10 năm qua, vào những ngày đến ca trực của mình, sáng nào cũng vậy, cứ đúng 6h20’ chị Nguyễn Ngọc Lan lại bắt đầu công việc đầu tiên của mình là chăm sóc phần mộ của 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Chị tỉ mẩn, nâng niu từng bông hoa, giọt nước dâng lên các chị với tất cả tấm lòng thành kính của một người em, người con quê hương Hà Tĩnh.
Chị Nguyễn Ngọc Lan tỉ mẩn, nâng niu từng bông hoa dâng lên phần mộ 10 cô.
Vừa dùng một chiếc khăn sạch lau di ảnh trên mộ các cô, chị Lan vừa tâm sự: “Ban đầu, tôi đã định làm cô giáo theo nghiệp của gia đình, nhưng sau đó vì muốn được làm việc tại đây mà tôi xin chuyển công tác, cũng bởi lòng mình biết ơn sự hy sinh cao cả của những người chị ra đi lúc đang tuổi xuân xanh. Rồi cái duyên với nơi đây cứ lớn dần từng chút một. 10 năm đã qua làm tình cảm và sự kính trọng sâu nặng thêm, tôi càng muốn gắn bó với công việc này”.
Dù nắng hay mưa, từng phần việc chăm sóc khu mộ vẫn luôn được diễn ra đều đặn
Anh Đào Anh Tuân - Phó trưởng BQL khu di tích Ngã ba Đồng Lộc chia sẻ: “Ở đây chúng tôi vẫn hay đùa nhau, Lan đi làm vào lúc đèn cao áp còn đỏ và trở về nhà khi đèn đã bật sáng trong đêm. Cũng bởi nhà Lan ở tận Nghi Xuân, để đến đây đúng giờ thì cần phải xuất phát từ lúc 5 giờ sáng. Mùa hè thì đỡ hơn còn mùa đông, đi xe trên đường lạnh cóng cả tay. Vất vả là thế, nhưng Lan vẫn luôn hoàn thành rất tốt công việc của mình”.
Các phần mộ được các anh chị lau sạch sẽ mỗi ngày
Hằng này, dù nắng hay mưa, dịp lễ tết hay ngày thường, từng phần việc chăm sóc khu mộ vẫn luôn được diễn ra đều đặn, chu toàn. Công việc tưởng bình dị ấy lại chất chứa biết bao nhiêu sự trân quý, thiêng liêng mà có đến đây thật sớm, tận mắt chứng kiến mới có thể thấu hiểu được nhiều điều sâu sắc.
Nhân viên nam cũng rất thành thạo các phần công việc như cắm hoa, lau dọn, quét sân...
Đầu tiên, các bình hoa trên phần mộ và nước trà, nước bồ kết đều sẽ được thay mới; sau đó một chiếc khăn đã được chuẩn bị riêng sẽ được giặt sạch dùng để lau phần mộ cho 10 cô. Mỗi ngày qua đi, từng bông hoa, chén nước… được các anh, các chị nâng niu với lòng mong ước đền đáp xứng đáng sự hy sinh cao cả của các cô cho vườn hoa độc lập dân tộc.
Nước bồ kết được chuẩn bị thật cẩn thận sau đó đặt lên bàn thờ chính tại phần mộ 10 cô
Với anh Lê Thanh Hoàn – Trưởng ban Tổ chức Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, 16 năm công tác tại đây là 16 năm đong đầy kỷ niệm với từng hàng cây, ngọn cỏ nơi ngã ba lịch sử này. Kể về kỷ niệm làm anh ấn tượng mãi đến bây giờ, anh Hoàn cười: “Tôi vẫn nhớ như in hôm ấy, trời mùa đông còn rất sớm, bọn anh đang dọn vệ sinh thì thấy một bác mặc bộ áo lính đã già bước tới thắp hương trên mộ 10 cô. Trước khi rời đi, bác đã biếu bọn anh mỗi người 2 ngàn đồng rồi gửi lời khen ngợi đến mọi người vì đã chăm sóc thật tốt nơi này. Số tiền ấy tuy không hề nhiều nhưng lại là lời động viên rất lớn để các anh, chị hoàn thành tốt hơn công việc tại đây.”
Anh Võ Công Tứ - Phó trưởng ban quản lý vẫn luôn thức dậy thật sớm để cùng mọi người làm những công việc bình dị mà thiêng liêng này.
Cứ mỗi ngày trôi qua, các anh, các chị lại thêm trân quý công việc bình dị mỗi sớm mai của mình. Những ngày tháng 6, tháng 7 nắng như đổ lửa lại là những ngày cao điểm khi hàng nghìn lượt du khách đến với Đồng Lộc để thắp nén hương tri ân những người đã khuất. Vì thế, việc chăm sóc các phần mộ lại càng thêm phần vất vả.
Ngã ba Đồng Lộc linh thiêng đón những người con đất Việt đến dâng nén hương tri ân
“Có những khi mồ hôi thấm ướt cả áo, bàn tay bị bỏng rát do hương tại các phần mộ bùng cháy, co thắt vùng ngực vì tiếp xúc lâu với khói hương… nhưng ai cũng vui vì thấy mình đã đóng góp thêm phần nhỏ bé cho công việc chung của tập thể” - anh Lê Văn Sơn vui vẻ chia sẻ.
Giữa cái nắng bỏng rát ngày hè, ngày ngày có những người con vẫn âm thầm đóng góp sức lực của mình mỗi sớm mai, để Ngã ba Đồng Lộc mãi mãi linh thiêng trong lòng mỗi người con đất Việt.