Trong ngôi nhà cấp 4 còn xập xệ nằm sâu trong con ngõ nhỏ của thôn 6, xã Phúc Đồng với những tài sản có giá nhất là hàng chục bộ bàn ghế học sinh, ông Dũng nở nụ cười tươi rói: “Học sinh tôi nhiều lắm, từ lớp 2 cho đến ôn thi đại học. Bọn chúng ở gần có, xa có. Đứa xa thì ở lại ăn, ngủ trong nhà luôn. Trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ là tôi dạy học nhưng giờ thì không thể rời bỏ được, vắng học trò một hôm là nhớ lắm!”.
Bên cốc nước chè xanh chát ngọt, ông Dũng ngược về những năm tháng trước đây bằng những câu chuyện kể. Ông sinh năm 1957. Khi sinh ra, ông cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng lên 5 tuổi, sau một trận sốt thì ông bị liệt một chân. Bố mẹ tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho ông nhưng không được. Do vậy, từ nhỏ, ông không thể tự đến trường như bạn bè mà phải nhờ bố (mẹ) cõng. Có những hôm bố mẹ bận không kịp tới đón, bạn bè lại cõng ông về. Nhưng do sức yếu, các bạn chỉ cõng được một đoạn rồi thả ông xuống mà dắt, cũng nhờ vậy mà ông dần dần khập khiễng tập đi.
Tuy khuyết tật nhưng ông Dũng rất ham học và học giỏi. Nhưng học hết lớp 9 ông phải nghỉ học. Ông Dũng nhớ lại: “Bố làm cán bộ xã trong giai đoạn chiến tranh nên phải đi suốt, trong nhà lại còn một người anh tật nguyền nằm một chỗ nên mẹ không kham nổi. Nghỉ học dở chừng nhưng nhờ biết chữ, lại tính toán nhanh nhẹn nên tôi được xã mời lên làm cán bộ đoàn và công tác thống kê. Làm được một thời gian, huyện lại điều lên làm đo đạc cho huyện. Xong dự án, lại về làm bưu điện xã.
Để mưu sinh, tôi còn làm thêm đủ nghề, từ mở quán bán tạp hóa, sửa xe máy cho đến làm thợ mộc. Hồi ấy, mới mình tôi ở trên quả đồi này, xung quanh chưa có ai. Mỗi đêm con ngồi học bài nó sợ, vì thế bố phải ngồi học cùng. Nhờ thế, con đứa nào cũng học rất nổi trội. Nhiều người thấy thế nên gửi con đến nhờ kèm hộ. Họ gửi đứa nào, tôi nhận đứa đó. Kèm cặp con mình học thế nào thì tôi dạy cho con họ như thế. Đứa nào đến học cũng đều tiến bộ”…
Hồi ấy, ông Dũng cứ giúp đỡ con người ta như thế mà không nghĩ ngợi gì. Cho đến năm 1994, ông gặp một người khách ở xã Hòa Hải vào sửa xe. Trong lúc sửa xe, hai người nói chuyện qua lại cho vui thì được biết chị ấy có một đứa con vừa thi vào THPT nhưng không đỗ. Nghe chuyện, ông buột miệng “Đưa đến tôi, tôi bày cho mà thi”. Rồi chị ấy đưa con đến thật, ông kèm một thời gian và con chị ấy đã thi đỗ vào THPT với số điểm khá.
Sau thành công của đứa học trò thi chuyển cấp đầu tiên, lại có thêm những đứa trẻ trong làng, trong xã thi chuyển cấp lên THPT không đỗ theo ông học nghề mộc. Khi thấy ông làm những việc khó, chúng luôn thể hiện ao ước là sau này làm được giống ông. Mỗi lần như thế, ông nói lại với chúng: “Nghĩ như thế là không được, học nghề ông bày cho là tạm thời, cái quan trọng là phải học để thi tiếp”. Rồi ông lại nhận chúng về nhà kèm cặp. Có đến mười mấy đứa như thế theo ông học nghề nhưng được ông dạy học miễn phí nên đã thi đỗ vào THPT.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, ông không mở lớp, không mời chào nhưng kể từ đó, rất nhiều bậc phụ huynh tìm đến gửi con cho ông. Họ yêu cầu ông chuyên tâm cho việc dạy học nên có bao nhiêu sào ruộng họ đều thay nhau đến cấy cày và gặt hái cho ông. Học sinh của ông đầy đủ mọi lứa tuổi, từ lớp 2 cho đến ôn thi chuyển cấp và ôn thi đại học.
Tôi hỏi: Ông chỉ học hết lớp 9 sao có thể dạy toán cho học sinh ôn thi đại học được?
- Tôi đã học cùng 4 đứa con của tôi. Nói đúng hơn là tôi kèm nó học và đã học cùng nó. 4 đứa con của tôi đều thi đậu đại học và đều đã tốt nghiệp các trường đại học đạt loại giỏi. Nói thật, nếu con tôi không giỏi tôi sẽ không đi dạy. Cho đến giờ, chưa có bài toán nào học sinh đưa đến mà tôi không giải được. Học trò tôi đi thi học sinh giỏi rất nhiều. Khi chúng đi tôi cũng đi theo và chờ ngoài cổng, đợi nó ra lấy đề là tôi giải cho nó xem kết quả. Học sinh đi thi chuyển cấp tôi cũng làm thế. Còn ngày thường, xong một buổi học, tôi ra một bài kiểm tra 15 phút, gửi về bố mẹ ký rồi mang trả lại. Sau một tuần thì kiểm tra 1 tiết, kiểm tra xong chữa bài đầy đủ. Ngoài ra, tất cả các bài kiểm tra của các em ở trường tôi đều giải cho các em xem, nếu bạn nào còn làm sai, tôi sẽ chỉ ra cái sai đó và rút kinh nghiệm cho tất cả các bạn...
Say mê, tâm huyết, trách nhiệm, dạy và khám phá cùng trò nên học sinh rất thích thú. Mỗi ngày, có hàng chục học sinh ngồi học ở nhà ông. Ông không phân lớp mà phân loại học sinh theo trình độ để kèm cặp. Riêng ôn thi cuối cấp, ông dành riêng cho 3 ca/3 lớp/ngày. Học sinh khó khăn ông không lấy học phí. Học sinh ở xa, ông cho lưu lại trong nhà.
Ông Dũng trải lòng: “Học sinh đến đây trước hết đều phải có ý kiến của phụ huynh. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp rất đặc biệt mình phải tạo điều kiện cho nó. Như em Nhạ đi từ Hòa Hải xuống xin ôn thi lên cấp 3. Nhưng rất lạ, nó học được 1 buổi lại nghỉ đến 4, 5 buổi. Tôi hỏi các bạn thì các bạn nói là Nhạ phải đi gặt. Muốn em được tập trung học tập hơn nên tôi đã bàn với các bạn nghỉ một buổi học tập trung lên giúp Nhạ cho xong nhưng lên đến nơi mới biết không phải Nhạ đi gặt cho nhà em mà là đi gặt thuê để kiếm tiền nộp học. Tôi nói với mẹ em, cứ cho em đi học thi cho đỗ, còn tiền học phí có khi nào thì trả khi đó. Giờ em ấy đã tốt nghiệp đại học và làm việc tại thành phố Huế. Rồi như em Giang ở xã Phương Điền. Các bạn đến học nói với tôi: “Ông ơi có một bạn thích học lắm mà không có tiền”. Tôi nói: “Cứ bảo bạn đến học đi, không phải nộp học phí”. Nhưng bạn ấy đến được buổi thứ 3 thì nghỉ. Hỏi ra mới biết bạn không có xe. Thế là tôi lấy xe đạp của con cho Giang. Lúc nào hỏng, tôi lại sửa cho em...
Người thầy mang cả tấm lòng người cha nên học sinh luôn trân quý. Mỗi năm, đến ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà ông lại vui như ngày hội, rộn rã tiếng cười với tấm lòng tri ân của bao lớp học trò. Ông Dũng tự hào: “Học sinh tôi ăn ở như người trong nhà. Có hôm có đến 30 đứa ở lại ăn cơm. Nhiều hôm bọn chúng ghép bàn học làm thành giường nằm ngủ. Hôm cha tôi mất, có đến 19 đứa về xin chịu tang. Cảm động hơn, có đứa về không kịp, bố lên xin khăn buộc thay và khi con về đến nơi thì trao lại cho con”...
Không thể đếm hết nhưng theo ông Dũng, đến thời điểm này đã có hàng trăm học sinh được ông kèm cặp đã đậu vào các trường đại học và đã trưởng thành. Dù đi đâu, làm gì, các em đều dành cho ông một tình cảm hết sức đặc biệt. Em Hồ Sỹ Hào, là chiến sỹ Công an Hà Tĩnh chia sẻ: Từ nhỏ em học khá nhưng đến lớp 7, lớp 8, em mảng chơi nên học sút. Lên lớp 9, sắp chuyển cấp nên em bắt đầu ý thức việc học của mình. Nghe các bạn nói là ở Phúc Đồng có ông Dũng dạy giỏi nên em cũng lên tham khảo xem thế nào. Ông tạo được môi trường học tập rất tốt, vừa học thầy, vừa học bạn, mang tính chất trao đổi, cùng khám phá nên rất thích thú. Vì nhà xa nên nhiều hôm em ở lại ăn, ngủ ở nhà ông luôn. Năm ấy, em thi chuyển cấp đạt kết quả cao, được vào lớp chọn. Nhiều bạn học cùng kết quả thi còn cao hơn em nữa. Sau này em thi vào Học viện Công an không đạt kết quả, em cũng đã trở lại tìm ông. Em vừa hỏi bài nhưng quan trọng hơn là em tìm môi trường để học. Học ở nhà ông em cảm thấy có thêm động lực và quyết tâm. Sau đó, em đã đỗ vào Học viện Công an nhân dân”...
Hiện tại, ông Dũng có khoảng 200 học sinh đang theo học. Ngồi nhìn hàng chục dãy bàn ghế sắp xếp ngang dọc quanh sân, quanh nhà, ông Dũng nói: “Dạy học đã thành nghiệp rồi, không dứt được nữa. Nếu vắng học sinh một buổi tôi thấy rất buồn. Học sinh của tôi cũng vậy. Nhiều hôm tôi có việc đi vắng, học sinh vẫn cứ đến nhà ngồi học, rồi gọi điện cho tôi nói “nếu bố mẹ có hỏi thì ông nói con học ở nhà ông nhé”. Chúng ngồi học có gì không hiểu thì chúng gọi cho tôi hỏi, hoặc đợi tôi về tôi chữa bài. Rất may, đến giờ trời vẫn còn cho tôi 2 thứ để có thể gắn bó với học trò, đó là: Mắt chưa phải đeo kính và tôi chưa đầu hàng bất cứ bài toán khó nào”.
thiết kế: huy tùng