Cổ tích thời hiện đại của cô thợ may có bàn tay... không ngón!

(Baohatinh.vn) - Mất đi đôi bàn tay, khuôn mặt biến dạng từ năm mới chỉ lên 2 tuổi, thế nhưng bằng nghị lực phi thường, chị Đỗ Thị Thu Thủy (trú tại thôn Hòa Lạc, xã Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã kiên trì vươn lên mưu sinh bằng nghề may vá. Để rồi, giữa những trăm bề khốn khổ, chị cũng đã tìm được hạnh phúc và bình yên trong cuộc sống.

Cổ tích thời hiện đại của cô thợ may có bàn tay... không ngón!

13 năm theo nghề may vá, chị Đỗ Thị Thu Thủy vừa có thể tự may cho khách vừa mở lớp dạy thêm online cho những người có nhu cầu học nghề.

Nghị lực “không để thua kém tâm hồn”

Đêm mùng 2 Tết năm 1979 định mệnh, chị Đỗ Thị Thu Thủy (SN 1977 quê gốc ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đã vĩnh viễn mất đi đôi bàn tay cùng khuôn mặt biến dạng do pháo bay lạc. Từ một cô bé mắt to xinh xắn, chị phải mang trong mình một tuổi thơ buồn tủi khi bị mọi người sợ hãi, tránh xa.

Nỗi tự ti về một thân hình không có ngón tay, ngón chân, khuôn mặt dị dạng xấu xí khiến chị phải thôi học dù trong lòng tiếc nuối vô cùng. Số phận trớ trêu đến nỗi đi đâu chị cũng bị xua đuổi vì không ai nhận người khuyết tật vào làm việc.

Liên tục bị từ chối, chị Thủy bắt đầu hụt hẫng và nản chí. Thế rồi, được sự động viên từ gia đình, nhất là người bố, chị bắt đầu quyết tâm theo đuổi nghề may.

Những ngày đầu, chị xin theo học những thợ may giàu kinh nghiệm, mua sách dạy kỹ năng rồi xin vải vụn về để tập khâu vá. Vất vả, đau đớn nhưng chị nhất định không từ bỏ. Chỉ sau một tháng mày mò sách vở, Thu Thủy đã có cho mình một sản phẩm đầu tay là chiếc quần âu hoàn chỉnh, cũng là minh chứng cho sự nỗ lực tự học tuyệt vời của chị.

Sau 3 tháng kiên trì học hỏi, chị Thủy đã có thể tự nhận may cho quần áo cho khách. Để rồi, giờ đây với hơn 13 năm theo nghề, chị đã có một lượng khách cho riêng bản thân. Ngoài nhận may trực tiếp tại cửa hàng, chị còn nhận khách từ phương xa ở Hải Phòng, Hà Nội đến tận TP HCM xa xôi.

Đặc biệt, chị còn mở một trang dạy may online qua mạng xã hội với hàng chục học viên và bán sách dạy may vá cho những người có nhu cầu muốn học nghề.

Cổ tích thời hiện đại của cô thợ may có bàn tay... không ngón!

Nhiều khách hàng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của chị bởi đường may đẹp, sản phẩm mang tính thời trang cao.

Chị Thu Thủy tâm sự: “ Tôi vẫn luôn cảm ơn cuộc đời đã ưu ái cho mình, vì dù mất đi đôi bàn tay thì tôi vẫn có thể may vá. Thay vì chờ đợi người khác giúp đỡ thì tôi có thể tự nuôi sống bản thân, là một người có ích cho xã hội. Và hơn hết, những người khuyết tật như chúng tôi “tàn nhưng không phế”, thậm chí đôi khi có thể còn làm tốt hơn người lành lặn nếu thật sự kiên trì và không từ bỏ ước mơ”.

Điểm tựa tình yêu

Để có thể tập trung vào công việc yêu thích, ắt hẳn không thể kể đến công sức của người chồng. Từng thất bại sau một lần đổ vỡ hôn nhân, chị không còn niềm tin vào hạnh phúc cho cuộc đời mình. Thế nhưng như một cơ duyên, câu chuyện cổ tích tình yêu giữa chị và anh Nguyễn Văn Bá - một chàng trai mất 95% sức lao động, gắn cuộc đời mình trên chiếc xe lăn khiến bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ. Qua lời giới thiệu của một người bạn, chị gặp anh lần đầu tiên tại Viện bỏng Quốc gia khi anh đang chữa trị tại đây.

Đồng cảm, sẻ chia cùng nhau, anh chị nảy sinh tình yêu qua những lần gặp gỡ, trò chuyện. Năm 2017, chị quyết tâm theo anh về làm dâu tại thôn Hòa Lạc, xã Thạch Lạc (Thạch Hà).

Cổ tích thời hiện đại của cô thợ may có bàn tay... không ngón!

Thay vì ghét bỏ đôi bàn tay tật nguyền, chị Thủy đã bằng lòng với cuộc sống hiện tại và luôn nỗ lực vươn lên dù không hề lành lặn.

Ngày đầu theo anh về quê cũng là ngày cơn bão số 10 đánh tan mái nhà mà vợ chồng mới cưới định sinh sống. Thế rồi, gạt bỏ niềm vui sang một bên, chị bắt tay vào gây dựng căn nhà tạm để gia đình anh chị có thể sống qua ngày. Không bỏ dở nghề may, chị bắt đầu mở một tiệm may riêng cho mình để kiếm kế sinh nhai. Tiền nong kiếm được bao nhiêu chị đều đổ vào chăm sức khỏe cho anh và nuôi con ăn học.

Cổ tích thời hiện đại của cô thợ may có bàn tay... không ngón!

Dẫu còn muôn vàn khó khăn, nhưng gia đình 3 người của chị Thúy luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.

Tâm lý, thấu hiểu, người chồng cũng luôn yêu thương, sẵn sàng đồng hành giúp đỡ cho vợ trong việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… “Đã là vợ chồng thì dù khuyết tật chúng tôi cũng luôn bình đẳng với nhau. Nghề may của vợ tưởng rất nhàn nhưng cũng khá áp lực, mệt mỏi, nhiều khi bận rộn đến không kịp ăn cơm. Vì vậy, tôi phải có trách nhiệm động viên, giúp đỡ vợ trong các công việc gia đình. Dùng tiếng cười thay tiếng nói là cách để gia đình tôi luôn ngập tràn tình yêu và hạnh phúc” - anh Nguyễn Văn Bá trải lòng.

Dù chị có bị mất cả mười đầu ngón tay, khuôn mặt không còn lành lặn nhưng trong mắt chồng, chị luôn là người con gái đẹp nhất. Bởi ăn nói có duyên, tay nghề cắt may không thua kém ai, giá thành rẻ nên chị đã sống được với nghề. Giữa bộn bề khó khăn, chị đã có thể nở một nụ cười mãn nguyện về một giấc mơ gia đình hạnh phúc đã không nằm xa tầm với…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast