Những câu chuyện mà thuyết minh viên chuyển tải lại khiến du khách ấn tượng sâu hơn về sự hy sinh của 10 nữ TNXP cùng các lực lượng tại chiến trường Đồng Lộc
Một buổi chiều mùa hè, trong một lần được nghe anh Đào Anh Tuân kể chuyện về sự hy sinh của 10 cô gái TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc, khi nghe anh rưng rưng đọc bài thơ “Cúc ơi”, tôi đã hình dung về những người đang tạc tượng bằng ngôn ngữ… Đúng như thế, nhiều năm trôi qua, những thuyết minh viên ở Đồng Lộc đã cùng nhau tạc nên một tượng đài bất tử vừa lẫm liệt, vừa mềm mại, vừa oai phong lại rất gần gụi trong lòng du khách...
Đào Anh Tuân – thuyết minh viên đầu tiên ở Ngã ba Đồng Lộc bây giờ đã là Phó trưởng BQL khu di tích này nhưng vẫn chưa một ngày nào nghỉ ngơi công việc của một thuyết minh viên. Nhớ lại những ngày đầu với vị trí kế toán, anh Tuân không thể nào hình dung nổi nếu mình vẫn cứ bị trói chặt trong những con số thì liệu có thể gắn bó với Đồng Lộc đến ngày hôm nay không. Đồng Lộc thời kỳ đầu mới thành lập, các bộ phận đều chưa được bố trí rõ ràng, đầy đủ. Và trong sự thiếu thốn nhân sự ấy, Đào Anh Tuân đã dò dẫm những bước đi đầu tiên trên con đường làm thuyết minh viên.
Anh cho biết: “Ban đầu, thuyết minh chỉ là công việc tự phát, biết đến đâu giới thiệu đến đó nhưng những giọt nước mắt đồng cảm, xúc động và tình cảm quyến luyến của du khách đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Rồi, khi dấu chân đã đủ tạo nên con đường, khi tâm tư đã toàn ý với những câu chuyện lịch sử, tôi quyết định từ bỏ hẳn nghề kế toán để chính thức bắt đầu sự nghiệp của một thuyết minh viên”.
Dù đã đảm nhận vai trò quản lý nhưng anh Đào Anh Tuân vẫn sẵn sàng thuyết minh, kể chuyện cho các đoàn khách khi được yêu cầu
Mặc dù được trời ban cho chất giọng trầm ấm, quãng rộng đủ để lặn sâu vào các cung bậc cảm xúc của người nghe nhưng với những thuyết minh viên ở Ngã ba Đồng Lộc thì đó mới chỉ là yếu tố cần. Bởi vậy, dù đã có bài thuyết minh chung của khu di tích nhưng mỗi người vẫn luôn chú tâm học tập, nỗ lực tìm kiếm tư liệu lịch sử, tìm gặp nhân chứng để thu nhận cho mình những câu chuyện mới hay những chi tiết độc đáo. Qua đó, bổ sung cho bài thuyết minh của mình thêm phần hoàn chỉnh.
Anh Trần Đình Ước – Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc chia sẻ: “Nếu như bộ phim Ngã ba Đồng Lộc đã khiến lượng người biết và đến thăm khu di tích nhiều hơn thì những câu chuyện mà người thuyết minh viên chuyển tải lại khiến du khách ấn tượng sâu hơn về sự hy sinh của 10 nữ TNXP cùng các lực lượng tại chiến trường Đồng Lộc.
Hiện tại, đội ngũ thuyết minh viên của BQL Khu di tích Đồng Lộc có 11 thành viên, trong đó có những người được đào tạo nghề bài bản. Thuyết minh viên nào cũng năng nổ học tập, rèn luyện để tạo cho mình những dấu ấn riêng. Có rất nhiều người kể chuyện ấn tượng đến mức du khách dẫu có trở lại bao nhiêu lần cũng vẫn yêu cầu được thuyết minh viên cũ đón và kể chuyện cho đoàn của mình nghe”.
Mỗi sáng sớm hay chiều muộn, các thuyết minh viên cùng với các bộ phận khác vệ sinh, chăm sóc mộ phần cho 10 liệt nữ TNXP
BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc hiện có rất nhiều bộ phận đảm nhận những công việc khác nhau nhưng đội ngũ thuyết minh viên vẫn là linh hồn của di tích này. Rất nhiều du khách sau khi được nghe các cô gái, chàng trai kể chuyện lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc đã lặng thầm rơi lệ, đã oà khóc nức nở, đã kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh oanh liệt của các nữ anh hùng cùng các lực lượng chiến đấu tại đây.
Rất nhiều trong số hàng triệu du khách trở về quê hương đã làm thơ, viết thư gửi về Đồng Lộc bày tỏ niềm thương mến đối với các thuyết minh viên. Có những câu thơ được viết bằng tất cả gan ruột: “Khi cao như sóng xô bờ/ Xuống trầm lắng lại như chờ đợi ai/ Khi dồn dập, lúc khoan thai/ Đàn cầm dìu dặt vọng ngoài sơn khê”.
Có rất nhiều cá nhân, sau khi đến thăm khu di tích, được nghe các thuyết minh viên kể chuyện, đã viết thư bày tỏ lòng mến mộ
Mỗi ngày, dù nắng nóng hay mưa lạnh, dù tấp nập hay vãn khách, những người tạc tượng bằng ngôn ngữ ở Ngã ba Đồng Lộc vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng. Có những ngày mùa hè nắng nóng, lượng du khách lên đến hàng nghìn, những thuyết minh viên phải làm việc hết công suất, thậm chí phải nhiều lần thay quần áo vì ướt nhưng họ vẫn không quản ngại gian khổ. Họ vẫn mặc bộ quần áo lính, đội mũ tai bèo và say sưa kể chuyện bằng lòng biết ơn sâu sắc và tâm huyết phát huy giá trị lịch sử của khu di tích.
Tình cảm thương mến của du khách chính là động lực để tạo nên sự chỉn chu, thăng hoa cảm xúc cho thuyết minh viên trong những lần kể chuyện phục vụ du khách
Thuyết minh viên Nguyễn Thị Thuý Hòa cho biết: “Tại khu di tích, ngoài công việc chính, chúng tôi luôn đến trước, về sau giờ hành chính 30 phút để cùng tham gia công tác vệ sinh khu di tích. Chính vì thế, càng ngày chúng tôi càng gắn bó với nơi này với tình cảm thiết tha. Mỗi lần đi công tác xa là tôi lại nhớ và nôn nao, mong ngóng trở về. Trở về để được chăm sóc phần mộ cho các chị, được đứng giữa mênh mông Đồng Lộc và cất lời kể những câu chuyện thấm đẫm máu và hoa của lịch sử”.
Tháng 6, trời Đồng Lộc như cao xanh hơn, nắng gió Đồng Lộc cũng nồng nàn hơn. Trên vi vút ngàn thông, giữa bạt ngàn sim mua, huyền thoại năm xưa vẫn còn vang mãi. Và, bình dị giữa ngã ba này, có những con người lặng lẽ tạc nên tượng đài người anh hùng theo cách riêng của mình, rất chân thực và đầy cảm xúc.