Làng Trường Nội, xã Cẩm Thăng cũ (nay là thôn 1, xã Nam Phúc Thăng) - nơi từng tập trung những quần chúng yêu nước đứng lên giành chính quyền.
Ký ức hào hùng
Trong không khí hân hoan kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi tìm về vùng đất lịch sử Cẩm Thăng (nay là xã Nam Phúc Thăng, được sáp nhập từ các xã: Cẩm Nam, Cẩm Phúc, Cẩm Thăng).
Tại làng Trường Nội, nơi từng tập hợp những quần chúng yêu nước tham gia biểu tình giành Đồn Trường (nay là trụ sở UBND xã Nam Phúc Thăng), ông Hoàng Văn Quyết (SN 1950), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thăng cho biết: "Sinh thời, cha tôi (ông Hoàng Văn Tánh, SN 1930) kể rằng: ngày 17/8, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa huyện, quần chúng các làng Trường Nội, Trường Ngoại, Đông Cao, Đoài Vân, Trung Xá (xã Cẩm Thăng cũ) cùng với các thôn trong toàn huyện đã tổ chức một cuộc biểu tình kéo về tập trung tại sân vận động Giếng Vàng - Gia Hội (xã Cẩm Tiến cũ, nay là thị trấn Cẩm Xuyên) với khoảng 2.000 người.
Trên đường từ sân vận động Giếng Vàng tới Đồn Trường, đoàn người biểu tình vừa đi vừa hô vang: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm/ Hồ Chí Minh muôn năm/ Mặt trận Việt Minh muôn năm/ Đả đảo đế quốc Nhật, thực dân Pháp!/ Việt Nam độc lập muôn năm!
“Cùng với tiếng hô khẩu hiệu được lặp đi lặp lại nhiều lần là tiếng trống, tiếng mõ, âm thanh vang rầm trời. Tới Đồn Trường, đoàn biểu tình vây kín đồn và đại diện Ủy ban Khởi nghĩa ra lệnh cho chỉ huy đồn hạ cờ que ly xuống và treo cờ đỏ sao vàng lên nóc Đồn Trường. Địch biết được tình hình, nên quân lính trong đồn phần lớn đã bỏ chạy trốn thoát”.
Đồn Trường nay là trụ sở UBND xã Nam Phúc Thăng.
Cũng theo lời của cụ Tánh kể lại cho con cháu, thì tại thời điểm đó, ở sân vận động Đồn Trường, trước đông đủ quần chúng tham gia biểu tình, binh lính đã phải tập hợp và tuyên bố đầu hàng: “Kể từ giờ phút này trở đi Đồn Trường thuộc chính quyền cách mạng” và giao nộp toàn bộ khí giới, quân trang, quân dụng, lương thực thực phẩm và đồn gồm: 7 tòa nhà (105 gian) của bọn sĩ quan, binh lính, kho tàng...
Theo lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Thăng, sau khi Ủy ban Khởi nghĩa giành quyền quản lý, Đồn Trường tạm thời giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Đồng (xã Cẩm Thăng) và một số chiến sỹ tự vệ tiếp quản trông coi.
Sau 2 ngày Ủy ban Khởi nghĩa phá Đồn Trường, đoàn biểu tình tiếp tục kéo lên huyện lỵ Cẩm Xuyên, trước sức mạnh quần chúng, phần lớn quân địch đã bỏ trốn. Trong thời gian đoàn biểu tình đánh chiếm Đồn Trường, huyện lỵ, lực lượng vũ trang quần chúng của các thôn, xã trong toàn huyện nổi dậy đồng loạt.
Trong đó, 5 làng Trường Nội, Trường Ngoại, Đông Cao, Đoài Vân, Trung Xá đã nhanh chóng vùng lên giành chính quyền, thực thi nhiệm vụ của Ủy ban Khởi nghĩa huyện giao.
Ngày 18/8/1945, quần chúng của xã Cẩm Thăng cùng với lực lượng toàn huyện kéo về tỉnh lỵ để tham gia chiến đấu giành chính quyền. Đến ngày 19/8/1945, sau khi giành chính quyền về tay Nhân dân, Việt Minh huyện tổ chức cuộc biểu tình ở Giếng Vàng để chào mừng thắng lợi to lớn trong công cuộc giành chính quyền ở huyện.
Vùng quê cách mạng đang đổi thay từng ngày. Trong ảnh: một góc thôn 2, xã Nam Phúc Thăng
Vươn mình trên những chặng đường mới
Những ngày tháng 8 lịch sử này, các đường làng, ngõ xóm ở Nam Phúc Thăng cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, không khí vui tươi, phấn khởi khắp vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Đâu đâu, người dân cũng vui vẻ bàn chuyện xây dựng nông thôn mới, kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi…
Thầy giáo Nguyễn Trọng Ca (áo xanh) và ông Nguyễn Trinh Thuyên đang ôn lại lịch sử quê hương.
Ông Nguyễn Trinh Thuyên (SN 1948, thôn 1), đảng viên 45 tuổi Đảng chia sẻ: “Với những người dân Nam Phúc Thăng, niềm tự hào về những tháng ngày đứng lên giành chính quyền lại ùa về mỗi khi trời sang thu. Truyền thống cách mạng hào hùng cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy Đảng, chính quyền xã, sẽ là tiền đề để Nam Phúc Thăng phát triển và không ngừng đổi mình trên mỗi chặng đường".
Vườn mẫu của ông Nguyễn Thừa Niên, thôn 4 cho thu nhập 50 triệu/năm
Từ một xã nghèo, đến nay, Nam Phúc Thăng đã trở thành một địa phương khá của huyện Cẩm Xuyên với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41,5 triệu đồng/năm. Các thiết chế văn hóa, xã hội được xây dựng đồng bộ, cơ bản. Tất cả các thôn đều có nhà văn hóa khang trang, sân thể thao; xã cũng đang xây dựng trường tiểu học cao tầng và tiếp tục nâng chất các tiêu chí NTM.
“Đời sống người dân đang bước sang trang mới, Nam Phúc Thăng không còn hộ đói, hộ nghèo giảm nhanh và số hộ khá giả ngày càng tăng lên. Bức tranh tươi đẹp đang dần hiện hữu trên quê hương giàu truyền thống cách mạng...”, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phúc Thăng Nguyễn Văn Báu chia sẻ.
Tổng giá trị sản xuất của Nam Phúc Thăng đến hết năm 2020 ước đạt 505 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng nông nghiệp 38,6%; TTCN, xây dựng 28,8%; thương mại, dịch vụ chiếm 32,6%. Toàn xã có 4 khu dân cư kiểu mẫu, 121 vườn mẫu, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 41,5 triệu đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Cảnh quan môi trường, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực... |