Rầy tăng nhanh số lượng, hại lúa xuân cuối vụ tại Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những ổ rầy đầu tiên được phát hiện trên đồng ruộng Hà Tĩnh cách đây khoảng 1 tuần lễ với mật độ cục bộ có nơi lên đến 5.000 con/m2. Dự báo, từ 10/4 trở đi, rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ tăng tốc về số lượng, mật độ, đe dọa lúa xuân cuối vụ...

Rầy tăng nhanh số lượng, hại lúa xuân cuối vụ tại Hà Tĩnh

Ổ rầy phát hiện tại Trung Lễ (Đức Thọ) có mật độ lên đến hàng nghìn con

Phát hiện ruộng nhà xuất hiện rầy nâu, chị Trần Thị Tuyết (thôn Trung Tiến, Trung Lễ, Đức Thọ) đã mua thuốc về phun phòng. Thế nhưng, rầy đang trong thời kỳ sinh trưởng mạnh nên sau 1 ngày vẫn bám đầy gốc lúa với mật độ lớn. Chị cho biết: “Ở giai đoạn này lúa đã phát triển cao, rậm rạp nên rất khó để phun phòng trừ”.

Ở cánh đồng thôn Trung Tiến này, những ổ rầy lớn đã xuất hiện. Có những ổ mật độ lên đến 3.000- 5.000 con/m2, tập trung cả rầy trưởng thành, rầy tuổi 1, tuổi 2 và trứng.

Ông Trần Văn Minh (thôn Trung Tiến) cho hay: “Nhà tôi làm 1 mẫu giống P6 và Nếp 98, lúa trổ rất đẹp nhưng mấy hôm nay kiểm tra đồng mới phát hiện có rầy. Dù đã phun phòng trừ rồi nhưng tôi rất lo vì rầy tập trung lớn, lại có trứng, chắc chắn lứa tiếp theo sẽ còn nguy hiểm hơn khi lúa ở giai đoạn nuôi bông”.

Rầy tăng nhanh số lượng, hại lúa xuân cuối vụ tại Hà Tĩnh

Bà con nông dân đã tập trung xuống đồng phun thuốc phòng trừ loại dịch hại được coi là số 1 của lúa xuân

Ở Đức Thọ, hiện có khoảng gần 1 ha bị nhiễm rầy nặng, phân bố chủ yếu tại Trung Lễ, Bùi Xá và Đức Long. Dự báo của các nhà chuyên môn, nhiều khả năng một số vùng sẽ gây cháy cục bộ ở giai đoạn chín sữa - chín sáp nếu bà con nhân dân thiếu ý thức phòng trừ.

Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ cho biết: “Mật độ nhiễm rầy hiện khá cao trên địa bàn, do vậy mà nguy cơ cháy cục bộ có thể sẽ xảy ra. Huyện đang tập trung cao chỉ đạo các địa phương tập trung phòng trừ ngay ở giai đoạn sớm, phun các loại thuốc theo hướng dẫn để tăng hiệu quả trong công tác phòng trừ”.

Rầy tăng nhanh số lượng, hại lúa xuân cuối vụ tại Hà Tĩnh

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt xuống đồng cùng cơ quan chuyên môn kiểm tra tình hình phát sinh của rầy nâu, rầy lưng trắng

Vào thời điểm này, các vùng lúa tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc cũng đã phát hiện những ổ rầy có mật độ trung bình 300 - 500 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2. Người dân đã bắt đầu đổ xuống đồng phun thuốc đặc trị. Bà Nguyễn Thị Thơm (Cẩm Dương, Cẩm Xuyên) lo lắng: “Vừa thở phào với đạo ôn xong thì rầy lại xuất hiện. Ngày nào tôi cũng lội đồng kiểm tra để phun phòng kịp thời, có điều đây là vùng nhạy cảm nên chúng có thể lưu trú ở các ổ dịch cũ, trên cỏ bờ... rất dễ bùng phát trên diện rộng”.

Lúa xuân đang bước vào giai đoạn trổ bông tập trung. Đây cũng là thời gian rầy nâu, rầy lưng trắng biểu hiện rõ nhất về mức độ tăng nhanh về số lượng cũng như khả năng phá hại trên đồng ruộng mạnh nhất, có thể bùng phát thành dịch, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả thu hoạch.

Rầy tăng nhanh số lượng, hại lúa xuân cuối vụ tại Hà Tĩnh

So với mọi năm, năm nay, rầy phát sinh số lượng lớn và gây hại sớm hơn

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Năm nay, vì yếu tố thời tiết ấm, lúa sinh trưởng nhanh, cộng với một số bà con không tuân thủ lịch thời vụ, do vậy mà lúa xuân trổ sớm hơn lịch có nơi lên đến 15- 20 ngày. Đây là nguyên nhân rất quan trọng góp phần làm xuất hiện lượng rầy lớn và phá hại diện rộng trên đồng ruộng. Kiểm tra đồng ruộng thời điểm này rất quan trọng, nhằm chăm sóc tốt nhất các điều kiện cho lúa trổ bông và xử lý kịp thời các loại sâu bệnh, trọng tâm có rầy nâu, rầy lưng trắng”.

Theo cơ quan chuyên môn, tinh thần phòng trừ đầu tiên vẫn là ở người sản xuất và sự vào cuộc của địa phương nhằm chủ động trước diễn biến phát sinh của dịch hại, vừa hạn chế việc xử lý thuốc tràn lan, kém hiệu quả.

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast