Mặc dù các học viên đến học ở Trung tâm DN-GT&GQVL chỉ trong 6 tháng nhưng giám đốc Lê Đình Ý luôn ghi rõ hoàn cảnh cụ thể từng người để tìm cách giúp đỡ
Ông Lê Đình Ý là người con miền quê Đức Nhân (Đức Thọ), trải qua nhiều vị trí công tác, như một cơ duyên, ông đã đến và gắn bó với trung tâm dành cho người tàn tật. Trong quá trình làm việc tại đây, chứng kiến sự thiếu thốn của trung tâm, với mong muốn người tàn tật không phải chịu thêm thiệt thòi, ông đã nhiều lần tìm đến người thân, bạn bè thành đạt ở trong và ngoài nước để được giúp đỡ.
Đối với những học viên mới, ông luôn kề cận khích lệ, động viên
“Trước sự thiếu thốn của trung tâm và điều kiện làm việc hết sức vất vả của giáo viên (chủ yếu là thương bệnh binh), tôi trăn trở, tìm cách để nhận được sự giúp đỡ. Thật may là bạn bè tôi thành đạt ở nước ngoài đều rất quan tâm đến ý nguyện của tôi. Và, những người con Đức Thọ ở tận trời Âu đã không ngần ngại giúp đỡ chúng tôi cải thiện môi trường làm việc. Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự giúp đỡ của những tấm lòng từ thiện đã tạo động lực cho cán bộ, giáo viên và học viên nỗ lực giành những kết quả dạy, học tốt nhất” - ông Lê Đình Ý cho biết.
Dưới sự điều hành của Giám đốc Lê Đình Ý, gần 15 năm qua, trung tâm đã huy động được hơn 20 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để xây dựng nhà nội trú, nhà học lý thuyết cho học viên, trang bị thiết bị dạy, học; thực hiện dự án trồng rừng, trang trại chăn nuôi cho người khuyết tật tại xã Cương Gián (Nghi Xuân)…
Đến với trung tâm, nhiều người đã vượt lên số phận và trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội
Nhờ đó, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng trung tâm luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn và đạt được những kết quả tốt đẹp trong công tác dạy nghề, giới thiệu, GQVL cho người tàn tật.
Trong gần 15 năm qua, trung tâm đã đào tạo được 20 khóa dạy nghề ngắn hạn cho hơn 2.650 học viên gồm các ngành nghề: Tin học văn phòng, cắt may dân dụng, in lưới thủ công, sửa chữa điện dân dụng, xe máy, mây tre đan, trồng rừng và chăm sóc cây rừng; giới thiệu, GQVL cho 535 học viên sau đào tạo.
Bên cạnh đó, trung tâm còn mở xưởng may và xưởng in lưới để GQVL tại chỗ cho 15 học viên với mức lương bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/học viên/tháng…
Tại trung tâm, các học viên được lựa chọn học nghề theo nhu cầu và được tạo cơ hội tìm kiếm việc làm sau khoá học
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (tổ dân phố Bắc Tiến, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi không may bị liệt 2 chân từ nhỏ, cho đến năm 25 tuổi, tôi vẫn ở với bố mẹ mà không có việc làm. May mắn, năm 2005, tôi được giới thiệu đến trung tâm học nghề. Tại đây, tôi nhận được sự quan tâm, yêu thương chân thành của thầy cô và bạn bè, đặc biệt là Giám đốc Lê Đình Ý...
Thuở ấy, trung tâm mới thành lập, còn thiếu thốn mọi bề, giám đốc là người tiên phong chia sẻ tiền lương để những bữa ăn của chúng tôi được đảm bảo. Ông còn ngược xuôi lo toan cho học viên có được căn nhà khang trang để học và ở, có được trang thiết bị học tập đàng hoàng. Chính tình yêu thương của thầy Ý và các giáo viên ở đây đã khiến tôi gắn bó với việc làm ở xưởng in lưới cho đến nay”.
Với nhiều thế hệ học viên, Giám đốc Lê Đình Ý như người cha nhân từ luôn quan tâm, khích lệ tinh thần cả trong việc học lẫn đời sống
Với những đóng góp tích cực đối với người khuyết tật, năm 2016, ông Lê Đình Ý được tỉnh trao tặng danh hiệu “Điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015”. Ông cũng là một trong những gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2017. Năm 2018, ông được chọn là đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh tham dự lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.