Phan Kính - Danh nhân tài hoa

(Baohatinh.vn) - Phan Kính (1715 - 1761) tự là Dĩ Trực, hiệu Tĩnh Trai, quê làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh). Với tài cao học rộng, cụ từng đảm nhận nhiều trọng trách của triều đình đương thời, để lại nhiều dấu ấn trên con đường học hành, võ công cũng như văn nghiệp.

Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đình nguyên Thám hoa Phan Kính:

Phan Kính - Danh nhân tài hoa ảnh 1

Lăng Anh nghị đại vương Phan Kính tại xã Song Lộc, Can Lộc

Phan Kính vốn thông minh, sáng dạ, tuổi nhỏ đã nổi tiếng "thần đồng", năm Nhâm Dần (1722), trong kỳ sát hạch của xã Lai Thạch, bài văn của Phan được xếp thứ nhất. Mùa đông năm Canh Tuất (1730), sĩ tử ghi tên trình văn ở Quốc tử Giám lên tới bốn trăm người mỗi kỳ, cả hai kỳ năm đó cụ Phan Kính đều được đứng đầu, được suy tôn là người đứng đầu “Nghệ An ngũ tuyệt”. Sau nhiều năm lưu học ở Thăng Long, lận đận nơi trường ốc, Phan trở về quê tiếp tục học, lấy vợ, sinh con và tiếp tục dùi mài kinh sử.

Cho mãi đến năm Quý Hợi (1743), cụ Phan trở lại Thăng Long tham dự kỳ thi hội với hơn 3000 sĩ tử, xuất sắc vượt qua các kỳ thi và bước vào hội thi Đình. Quyển thi của Phan Kính được nhà vua ngự phê “Cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Đỗ đầu khoa thi với danh vị Thám hoa) là học vị cao nhất của khoa thi năm Quý Hợi ( do nhà vua không lấy Trạng nguyên, Bảng nhãn).

Sau lễ xướng danh, dự yến tiệc trong cung vua, Phan Thám hoa được vua Cảnh Hưng ban cho áo mũ khôi nguyên, cành hoa bằng vàng, đai lưng bằng bạc khảm đồi mồi, hốt ngà bọc gấm. Tết Nguyên đán Giáp Tý (1744), cụ được nhà vua cấp ngựa và tiền về quê vinh quy bái tổ. Các văn thân người huyện La Sơn đang tại chức ở triều đến tiễn chân, các văn thân bản huyện (La Sơn) thì có bức trướng bằng lụa mừng do Xuân Quân công Nguyễn Nghiễm người làng Tiên Điền (bố Đại thi hào Nguyễn Du) soạn văn và Lễ bộ tư vụ Hải thượng thạch trai Lê Tán viết, nội dung ca ngợi, chúc mừng và hy vọng “Ngày nay hầu là vị tân khoa đứng hàng thứ nhất ở sân triều, ngày sau hầu sẽ là đại thần có công bậc nhất, hầu hãy gắng lên”.

Phan Kính - Danh nhân tài hoa ảnh 2

Sắc phong Thám hoa của vua Cảnh Hưng

Sau ba tháng nghỉ ngơi, thu xếp việc nhà, tháng 6 năm 1744, Phan Thám hoa ra kinh đô Thăng Long và được vua Cảnh Hưng sắc phong cho giữ chức Hàn lâm viện đãi chế chuyên việc cung phụng từ lệnh ở bên vua. Năm 1745, cụ Thám được cử làm Tuyên úy phó sứ đi kinh lý trấn Nghệ An. Năm 1747, cụ vâng lệnh đi Kinh Bắc làm giám khảo kỳ thi hương. Đầu năm 1748, triều đình bổ dụng cụ giữ chức Hiệp đồng trấn Sơn Tây giúp việc ổn định, trấn an bản xứ. Năm 1749, cụ Phan nhận phụng chỉ của Lê triều làm Tham mưu Sơn Tây đạo, đồng thời chỉ huy trực tiếp cánh quân phía tả kiêm Nhung vụ sự ở xứ Thái Nguyên. Năm 1750, triều đình đã mật chỉ cho Phan Tham mưu về triều yết kiến Nguyên soái phủ hiến kế sách lấy lại trấn Sơn Tây. Tháng 2 năm 1751, quan nội giám Hầu Bật Trực sau khi kiểm tra miền thượng du về đã bẩm lại với chúa Trịnh Doanh: “ Từ khi dẹp được giặc đến nay đã 8 tháng, trên rừng thì không nghe tiếng tù và, thanh la, trong nhà thì nghe tiếng đàn, tiếng sáo, từ con trẻ tới cụ già, đàn bà, con gái, lái buôn... đều ca tụng công đức của Phan Thám hoa như một chúa công, thần dân trong vùng suy tôn ông là một vị phúc thần"

Năm 1752, chúa Trịnh Doanh xin vua giáng chiếu thăng cho Phan Kính hàm “Đông các đại học sĩ” và điều đi nhậm chức Đốc đồng trấn thủ sự vụ xứ Thanh Hóa. Đầu năm 1756, sau khi về ăn tết ở quê nhà, cụ Phan Kính ra Vinh dinh (thành phố Vinh ngày nay) nhậm chức mới Thự đốc thị Nghệ An. Năm 1759, triều đình tiếp tục cử làm Đốc đồng Tuyên Quang kiêm thừa Chánh sứ. Thời gian này có xảy ra sự lộn xộn của dân chúng ở hai bên biên giới Việt – Trung, triều Lê cử Phan Kính làm Kinh lược sứ, đem theo 500 quân hộ tống lên biên giới hội khám cùng Thống đốc Vân nam là Kinh lược sứ của nhà Thanh để lập lại kỷ cương, ổn định tình hình miền biên giới giữa hai nước.

Tháng 5 năm 1760, sau khi hoàn tất việc thương thuyết với quan chức nhà Thanh về biên giới, triều đình giao nhiệm vụ thêm cho cụ là Đốc đồng Tuyên Quang kiêm Tham mưu nhung vụ đạo Hưng Hóa (gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và một phần Sơn La ngày nay). Cuối tháng 9, triều đình cử cụ sang Yên Kinh yết kiến triều Thanh để nhất trí ký kết văn kiện chính thức về biên giới. Vua Càn Long rất mến phục tài trí của Phan Kính nên đã gia phong cho cụ danh vị “Lưỡng quốc đình nguyên thám hoa", quà tặng có một chiếc cáo cẩm bào và hai bức trướng, có ghi hai dòng chữ “Thiên triều đặc tứ Bắc Đẩu dĩ Nam nhất nhân nhi dĩ” (về phía Nam sao Bắc Đẩu chỉ có một người mà thôi) và bức “khả cần khả phong”.

Do làm việc quá sức, trải qua nhiều gian lao vất vả, lại bị nhiễm chướng khí nơi biên ải, cụ qua đời tại nhiệm sở Hưng Hóa ngày 7-7-1761, thọ 47 tuổi, khi tài năng đang độ phát triển. Sau khi tiến hành trọng thể nghi lễ phúng điếu tại quân doanh đạo Hưng Hóa, thi hài cụ được rước về kinh đô Thăng Long. Đông đảo các quan văn võ tại triều vô cùng thương tiếc đến phúng viếng. Vua Lê Hiển Tông và Minh đô vương Trịnh Doanh đã cấp lễ vật, tử tuất rất trọng hậu và tự tay đề bức trướng phúng viếng khi ông qua đời: "Lưỡng đồ văn hữu vũ - Vạn lý hiểm vy di" (Hai đường kiêm văn, võ – Vạn dặm hiểm lại bình).

Phan Kính - Danh nhân tài hoa ảnh 3

Lễ cắt băng khánh thành Nhà truyền thống dòng họ Phan Vĩnh Gia năm 2015

Nhà vua lấy làm thương tiếc đã ban sắc truy phong chức Hữu thị lang Bộ hình, tước Quỳ dương bá, thụy Trung hiển, rồi giao cho Bộ Lễ cùng binh lính hộ tống linh cữu cụ về mai táng tại quê nhà. Năm 1783, sau 23 năm, để tỏ lòng mến mộ tài năng và đức độ của công thần Phan Kính, vua Lê Hiển Tông phong sắc tôn cụ là Thành hoàng, gia phong là “Anh nghị đại vương” rồi chu cấp kinh phí, cử thợ giỏi về cùng địa phương xây dựng đền thờ, lăng tẩm cụ Thám tại thôn Vĩnh Gia và giao cho ba tổng Lai Thạch, Hòa Lâm, Bình Hồ thuộc huyện La Sơn thờ phụng. Sắc phong mỹ tự của vua Cảnh Hưng năm 1783 đã viết: “… Tướng công văn tài đứng hàng đầu nho sĩ, võ lược xếp vào loại tướng giỏi, được trong triều ngoài quận kính trọng, là người có danh vọng cao như sao Bắc Đẩu trong số các bậc sĩ phu ở trời Nam. Chốn miếu đường cũng như nơi chiến địa đều lẫy lừng tiếng thơm, một miền biên thùy phía Bắc đều khen tài lạ. Từng được ban khen vinh hiển. Sống vẻ vang chết cũng vẻ vang nên cho được hưởng lộc đời đời…”. Năm 1992, nhà thờ Phan kính được Nhà nước ta xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia. Tên ông đã được chọn đặt cho đường phố ở thành phố Vinh, THị xã Hồng Lĩnh và lấy làm tên của trường tiểu học tại xã Song Lộc, Can Lộc.

Không chỉ nổi tiếng trong mưu lược nhà binh, Phan Kính còn vị nho thần vang danh về đường văn nghiệp. Danh nhân Đặng Trần Côn, người bạn cùng thời cũng đã từng mến phục ông mà viết: "Học sâu như biển, kình nghê vùng vẫy trận văn, lời sắc hơn dao, phù dung tơi bời ngọn bút. Nhọc chi đế trụ, họ tên Tư Mã cả thành hay. Đâu phải đập đàn, Tử Ngang ai cũng quý. Tình vừa đằm thắm, vật vốn thanh cao, người với văn chương cùng tài lỗi lạc".

Năm 2011, tại buổi lễ kỷ niệm 250 năm ngày mất Phan Kính, GS-TS Phan Hữu Dật - Hội trưởng Hội đồng Phan tộc Việt Nam đã khẳng định "đây là một con người tài hoa, đã làm rạng rỡ cho dòng họ, quê hương, cống hiến trí tuệ, tài năng và sức lực cho quốc gia, dân tộc Việt Nam".

Về văn thơ, Phan Thám hoa là tác gia của nhiều bài thơ bằng chữ Hán tài hoa. Ngoài "Kinh truyện tử sử", “Sách văn lược cú”, ông còn để lại các tác phẩm: Dĩ Trực thị tộc, Vinh cổ Thái Lão, Vĩnh Gia Thám hoa Phan Kính truyện, Văn thi Hội, thi Đình, Văn tế sống cô Nhiễu…

Ngày 06/12/2015, tại hội trường xã Song Lộc, UBND huyện Can Lộc phối hợp với Sở VHTT&DL và dòng họ Phan Vĩnh Gia tổ chức lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Phan Kính - một người con họ Phan Hà Tĩnh nổi tiếng về tinh thần hiếu học, tài học và đức sáng làm quan liêm chính, công bình.

Đọc thêm

Podcast tản văn: Thăm chùa

Podcast tản văn: Thăm chùa

Bỗng thấy lòng mình an đến lạ. Cánh đồng trong tôi đã bớt đi hoang vắng và bắt đầu gieo những mầm mới đầu tiên...
“Cày” phim - từ thú vui đến hệ lụy

“Cày” phim - từ thú vui đến hệ lụy

Việc “cày” phim xuyên đêm đã trở thành thói quen của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, đằng sau thú vui ấy là những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
'Đội trưởng Mỹ' gây phấn khích

'Đội trưởng Mỹ' gây phấn khích

“Captain America: Brave New World” nhận nhiều phản hồi tích cực sau buổi chiếu sớm. Phim được kỳ vọng làm bùng nổ phòng vé toàn cầu sau những tuần đầu năm ảm đạm.
"Tuyết trắng màu hoa mận" trên cao nguyên Mộc Châu

"Tuyết trắng màu hoa mận" trên cao nguyên Mộc Châu

Những ngày đầu xuân mới, cao nguyên Mộc Châu khoác lên mình màu trắng tinh khôi của bạt ngàn hoa mận, báo hiệu mùa xuân về. Với hơn 3.200 ha mận trải rộng khắp các triền đồi, Mộc Châu trở thành vùng trồng mận hậu lớn nhất của cả nước. Trong dịp này, du khách từ khắp mọi miền tìm về để chiêm ngưỡng, ngắm nhìn và lưu lại những hình ảnh với hoa mận trắng muốt, tinh khôi.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Dọn quán bán hàng

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Dọn quán bán hàng

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Dọn quán bán hàng. Phối khí: NSƯT Mạnh Thắng. Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Mùa xanh

Podcast truyện ngắn: Mùa xanh

Cầm chiếc bánh buộc lạt vuông vức do chính tay Thàn gói, đôi mắt mẹ bỗng chùng xuống, cảm giác nghẹn ngào cứ thế dâng lên. Bao lâu rồi nhà mới gói bánh chưng, hình như khoảnh khắc này mùa xuân mới về thật rồi đấy...
 Ngồi tựa song đào - Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Ngồi tựa song đào - Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Ngồi tựa song đào. Phối khí: NS Lưu Ngọc. Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Bản tình ca Hoa Tiên

Bản tình ca Hoa Tiên

Những ngày đầu năm mới 2025, tác phẩm Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) được tái bản nhằm chuẩn bị cho sự kiện tưởng niệm 235 năm Ngày mất của danh nhân - tháng 9/2025.
Con đường trở thành ca sĩ tỷ phú của Taylor Swift

Con đường trở thành ca sĩ tỷ phú của Taylor Swift

Năm 2024, Taylor Swift khép lại chuyến lưu diễn kéo dài gần 2 năm vòng quanh thế giới đạt doanh thu gần 2 tỷ USD. Đây là con số trong mơ với một nghệ sĩ biểu diễn trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Hát xoan Phú Thọ: Mó cá

Hát xoan Phú Thọ: Mó cá

Tiết mục hát xoan Phú Thọ "Mó cá" do các nghệ nhân dân gian phường xoan An Khái (Kim Đức, Phú Thọ) biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Tiết mục múa độc lập: Bên khung dệt

Tiết mục múa độc lập: Bên khung dệt

Tiết mục múa độc lập: Bên khung dệt. Biểu diễn: Tốp múa nữ. Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Vui xuân ở Đình Hoa Vân Hải

Vui xuân ở Đình Hoa Vân Hải

Các hoạt động sôi nổi nhân dịp đầu xuân tại Đình Hoa Vân Hải (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) nhằm thắt chặt tình làng xóm, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất.