Hà Tĩnh”.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt…

Vượt lên mọi khó khăn, bà con nông dân khắp nơi lại sắp sửa bước vào mùa sản xuất hè thu với nhiều động lực mới, giúp ngành nông nghiệp hoàn thành sứ mệnh là chỗ dựa vững chắc của nền kinh tế, đảm bảo an toàn, an ninh lương thực cho xã hội.

video: Anh Tấn

thiết kế: khôi nguyễn

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast