Phấn đấu 98,7% người dân nông thôn Hà Tĩnh được dùng nước sạch

(Baohatinh.vn) - Đến hết năm 2019, Hà Tĩnh sẽ “phủ sóng” 98,7% người dân nông thôn có nước sạch, trong đó, 50% người dân sử dụng nước sạch theo QCVN:02. 

Nhà máy nước Bắc Thạch Hà được mở rộng mạng lưới giai đoạn 2 đáp ứng nhu cầu người dân nông thôn

Lấp giếng khoan, bỏ bể nước mưa… dùng nước máy

Cũng như nhiều gia đình ở xã Tân Lộc (Lộc Hà), chị Chu Thị Hoài (thôn Kim Tân) chỉ bắt nước máy từ gần 1 năm nay, khi hệ thống cấp nước của Nhà máy Nước Thạch Bằng được mở rộng. Khác với ngày trước, mùa nắng lo thiếu nước, mùa đông lo nhiễm phèn, bây giờ nhà cửa có nước máy lau chùi sạch sẽ, đồ ăn thức uống chẳng phải lo nhiễm khuẩn. “Từ ngày có nước máy, nhà tôi đã lấp luôn giếng khoan, phá bỏ bể nước mưa, 100% sinh hoạt, ăn uống đều dùng nước máy” - chị Hoài chia sẻ.

Ghé thăm nhiều ngôi nhà khác ở xã Tân Lộc, mới thấy cuộc sống ở đây thay đổi đúng như lời chị Hoài nói. Từ khu bếp đến khu vệ sinh đều tinh tươm, sạch sẽ, chẳng còn dấu tích những vùng nông thôn với mấy bể nước mưa, giếng nước khoan vàng khè vì phèn, rêu phong phủ bám.

Từ ngày có nước máy, chị Hoài đã lấp giếng khoan, đập bể chứa nước mưa cũ trước đây

Ông Nguyễn Đình Quân, Trạm trưởng Trạm cấp số 2 (Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh) cho biết: “Hiện nay, Nhà máy Nước Thạch Bằng cấp khoảng 7.000 m3 nước sạch mỗi tháng cho trên 5.542 hộ dân”. Chỉ cách đây khoảng 4-5 năm các xã Tân Lộc, Thịnh Lộc, Thạch Kim (Lộc Hà) này đều thiếu nước sạch nghiêm trọng. Chính địa điểm này, công trình cấp nước sạch Tân Lộc từng bị bỏ hoang vì chẳng ai mấy ai quan tâm.

Để có được mạng lưới nước sạch “phủ sóng” như ngày hôm nay, thực sự là cuộc hành trình cả về chuyển biến nhận thức cho người dân của Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn. Ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc trung tâm cho biết: “Đầu tiên phải đưa chất lượng công trình, chất lượng vận hành lên hàng đầu. Vào mỗi tuần đều công khai chất lượng nước, đồng thời đảm bảo nước thường xuyên, liên tục cho khách hàng sử dụng”.

Thời gian gần đây, Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn còn công bố và cảnh báo về chất lượng nước từng vùng, từng địa phương để người dân nắm rõ và thay đổi dần nhận thức về nước sạch đối với cuộc sống. “Mưa dầm thấm lâu”, năm 2019, Hà Tĩnh có thêm 19.650 người được sử dụng nước hợp vệ sinh, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh lên 98,7% và gần 50% người dân được sử dụng nước đạt QCVN:02 của Bộ Y tế.

Hoàn thành bền vững tiêu chí nước sạch

Chị Ngô Thị Hiền phấn khởi là những hộ dân đầu tiên của Thạch Tiến được sử dụng nước sạch.

Theo Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn, công trình mở rộng mạng lưới của Nhà máy Nước Bắc Thạch Hà hiện đã cơ bản hoàn thành ở xã Thạch Tiến (Thạch Hà). Nước sạch đã về đến gần 500 hộ dân đăng ký trong đợt lắp đặt này.

Ông Từ Văn Hoàng - Trưởng thôn Minh Long chia sẻ: “Vườn đẹp, cuộc sống tươi mới hơn nhưng thiếu nguồn nước sạch thì chưa thể gọi là mẫu được. Rất may, khi có dự án về, bà con ai nấy đồng thuận, vui mừng. Hiện nay, đường ống đã về tận ngõ của người dân rồi”.

Hoàn thiện tiêu chí nước sạch sẽ giúp các địa phương xây dựng NTM một cách bền vững từ bên trong đời sống của người dân nông thôn.

Xã Thạch Tiến có 6 thôn thì 5 thôn đăng ký lắp đặt nước sạch. Điều thuận lợi là được chính quyền địa phương ủng hộ, nguồn đối ứng thu kịp thời đã giúp dự án đảm bảo tiến độ. Ông Đặng Hữu Thắng - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhờ có dự án, tiêu chí về nước sạch của địa phương được đảm bảo bền vững, làm lộ trình cho xã tiến đến xây dựng nông thôn mới nâng cao ở giai đoạn mới”.

Chung tay trong cuộc cách mạng lớn về xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn đã thường xuyên rà soát tình hình sử dụng nước sạch ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Từ đó, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện bền vững tiêu chí về nước sạch và mở rộng mạng lưới từ nhận thức của người dân nông thôn.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói