Nửa thế kỷ, "Từ Cuba" vẫn rạo rực lòng người Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng giờ đọc lại bài thơ “Từ Cuba” của nhà thơ Tố Hữu vẫn thấy rạo rực lòng người.

nua the ky tu cuba van rao ruc long nguoi viet nam

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Ảnh internet

Giới nghiên cứu văn học trong và nước ngoài đã không ngớt lời ca ngợi: Tố Hữu là nhà thơ đứng đầu của dòng thơ ca cách mạng Việt Nam. Xuất phát từ cảm xúc trong tâm hồn người cộng sản, nhiều bài thơ của ông giàu "chất thép", nhưng "vẫn mênh mông bát ngát tình".

Những lần là chính khách tham gia cùng đoàn cán bộ cao cấp của Đảng đi công tác nước ngoài, ông đều mang đến cho bạn đọc những bài thơ nóng hổi hơi thở cuộc sống, nét đẹp, nét đáng yêu về đất nước, con người ở mỗi quốc gia. Đồng thời, gieo vào người đọc một niềm tin tươi sáng, một sự nhìn nhận biện chứng về thế giới quan và nhân sinh quan cộng sản. Điển hình nhất là bài thơ "Từ Cu-ba" Tố Hữu viết cách đây hơn 5 thập kỷ.

nua the ky tu cuba van rao ruc long nguoi viet nam

Cuba thanh bình. Ảnh: internet

Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng giờ đọc lại vẫn thấy rạo rực lòng người. Người Việt Nam yêu đất nước Cuba, yêu lãnh tụ Fidel Castro hơn khi thấm đẫm những hình ảnh mà nhà thơ "vẽ bằng thơ" nên bức tranh huyền diệu này. Không ít người yêu thơ Tố Hữu, vì thơ Tố Hữu vừa giàu chất nhạc, vừa giàu hình ảnh. Khác với những nhà thơ khác, cảm xúc thơ của ông càng lên tới đỉnh cao bao nhiêu thì nhạc thơ của ông càng du dương, uyển chuyển bấy nhiêu. Vì thế, thơ Tố Hữu rất dễ đi vào lòng người, từ trẻ tới già, nhất là những thanh niên sống có lý tưởng cách mạng.

Người ta gọi bài thơ Từ Cuba là "bức tranh xanh" được Tố Hữu ký họa bằng những gam màu sắc nét nhất với những hình ảnh đẹp: hòn đảo có tên riêng đảo Lửa, đảo Say để đi đến cảnh vật, con người Sóng biển say cùng rượu, mật say. Nhà báo Thép Mới trong bài Hiên ngang Cuba đã viết: "Đối với những tâm hồn Cuba đang bốc lửa, đang yêu cuộc đời mình, cây cọ thân trắng lá xanh đen dường như càng nhìn càng đẹp và càng được yêu thương da diết hơn". Đồng điệu cùng cảm xúc ấy, Tố Hữu đã thả tâm hồn mình:

Anh mải mê nhìn, anh mải nghe

Mía reo theo gió những thân kè

Tóc xanh xõa bóng hàng chân trắng

Có phải tiên nga dự hội hè?...

"Tiên nga dự hội hè", cái chất lãng mạn của Tố Hữu giống như thi sĩ Hàn Mặc Tử yêu trăng vậy. Nhưng thơ Tố Hữu khác hẳn với thơ của các nhà thơ khác. Ông không "đóng khung" cảm xúc trong một không gian hẹp chỉ dành riêng cho sự lả lướt, mơ mộng với màu sắc của tạo hóa. Thơ Tố Hữu bao giờ cũng hướng tới cho người đọc tầm tư tưởng, ý chí tiến công và ý nghĩa nhân văn của người cộng sản. Hãy nghe nhà thơ Tố Hữu nhắc lại: Em ơi, mía ngọt từng khi mặn/ Máu trộn bùn vun gốc mía này.

Những câu thơ trong cơn sóng nội tâm của Tố Hữu chính là tiếng nói từ trái tim của nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất Fidel Castro cùng hàng triệu nhân dân Cuba anh dũng. Câu thơ ấy là nhân chứng lịch sử của cuộc đấu tranh anh dũng, để lật đổ chế độ độc tài Batixta nhằm giành tự do, độc lập cho đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua từng câu thơ, từng khổ thơ, người đọc cảm thấy nao lòng như được nhìn thấy hòn đảo tự do, nhìn con thuyền và con sóng trên biển được tự do. Nhìn vào mênh mông đồng mía, những cây mía cũng được tự do... Cảnh và vật được tự do ấy, nhờ vào sức mạnh phi thường của cách mạng Cuba.

Bằng khí phách kiên cường và anh dũng, với chiến lược quân sự tài tình, Đảng Cộng sản Cuba không ngừng đấu tranh cho lý tưởng cao cả vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Mặc dù Mỹ điên cuồng chống phá nhưng đất nước đứng trên bờ biển Đại Tây Dương đầy giông bão này vẫn hiên ngang. Bởi Đảng Cộng sản và nhân dân Cuba đã thành "lũy thép" bằng lòng tin chính nghĩa.

Từ Cuba, dù chỉ nán lại mấy ngày thôi, Tố Hữu đã vô cùng khâm phục tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, ra sức dựng xây và bảo vệ đất nước của nhân dân Cuba. Hình ảnh được toát lên từ những “bông hồng thép”: "Chào em cô gái, nữ dân quân/ Súng khoác ngang vai đẹp tuyệt trần/ Lóng lánh mắt đen nhìn biển biếc/ Trưa hè đứng gác, giữ ngày xuân".

Cuba và Việt Nam - tình bạn thủy chung và đằm thắm. Con đường giành tự do, độc lập của nhân dân Cuba đã cổ vũ tinh thần cho nhân dân Việt Nam đấu tranh chống giặc Mỹ thời bấy giờ. Những "bông hồng thép" trên hòn đảo Cuba mà nhà thơ gặp ấy đã và đang xuất hiện nhiều trên chiến trường nóng bỏng ở Việt Nam.

Từ Cuba

Anh viết cho em, tự đảo này

Cuba, hòn đảo Lửa, đảo Say

Ở đây say thật, say trời đất

Sóng biển say cùng rượu mật, say…

-

Nửa vòng trái đất rẽ tầng mây

Anh đến Cuba một sáng ngày

Nắng rực trời tơ và biển ngọc

Đảo tươi một dải lụa đào bay

-

Em ạ, Cuba ngọt lịm đường

Mía xanh đồng bãi, biếc đồi nương

Cam ngon, xoài ngọt vàng nông trại

Ong lạc đường hoa, rộn bốn phương

-

Anh mải mê nhìn, anh mải nghe

Mía reo theo gió những thân kè

Tóc xanh xõa bóng hàng chân trắng

Có phải tiên nga dự hội hè?...

-

Mừng bạn ngày vui chén rượu đầy

Hết buồn, chưa hết nhớ chua cay

Em ơi, mía ngọt từng khi mặn

Máu trộn bùn vun gốc mía này

-

Ngày xưa… bạn hỡi mới dăm năm

Roi vọt trên lưng thịt tím bầm

Như mía... ngày xưa bao trận cháy

Đã bùng như mía, lửa hờn căm!

-

Đêm đã qua rồi. Những buổi mai

Anh đi quanh phố dọc đường dài

Biển xanh trước mặt, bao la biển

Gió lộng triều vui dội pháo đài

-

Lởn vởn ngoài khơi những bóng ma

Hai con tàu Mỹ ngó dòm ta

Ô hay bay vẫn ngu hoài vậy!

Chẳng thấy Cuba đứng đấy à?

-

Cho lũ bay rình, giương mắt trông:

Cuba đây, chói ngọn cờ hồng

Cuba đạp sóng trùng dương tiến

Oai hùng như chiến hạm Rạng Đông!

-

Mặc ai sợ, mặc ai run

Ta đi đèo núi, bước không chùn

Nghĩa quân, một chiếc thuyền xưa ấy

Há chẳng tung hoành, dậy nước non?

-

Chào cô em gái, nữ dân quân

Súng khoác ngang vai, đẹp tuyệt trần

Lóng lánh mắt đen nhìn biển biếc

Trưa hè đứng gác, giữ ngày xuân

-

Trông em mà tưởng ở quê nhà

Cô gái Hòn Gai canh biển xa

Nhớ chị miền Nam lùng đuổi giặc

Giữa lau Đồng Tháp, mía Tuy Hòa

-

Ở đây với bạn, mỗi ngày qua

Anh nhớ vô cùng đất nước ta!

Mai mốt, em ơi, rời xứ bạn

Anh về, e lại nhớ Cuba…

8/1964

Tố Hữu

Đọc thêm

Podcast tản văn: Nắng xiên khoai

Podcast tản văn: Nắng xiên khoai

Khoai lang không chỉ là món ăn mà là đặc trưng quê hương, gợi nhớ sự tảo tần của mẹ, tình cha, và tuổi thơ lấp lánh không thể quên.
Podcast truyện ngắn: Rừng và em

Podcast truyện ngắn: Rừng và em

Giữa núi rừng bạt ngàn, niềm tin và tình người ấm áp lấp lánh hơn nắng. Đây là câu chuyện thắp sáng ước mơ nơi bản làng, nơi khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng.
Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

“Nhật ký của một hạt mưa” của tác giả Anh Đức kể về một thế giới đầy màu sắc qua góc nhìn nhân hóa của hạt mưa với những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình bạn và sự sẻ chia.
Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Giữa guồng quay của cuộc sống, có những lớp nghệ nhân ở Hà Tĩnh vẫn thầm lặng cống hiến, gìn giữ tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Với họ, đó không chỉ là lòng nhiệt huyết, niềm đam mê mà còn là sứ mệnh giữ lửa, trao truyền các giá trị của di sản quê hương.
"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

Chùa Tịnh Lâm (phường Hà Huy Tập, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ươm mầm dân ca ví, giặm

Ươm mầm dân ca ví, giặm

Phát huy vai trò là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ di sản, nhiều nghệ nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia, mở các lớp học miễn phí để truyền dạy dân ca cho các em học sinh.
Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Podcast bút ký: Làng thợ bạc Nam Trị

Nâng chén trà miệng bít bạc của các nghệ nhân Nam Trị, tôi lâng lâng nghĩ về quá khứ, nghĩ đến tương lai của cái nghề vàng, nghề bạc. Cái nghề mà ông cha đã một thời đeo đuổi!
Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai. Bởi vậy, hãy luôn cùng nhau cố gắng trong mọi hoàn cảnh, để mỗi ngày cảm nhận cuộc sống tươi đẹp hơn.
Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Podcast truyện ngắn: Lênh đênh đời thúng

Một già, một trẻ, nương tựa vào nhau mà sống. Bên nhau qua từng mùa biển động. Ngoại không còn đủ sức để vươn ra xa bờ, chỉ còn trông cậy vào chiếc thúng chòng chành...