Hình ảnh người Xứ Nghệ trong “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh”

(Baohatinh.vn) - Huy Cận làm thơ về quê hương không nhiều. Những câu thơ gọi rõ địa danh càng ít. Và “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” là bài thơ ông khắc họa rõ nhất hình ảnh, văn hóa quê hương. Bài thơ đồng thời cũng là niềm tự hào của Huy Cận về quê hương xứ sở.

Hình ảnh người Xứ Nghệ trong “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh”

Làng Ân Phú - quê hương thi sỹ Huy Cận. Ảnh Xuân Hoàn

Bằng thể thơ ngũ ngôn, nhịp điệu linh hoạt, khúc chiết, tác giả đã gián tiếp đưa độc giả vào một nét đặc trưng trong tính cách của người Nghệ - mạnh mẽ, dứt khoát, mộc mạc. Ngay từ những hình ảnh đầu tiên của bài thơ như cà, chè xanh, khoai, cam cũng đã thể hiện điều đó. Ở đây, tác giả đã rất khéo léo khi dẫn ra những món ăn đặc trưng của Xứ Nghệ để rồi đi đến một đúc kết đầy niềm tự hào: “Tính tình người Xứ Nghệ/ Càng biết lại càng yêu”.

Và như để khẳng định thêm điều đó, tác giả lại tiếp tục dẫn thêm những đặc điểm trong văn hóa người Xứ Nghệ: “Ăn, Xứ Nghệ ăn đặm/ Đã nói, nói hết lòng”. Người Xứ Nghệ vốn quen chống chọi với thiên tai, giặc giã nên tính tình người Xứ Nghệ cũng rắn rỏi, cương trực, ít mềm mại, khéo léo như người xứ khác.

Học giả Đặng Thai Mai đã từng nhận xét về người Nghệ: “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến “cá gỗ”. Nhưng, phía sau những đặc điểm tưởng như là nhược điểm ấy, Huy Cận vẫn nói với độc giả rằng, sâu thẳm trong tâm hồn người Nghệ là phẩm chất vô cùng đẹp đẽ: “Đất này bền nghĩa bạn/ Đất này tình thủy chung”, “Tình Xứ Nghệ không mau/ Nhưng bén rồi sâu lắng/ Quen Xứ Nghệ quen lâu/ Càng tình sâu nghĩa nặng”.

Hình ảnh người Xứ Nghệ trong “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh”

Nhà thơ Huy Cận - một hồn thơ Xứ Nghệ đậm đà. Ảnh tư liệu

Việc sử dụng những câu thơ 5 chữ khúc chiết với lời thơ mộc mạc, sử dụng nhiều điệp từ, điệp ngữ, hình ảnh không bóng bẩy cũng chính là cách mà tác giả Huy Cận nhấn mạnh thêm về tính cách của người Nghệ, tô đậm thêm niềm tự hào về những phẩm chất đẹp đẽ đó trong con người Xứ Nghệ.

Và niềm tự hào đó còn được đẩy lên cao hơn khi tác giả sử dụng một cách rất tự nhiên thán từ “ôi” trong đoạn thơ kế tiếp: “Ôi Xứ Nghệ, Xứ Nghệ/ Đất cổ nước non nhà/ Đã trăm nghìn thế hệ/ Vẫn ưa nhút, ưa cà”. Và gắn với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Dân thời đại Bác Hồ/ Sống xã hội chủ nghĩa/ Vẫn dáng dấp ông đồ/ Hay chữ lại hay nghĩa/ Ôi tâm hồn Xứ Nghệ/ Trong hồn Việt Nam ta/ Có gì tự ông cha/ Rất xưa mà rất trẻ/ Giống như Bác của ta/ Một người con Xứ Nghệ/ Một con người Xứ Nghệ”.

Hình ảnh người Xứ Nghệ trong “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh”

Nước chè xanh Xứ Nghệ - hình ảnh được ví như tâm tình người Nghệ Tĩnh. Ảnh Internet

Có thể thấy rất rõ một mạch ngầm khi Huy Cận xây dựng hình ảnh con người Xứ Nghệ trong bài thơ này, đó là: Một con người bình dân khổ cực; Một con người ham chữ nghĩa văn chương; một chiến sỹ tiền phong cách mạng. Và cả trong 3 hình ảnh đó lại có những phẩm chất rất rõ rệt: Chất lý tưởng trong tâm hồn, sự trung kiên trong bản chất, sự khắc khổ trong sinh hoạt, sự cứng cỏi nhưng chân thật, trọng tình trong giao lưu.

Bài thơ “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” tuy không đặc sắc về thủ pháp nghệ thuật nhưng chính sự giản dị, mộc mạc đó lại chính là cách mà tác giả chuyển tải hiệu quả nhất dụng ý của mình. Bài thơ vì thế cũng được độc giả nhiều thế hệ đón nhận nhiệt thành.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast