Phan Dương - một trí thức Việt kiều yêu nước

(Baohatinh.vn) - Ông Phan Dương (quê thôn Văn Lâm, xã Đức Lâm, nay là xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ, Hà Tĩnh) là Chủ tịch Hội Ái hữu Việt kiều ở Lào, tham gia hoạt động cách mạng bí mật tại Lào và Thái Lan. Hoạt động của ông đã góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Một lòng đi theo cách mạng

Ông Phan Dương (SN 1898) quê thôn Văn Lâm, xã Đức Lâm (nay là xã Lâm Trung Thủy), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1925, ông sang Lào buôn bán. Nhờ có học vấn, giỏi tiếng Pháp, năm 1927, ông được tuyển làm công chức. Năm 1930, ông được bổ nhiệm làm Tham biện Toà sứ (như Chánh Văn phòng bây giờ) của Pháp tại Vientiane.

Ảnh Phan Dương.jpg
Di ảnh ông Phan Dương.

Cuối năm 1929, ông gặp Thái Mười (liên lạc của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Thái Lan), nhận ra đó là “người nhuộm vải” ở quê, từng qua lại thăm cha mẹ mình (mẹ ông là Thái Thị Kiều gọi Thái Mười là chú ruột). Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Thái Mười đóng vai là “người nhuộm vải” đến các thôn xóm rao nhuộm, mục đích là tìm hiểu thăm dò, kết nối những người yêu nước.

Được biết có một tổ chức cách mạng của Việt Nam đang hoạt động tại Thái Lan, ông Phan Dương nhận làm đầu mối liên lạc và nơi trú chân cho người của tổ chức qua lại giữa Lào và Thái Lan.

Ở trong nước, từ năm 1930 và suốt năm 1931 về sau, bị Pháp và tay sai đàn áp dã man, nhiều người phải dạt sang Lào, Thái Lan lánh nạn. Với vỏ bọc là công chức bộ máy thuộc địa của Pháp, ông đã bảo lãnh cho hàng chục người từ Đức Thọ sang tránh khủng bố trắng của kẻ thù, trong số đó có những người ở làng Thái Yên vừa thoát khỏi mấy trận càn của Pháp ở đồn Lạc Thiện hồi tháng 4, tháng 5/1931. Về sau, số này được ông giúp lập một tổ mộc, dần dần phát triển thành xưởng mộc tạo kế sinh nhai. Ngày nay, con cháu của họ ở Thái Yên còn nhắc đến công ơn của ông.

Tại Toà sứ Pháp, ông biết dân ta khu vực miền Trung vượt biên sang Lào khá đông để tránh bị áp bức và khủng bố của Pháp. Ông đề xuất và được Khâm sứ Pháp phái đi nắm tình hình các địa phương Lào có chung biên giới với Việt Nam từ Hà Tĩnh trở vào để nắm thực trạng, tìm cách cứu giúp đồng bào.

Trong năm 1931, ông ba lần đi Savanakhet (giáp tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), khảo sát vùng Mường Phìn, Sê Pôn, Bản Đông dọc đường 9 và xuống Păc Xế - Hạ Lào (giáp tỉnh Quảng Nam, Kon Tum) nơi Pháp đã lập đồn điền cà phê. Ông thấy hàng ngàn bà con miền Trung sang Lào làm ăn đều là những người nghèo khó, cơ cực, trốn áp bức, khủng bố của Pháp và Nam triều, trong đó có những người cách mạng. Ông đã trực tiếp gặp một số quan chức Lào cấp dưới khuyên nhủ họ nên giúp đỡ “ải - noọng” Việt. Biết ông là người Toà sứ Viên Chăn, lại là người Việt nên họ rất kính nể, nghe và làm theo lời ông.

Sau những chuyến khảo sát, ông làm tờ trình trình Khâm sứ Pháp về sự đói khổ, cùng quẫn của người Việt, kiến nghị không nên dùng biện pháp cai trị ngặt nghèo dẫn đến sự phản kháng của dân, dễ xẩy ra rối loạn, khó kiểm soát. Từ đó, việc cư trú của bà con ta tuy còn bất hợp pháp trên đất Lào nhưng làm ăn, sinh sống không đến nỗi cơ cực như trước.

Đầu năm 1932, ông nhận được tin Thái Mười đã bị Pháp và tay sai sát hại trên quê hương. Qua tiếp xúc với bà con Việt Nam sang lánh nạn, ông biết phong trào cách mạng trong nước đang rất khó khăn, phải hết sức thận trọng trong công việc và cần kiên nhẫn chờ thời cơ.

Năm 1938, Trần Đức Vịnh (đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động trong Việt Kiều) quê làng Đông Khê (Đức Thuỷ, Đức Thọ) từ Thái Lan qua Viêng Chăn tìm đến xưởng mộc Thái Yên xin việc làm. Biết ông là người của tổ chức, Trần Đức Vịnh đã mạnh dạn nói với ông: “Thầy nên đứng ra vận động quyên góp, giúp đỡ người Việt ở Lào để bà con ta được nhờ”. Tết năm đó, nhân buổi họp mặt đầu xuân của bà con ta khu vực Viêng Chăn và một số từ Savanakhet, Thà Khẹt, Sầm Nưa về, Hội Ái hữu Việt Kiều ở Lào được thành lập, cử ông làm chủ tịch. Hội hoạt động đến sau tháng 8/1945.

Năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương và kéo đến Viêng Chăn, người Pháp lép vế. Ông thôi việc đưa cả gia đình về thị xã Thà Khẹt mở tiệm buôn bán duy trì cuộc sống. Đầu năm 1943, ông bị quân Nhật bắt, chúng nghi ngờ ông về đây để hợp tác với những người cộng sản Đông Dương đang hoạt động mạnh ở Trung Lào.

Sau hai tuần bị quản thúc, ông được thả về thì vừa lúc Trần Đức Vịnh tìm đến thông tin cho ông biết về tình hình thời cuộc của cách mạng Việt Nam. Theo ý kiến của Trần Đức Vịnh, ông sang Thái Lan thâm nhập đồng bào Việt kiều, chuẩn bị cơ sở để khi bất trắc, bà con ta ở Lào lánh sang có nơi nương tựa. Xong việc, trên đường về, ông bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ nhưng nhờ đối đáp khéo léo, chúng không tra khảo được gì, trục xuất ông về Lào.

Ông tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều và Hội Ái hữu cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công.

Trong hồ sơ thu được của mật thám Pháp hiện lưu trữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh, Bộ Công an có ghi: “Năm 1931, ông Phan Dương làm Tham biện của Toà sứ Pháp tại Viêng Chăn (Lào), có liên lạc với những tù cộng sản được tha ở quê, bị địch điều tra theo dõi vì tình nghi liên quan đến phong trào cộng sản ở SavanaKhet (Lào) và Quảng Trị”.

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh xác nhận: “Năm 1931, ông làm Tham biện của Toà sứ Pháp tại Vientiane - Lào. Ông bị tình nghi có quan hệ với những người hoạt động cộng sản (trong tổ chức cộng sản Savanakhet và Pakse của Lào). Tháng 01/1932, Mật thám Pháp theo dõi và nghi ngờ Phan Dương tham gia vào hoạt động cộng sản ở tuyến Savanakhet - Quảng Trị”.

Cả gia đình một lòng theo Đảng

Đầu năm 1946, Phan Dương cùng gia đình trở về quê hương Đức Thọ. Ông động viên, bảo ban và nhắc nhở anh em, con cháu chăm chỉ học hành, sản xuất, tích cực góp phần giữ vững nền độc lập, tham gia kháng chiến chống Pháp xâm lược. Ông tạ thế năm 1955.

Gia đình ông Phan Dương có nhiều người xuất sắc, có đóng góp cho cách mạng. Vợ ông là bà Trần Thị Ân được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Xác nhận của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh về hoạt động của ông Phan Dương.
Xác nhận của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh về hoạt động của ông Phan Dương.

Em trai Phan Dương là luật sư Phan Nhuận, cử nhân Luật khoa và Văn khoa tại Pháp, làm việc tại Toà Thượng thẩm Paris với chức danh luật sư, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Ông là Việt kiều yêu nước, từng phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp (khoảng tháng 10 năm 1946) trong những buổi tiếp xúc với khách quốc tế, là người đầu tiên dịch tập thơ “Nhật kí trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tiếng Hán ra tiếng Pháp.

Người con trai đầu của ông Phan Dương là Phan Đường tốt nghiệp khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1948, là giáo viên ưu tú có công lao lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, được Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Hai, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Người con trai thứ hai là Phan Thanh Dẫn đã lên Việt Bắc theo học ngành y và từ năm 1953 là cán bộ Ban Phòng bệnh của Trung ương ở chiến khu Việt Bắc; năm 1957 được kết nạp Đảng, sau này trở thành Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Y khoa, nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Mắt, Trường Đại học Y Hà Nội. Ông được tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Hai, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và Huy hiệu 55 tuổi Đảng.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm của Đảng

Những mốc son chói lọi và bài học kinh nghiệm trên chặng đường 95 năm của Đảng

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành chính quyền, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Những mốc son chói lọi có ý nghĩa lịch sử đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.