Chưa từng được đào tạo bài bản về lĩnh vực nông nghiệp, 5 bạn trẻ tại xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) đã mạnh dạn trở về với đồng ruộng quê hương mang theo vốn kiến thức quản trị kinh doanh cùng với tư duy, khát khao đổi mới. Họ đã xây dựng nên HTX đầu tiên ở Hà Tĩnh sản xuất theo mô hình tích tụ ruộng đất.
........
Trong ánh nắng vàng dịu của buổi sáng mùa hè, cánh đồng lúa vào mùa gặt như tấm thảm vàng trải dài, tạo nên khung cảnh yên bình, trù phú trên miền quê Lưu Vĩnh Sơn. Hàng chục thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (HTX Bắc Sơn) đang hối hả ra đồng thu hoạch lúa xuân với niềm vui về một vụ mùa bội thu trên những vùng đất năng suất thấp, sản xuất được chăng hay chớ ngày nào. Câu chuyện bình dị của họ đưa chúng tôi về với những ngày đồng ruộng trở mình cùng những đổi thay trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân.
Niềm vui của người xã viên HTX trên những cánh đồng lớn, điều kiện sản xuất thuận lợi. Ảnh tư liệu
Đầu năm 2020, tại cuộc họp dân ở thôn Xuân Sơn, ông Hồ Sỹ Lưu và bà con chăm chú nghe anh Trần Hậu Nhân - Giám đốc HTX Bắc Sơn phân tích những lợi ích khi tích tụ ruộng đất như: phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, được hỗ trợ về giống, bao tiêu sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận… Nếu so với hoạt động sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đầu ra không ổn định như hiện tại, tích tụ ruộng đất rõ ràng đưa tới cho nông dân những lợi ích rất lớn. Câu hỏi “có kinh nghiệm, có tư liệu sản xuất, tại sao chúng ta không mạnh dạn đổi mới?” của vị giám đốc trẻ tuổi cứ văng vẳng bên tai như thôi thúc ông Lưu. Thế rồi, ông mạnh dạn thuyết phục vợ và góp sức vận động 50 thành viên khác chấp thuận hình thức canh tác mới trên chính mảnh đất cũ. Chứng kiến từng diện tích ruộng manh mún, bờ thấp, bờ cao được san ủi bằng phẳng; hệ thống kênh tưới được khơi thông, lòng ông Lưu trào dâng bao cảm xúc khó tả, vừa nghi ngại, lo lắng, vừa phấn khởi, kỳ vọng.
Ông Hồ Sỹ Lưu đặt niềm tin cánh đồng quê hương ông sẽ trở thành làng lúa, làng hoa.
Sau khi cho HTX thuê đất, theo sự phân chia của HTX, ông Lưu nhận 1,3 mẫu ruộng để canh tác. Chỉ một thời gian ngắn sản xuất trên cánh đồng mới, ông và tất cả thành viên đều nhận ra, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều: nguồn nước tưới được đảm bảo, dễ cày bừa, tiện cho người dân tham quan, đi lại… Thấy cây lúa dần trổ bông, đất đai cày xới dễ dàng, sự sống cứ thế sinh sôi, nảy nở dưới bàn tay chăm bẵm của người nông dân, họ càng được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh. Theo tính toán của ông Lưu, nhờ tích tụ ruộng đất, giá trị kinh tế đưa lại khoảng 50 triệu đồng/1,3 mẫu/2 vụ; lợi nhuận thu được tăng lên từ 10 - 15%.
Anh Dương Đình Thái - người nông dân 8X yên tâm đầu tư máy móc, gắn bó với ruộng đồng.
Tăng giá trị kinh tế, thay đổi tư duy sản xuất cũng là điều anh Dương Đình Thái (thôn Xuân Sơn) rút ra sau khi thực hiện chủ trương lớn và cũng là yếu tố để người nông dân 8X này yên tâm đầu tư máy móc, gắn bó với ruộng đồng. “Ban đầu, khi nhận 15 mẫu ruộng từ HTX, tôi trăn trở, lo lắng, liệu mình có đủ sức để kham nổi? Thế nhưng, khi chiếc máy cày dễ dàng băng qua nền đất bằng phẳng, chứng kiến từng lớp đất được lật trở để rồi từ đó, cây lúa được sinh trưởng, phát triển nhanh, tôi hiểu rằng, đã đến lúc cánh đồng quê tôi đang sinh sôi những giá trị mới” - anh Thái xúc động. Vụ xuân năm 2021, gia đình anh Thái sản xuất được 43 tấn lúa, doanh thu 215 triệu đồng. Số tiền này, anh được hưởng lợi 80% theo hợp đồng với HTX. “Giờ đây, tôi chỉ có một mong muốn được HTX giao sản xuất với diện tích đồng ruộng gấp đôi hiện tại (30 mẫu) để có thể khai thác và phát huy hết năng suất làm việc của con người, máy móc” - anh Thái tự tin chia sẻ.
Ông Dương Đình Dũng (thôn Xuân Sơn) - người bảo vệ đồng ruộng vui mừng với những mùa vàng trên cánh đồng lớn.
Trong niềm vui chung, người “gác cổng” đồng ruộng Dương Đình Dũng (thôn Xuân Sơn) tâm đắc: “Gắn bó với công việc bảo vệ cánh đồng cả chục năm nay nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy mình… nhàn rỗi đến như vậy. Kênh mương được cải tạo, máy bơm nước lớn được trang bị để kịp thời phục vụ khi hồ đập thiếu nước, sản xuất cùng một loại giống, một quy trình nên mỗi khâu đều chuyên nghiệp, hiệu quả. Nhìn đồng lúa tràn sức sống, chúng tôi thầm biết ơn Ban Quản trị HTX - những người trẻ không ngại khó, ngại khổ để mạnh dạn đổi mới”…
Khởi động tích tụ ruộng đất quy mô lớn trên đồng đất Lưu Vĩnh Sơn chính là chàng trai trẻ Trần Hậu Nhân - Giám đốc HTX Bắc Sơn. Năm 2017, anh Nhân kêu gọi 4 người bạn chung chí hướng thành lập HTX Bắc Sơn. Thời điểm ấy, anh đang là kế toán tại một doanh nghiệp ở TP Hà Tĩnh, 4 người còn lại đều là cử nhân đại học ngành kinh tế. “Không ít người cho rằng, chúng tôi gàn dở, tốt nghiệp đại học rồi lại quay trở về làm nông dân chân lấm tay bùn. Thế nhưng, với hoài bão, khát vọng đã được ấp ủ và tình yêu với cánh đồng đã nuôi chúng tôi ăn học trưởng thành, 5 anh em đều vững tin sẽ có ngày gặt hái được thành công” - anh Nhân khẳng định.
Video: Giám đốc HTX Trần Hậu Nhân nói về quá trình hình thành ý tưởng và thực hiện xây dựng mô hình.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng đoàn công tác thăm và đánh giá cao mô hình sản xuất lúa theo quy trình tích tụ ruộng đất của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn (ngày 11/5/2021).
Qua 2 năm quản lý, điều hành HTX với các lĩnh vực như: cung ứng vật tư nông nghiệp, quản lý điều hành nguồn nước, nhận thấy người dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao; một số khác không còn mặn mà với đồng ruộng, Giám đốc Trần Hậu Nhân vô cùng trăn trở. Cũng trong thời điểm này, anh biết đến Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng NTM, đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020. Theo đó, chính sách hỗ trợ nguồn lực khá lớn cho việc thuê lại quyền sử dụng đất để hình thành vùng sản xuất tập trung. Với đất trồng lúa 5 ha trở lên đối với tổ chức trong thời hạn 5 năm trở lên được hỗ trợ 1 lần kinh phí cải tạo đất với mức 20 triệu đồng/ha và còn được hỗ trợ kinh phí thuê lại quyền sử dụng đất 15 triệu đồng/ha/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm. Động lực lớn từ chính sách đã giúp Ban Quản trị HTX tự tin bắt tay hiện thực hóa ý tưởng ấp ủ lâu nay về xây dựng mô hình sản xuất tập trung để giảm chi phí, tăng năng suất và nâng cao lợi nhuận; thuê lại đất để người dân được hưởng lợi nhuận từ đó; hình thành chuỗi liên kết giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản.
Lãnh đạo xã Lưu Vĩnh Sơn thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ HTX Bắc Sơn trong quá trình xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất. Trong ảnh: Lãnh đạo xã thăm lúa xuân 2021 của HTX vào tháng 3/2021.
Đề án tích tụ ruộng đất được xây dựng và triển khai vào năm 2019, thế nhưng, sau nhiều lần trình bày tại các cuộc họp dân, “đứa con tinh thần” của Ban Quản trị HTX không được đón nhận. Bước ngoặt chỉ thực sự bắt đầu khi ngày 1/1/2020, xã mới Lưu Vĩnh Sơn chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Thạch Lưu, Thạch Vĩnh và Bắc Sơn, với bộ máy lãnh đạo xã trẻ tuổi, nhiệt huyết. Cũng từ đó, ước mơ còn dang dở của HTX đã nhận được sự đồng tình, vào cuộc một cách tích cực của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn. Câu chuyện tích tụ ruộng đất đã trở thành đề tài chính trong nhiều diễn đàn, cuộc họp ở địa phương để kêu gọi mọi người cùng nhiệt tình, lăn xả giúp HTX mở đường mới trên cánh đồng cũ. “Mưa dầm thấm lâu”, người dân chẳng thể thờ ơ trước tư duy sản xuất mới.
Video: Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn chia sẻ về sự đồng hành của chính quyền cùng HTX trong quá trình thuyết phục người dân phá bờ thửa, tích tụ ruộng đất.
Xã viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn đầu tư đồng bộ các loại máy móc phục vụ sản xuất.
Vụ hè thu năm 2020 trở thành dấu mốc cho quá trình phát triển nền nông nghiệp xã Lưu Vĩnh Sơn khi HTX Bắc Sơn thuê quyền sử dụng đất của 200 hộ dân với diện tích 28 ha để sản xuất. Quyết định được đưa ra vào lúc thời vụ sản xuất hè thu diễn ra gấp gáp. Máy móc được huy động tối đa phá bờ thửa nhỏ, cải tạo đồng ruộng, đo đạc lại diện tích, phân định ranh giới mềm. Cũng từ lúc này, Giám đốc HTX Trần Hậu Nhân và cả lãnh đạo xã gần như ăn, ngủ cùng đồng ruộng. 20 thành viên là những người có kinh nghiệm, chăm chỉ, gắn bó với ruộng đồng được HTX giao sản xuất trên cánh đồng rộng lớn vừa được cải tạo. Cây lúa trên cánh đồng tích tụ đầu tiên bắt đầu lên xanh, mọi chu kỳ sinh trưởng và phát triển được đặt dưới sự kiểm soát, theo dõi chặt chẽ, kỹ lưỡng của cả một “ê kíp”.
Vụ xuân 2021, năng suất lúa bình quân của HTX đạt 3 tạ/sào, cao hơn năm 2020.
Không phụ lòng người, ngay từ mùa đầu, tích tụ ruộng đất đã cho thấy hiệu quả rõ nét khi chi phí sản xuất giảm, năng suất, sản lượng tăng; quan trọng nhất, bà con tiết kiệm tối đa sức lao động nhờ ứng dụng KHKT tiên tiến. So với lối sản xuất cũ, sau khi tích tụ, cải tạo ruộng lớn, mỗi ha tăng thêm 4 triệu đồng, tương đương 13% lợi nhuận. Kết thúc vụ lúa hè thu năm 2020 đầy thắng lợi, HTX tích tụ thêm 25,8 ha ruộng của 80 hộ, nâng tổng số diện tích lên 53,8 ha với tổng số 50 thành viên được phân chia đất sản xuất. “Hiện nay, HTX chúng tôi đang bước vào mùa gặt. Theo tính toán, vụ lúa xuân năm nay, đồng ruộng rộng 53,8 ha sẽ cho năng suất gần 3 tạ/sào, cao hơn năm 2020 là 40 kg/sào” - anh Nhân trao đổi.
Xã viên Dương Đình Hòa vui mừng với mùa lúa bội thu.
Thành công bước đầu đã tiếp thêm động lực cho anh Trần Hậu Nhân hiện thực hóa các dự định còn ấp ủ. “Diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp, nông dân không đầu tư canh tác trên địa bàn còn khá lớn là cơ sở để HTX chúng tôi dự định tích tụ thêm 100 ha ruộng. Mong sao HTX tiếp tục nhận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu sản xuất, cơ giới hóa mạnh mẽ hơn trên đồng ruộng, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả, từ đó giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành trong sản xuất, tạo ra sản lượng lúa lớn, chất lượng, liên kết tiêu thụ với đối tác lớn để thu lãi cao” - anh Nhân chia sẻ thêm.
Video: Ông Hồ Sỹ Lưu: “Rồi đây, quê hương của chúng tôi sẽ là làng lúa, làng hoa…”.
Cánh đồng lớn với những thảm lúa thẳng cánh cò bay là minh chứng rõ ràng, chân thực nhất cho câu chuyện dũng cảm biến tư duy thành hành động, biến ước mơ thành hiện thực. Rồi đây, không chỉ những cánh đồng lúa thâm canh mà với nghị lực và tính sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của người sản xuất, những cánh đồng hoa, quả hàng hóa sẽ mọc lên, đem lại sắc màu tươi mới và sự sung túc, ấm no cho vùng đất này. Trên những gương mặt, ánh mắt tràn đầy hy vọng ấy, bà con đang khấp khởi mong chờ như lời ông Hồ Sỹ Lưu: “Rồi đây, quê hương của chúng tôi sẽ là làng lúa, làng hoa…”.
thiết kế: huy tùng