Tại huyện Nghi Xuân, hơn 300 ha lúa ở các xã Đan Trường, Xuân Hội, Xuân Phổ, Xuân Giang... dự kiến trổ trước ngày 25/4 đang trong “tầm ngắm” của bệnh đạo ôn cổ bông.
Ông Phan Trọng Tri - Phó Chủ tịch UBND xã Đan Trường cho biết: “Vụ xuân 2025, toàn xã gieo cấy trên diện tích 250 ha, chủ yếu là các giống N24, XT28… đang ở giai đoạn đòng già, dự kiến thời điểm lúa trổ bông trước 24/4. Thời tiết giai đoạn này còn thiếu ánh sáng, mưa ẩm rất dễ khiến bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên các vết bệnh đạo ôn lá, cổ lá trước đó. Đây là thời điểm “xung yếu” quyết định đến năng suất cuối vụ nên xã đang thông tin liên tục diễn tiến của bệnh để bà con chủ động phun phòng trừ”.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nghi Xuân, vụ xuân, toàn huyện gieo cấy trên diện tích hơn 3.200 ha. Hiện nay, các vết tích của bệnh đạo ôn trên lá vẫn còn, đây là yếu tố dễ phát sinh gây bệnh đạo ôn cổ lá chuyển tiếp sang đạo ôn cổ bông ở các xã xung yếu như Đan Trường, Xuân Hội, Xuân Giang,...
Vì thế, ngành chuyên môn đang chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết trong thời gian lúa trổ, những diện tích trổ sớm gặp thời tiết bất lợi như trời âm u, về đêm có mưa, ẩm độ không khí cao, sương mù kéo dài… cần tuyên truyền, chỉ đạo bà con phun phòng bệnh kịp thời bằng các loại thuốc có hoạt chất như Tricyclazole, Fenoxanil, Trifloxystrobin + Tebuconazole… theo nguyên tắc "4 đúng". Những vùng có nguy cơ cao hướng dẫn nông dân phải phun 2 lần (lần 1 khi lúa trổ từ 3-5%, lần 2 khi lúa đã trổ thoát).

Vừa qua, Trung tâm BVTV vùng Khu IV (Cục Trồng trọt & BVTV), Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đi kiểm tra tình hình bệnh đạo ôn trên lúa xuân tại huyện Cẩm Xuyên. Theo báo cáo của địa phương, bệnh đạo ôn cổ lá đã xuất hiện rải rác ở các xã Cẩm Quan, Cẩm Dương, Cẩm Hưng,… với tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 3 - 5%, cục bộ từ 5 - 7%, chủ yếu trên các giống Khang Dân 18, Bắc Thịnh, BT09,… Mầm bệnh đã có sẵn trên đồng ruộng cộng với hình thái thời tiết bất lợi nồm ẩm, mưa phùn, sương mù kéo dài nên nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh đạo ôn cổ bông thời kỳ trổ tại địa phương là rất cao.
Bà Trần Thị Vân (thôn Mỹ Am, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) cho biết: “Một số giống gieo trồng trong vùng như Thái Xuyên 111, Khang Dân 18,… đã có vết bệnh đạo ôn cổ lá. Theo kinh nghiệm của bà con, thời tiết đợt này có sương mù dày đặc về đêm và sáng sớm càng khiến bào tử nấm bệnh phát triển, lây lan nhanh. Tôi không chủ quan và phải thăm đồng thường xuyên, kiểm tra từng chân ruộng, đon ngày lúa trổ bông để còn biết mà phun phòng”.

Vụ xuân 2025, Hà Tĩnh gieo cấy hơn 59.000 ha lúa, hiện đang giai đoạn làm đòng, một số diện tích gieo cấy sớm giai đoạn đòng già; dự kiến thời điểm lúa trổ bông trước 24/4 khoảng 3.000 ha, tập trung tại một số vùng không chủ động thủy lợi thuộc các xã như: Đan Trường, Xuân Hội, Xuân Giang (Nghi Xuân); Hương Giang, Hương Thủy, Phú Gia (Hương Khê); Mai Phụ, Thạch Mỹ, Thạch Sơn (Thạch Hà); vùng hè thu chạy lụt tại các xã ngoài Đê (Đức Thọ), Kim Song Trường (Can Lộc); diện tích trổ bông từ 25/4 - 5/5 khoảng hơn 56.000 ha phân bố trên địa bàn toàn tỉnh.
Điều đáng lo ngại hơn, trong thời gian tới, dự báo sẽ có nhiều đợt gió mùa (13 - 17/4; 20 - 23/4; 2 - 5/5) kèm theo mưa ẩm và nền nhiệt thấp sẽ liên tiếp xuất hiện. Cùng với đó, nguồn nấm gây bệnh đạo ôn đã tích lũy khá nhiều trên đồng ruộng. Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển và có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, sản lượng lúa vụ xuân. Các địa phương "xung yếu" như Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc… cần đặc biệt chú trọng theo dõi diễn biến của bệnh trong thời gian tới.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo.
Kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng sinh thái, từng giống, chú trọng trên các diện tích gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như: P6, ADI168, Thái Xuyên 111, VNR20, HN6…, các diện tích vừa qua nhiễm bệnh đạo ôn lá, các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh; triển khai thực hiện các giải pháp phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả; tuyệt đối không để dịch bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng.