Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

(Baohatinh.vn) - Năm 2024, Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thành lập với gần 50 hội viên tham gia, trở thành nền tảng để đưa thương hiệu mật ong vươn xa.

bqbht_br_4.jpg
Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng có gần 50 hội viên tham gia.

Xã Đức Lạng là vùng bán sơn địa, phù hợp với việc phát triển rừng trồng, vườn đồi, trồng cây ăn quả. Tận dụng thế mạnh này, người dân nơi đây đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật, cho thu nhập tương đối cao.

Năm 2024, để phát triển nghề nuôi ong lấy mật bài bản, Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng thành lập với gần 50 hội viên tham gia.

bqbht_br_6.jpg
Nhờ được tập huấn kỹ thuật, tham quan học hỏi, chất lượng đàn ong và mật ong của các hội viên được nâng lên.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh - Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng cho hay: "Trước đây, người dân nuôi ong rất nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ có 1-2 đàn ong, khó tìm kiếm thị trường, hiệu quả kém. Sau khi xã thành lập chi hội, các hội viên đã tập trung đầu tư và phát triển nghề rất mạnh. Hội viên được huấn kỹ thuật, tham quan học hỏi để được chia sẻ kinh nghiệm, các tiến bộ KHKT phát triển đàn lẫn chất lượng mật ong".

Anh Phạm Ngọc Thắng (thôn Hà Cát, xã Đức Lạng) đã có nhiều kinh nghiệm với nghề nuôi ong. Từ khi tham gia vào chi hội, anh càng tích góp cho mình nhiều kinh nghiệm quý báu để phát triển nghề của gia đình.

"Bản thân tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi ong của các hội viên; được ngành chuyên môn tập huấn về kỹ thuật nuôi hiệu quả, kỹ thuật tách đàn, nhân giống. Vụ ong năm nay gia đình tôi nuôi 50 đàn, đến thời điểm này hầu hết đều cho mật rất tốt. Dự kiến, vụ lấy mật năm nay thu về khoảng 200 triệu đồng", anh Thắng chia sẻ.

bqbht_br_2.jpg
Chang mật đã đến kỳ thu hoạch

Còn ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Hà Cát), người đã gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật hơn 10 năm cũng có 40 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ mật, ông còn xuất bán từ 25 - 30 đàn ong giống với giá trung bình 800 ngàn đến 1 triệu đồng/đàn.

Ông Sơn cho biết: “Nuôi ong chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu không lớn, không mất nhiều diện tích. Nhờ tham gia vào chi hội, tôi đã tích góp, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, từ việc nâng cao chất lượng sinh trưởng của ong, quy trình làm mật... Đối với tôi, nuôi ong không chỉ giúp tăng thêm thu nhập mà còn tạo niềm vui tuổi già, vì thế tôi cũng rất vui vì được chia sẻ những kinh nghiệm mà tôi có cho những hộ dân, hội viên trẻ”.

bqbht_br_1.jpg
Người dân thu hoạch mật ong

Theo những người nuôi ong ở xã Đức Lạng, thời điểm chia đàn, nhân đàn ong thích hợp nhất là vào tháng 3 và tháng 10. Bên cạnh đó, ong có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với tác động của ngoại cảnh như: thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Do đó, người nuôi cũng phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản của con ong, có biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng; thường xuyên vệ sinh chang ong đảm bảo khô ráo, sạch sẽ. Có vậy, đàn ong mới khoẻ mạnh và cho năng suất, chất lượng mật tốt nhất.

Xã Đức Lạng hiện có 600 ha vườn đồi, trong đó có 180 ha vườn cây ăn quả. Với lợi thế này, nghề nuôi ong lấy mật đang được xem là phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình. Toàn xã có 75 hộ nuôi với gần 1.000 đàn ong, năng suất bình quân mỗi năm (7 tháng có thu hoạch) đạt gần 30 tấn mật.

bqbht_br_3.jpg
Mật ong nguyên chất sau khi được thu hoạch, người nuôi có thể bán ngay hoặc trữ chờ được giá mới bán.

Để đẩy mạnh phong trào nuôi ong và giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm, Hội Nông dân xã đang phối hợp với Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xây dựng sản phẩm mật ong Đức Lạng đạt chuẩn OCOP 3 sao, từ đó thay đổi thói quen nuôi ong truyền thống, từng bước nâng cao chất lượng mật. Điều quan trọng, bà con nông dân sẽ yên tâm đầu tư phát triển đàn ong, đưa mật ong trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương và đưa thương hiệu mật ong Đức Lạng vươn xa ra thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lạng

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Thay vì rộn ràng thu hoạch những giọt mật đầu vụ như các năm trước, năm nay, người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trải qua một mùa mật ong chính vụ kém vui.
Hà Tĩnh với chặng nước rút góp phần gỡ thẻ vàng IUU

Gỡ thẻ vàng IUU: Hà Tĩnh quyết liệt "chặng nước rút"

Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Xác định rõ nhiệm vụ này, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong "chặng nước rút", đặc biệt tạo nên những thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức, trách nhiệm của ngư dân.
Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá – Nông dân đếm củ tính tiền

Tỏi tía Lộc Yên được mùa, được giá

Giống tỏi tía trồng ở Lộc Yên (Hương Khê, Hà Tĩnh) có vị cay đậm, nhiều tinh dầu nên rất được thị trường ưa chuộng. Vụ sản xuất năm nay, người trồng tỏi có thu nhập trung bình 15 - 20 triệu/sào.
Lúa thì con gái chờ ngày đơm bông

Lúa thì con gái chờ ngày đơm bông

Giữa khúc giao mùa cuối xuân, đầu hạ, những cánh đồng lúa lại rạo rực vào thì con gái, chuẩn bị cho hành trình sinh trưởng mới giữa những mong ngóng, đợi chờ của người nông dân.