Từ giữa học kỳ 2, các trường THCS ở Hà Tĩnh đã tiến hành tăng thời lượng học trực tiếp bằng việc tổ chức buổi 2 để tập trung ôn luyện kiến thức cho học sinh lớp 9. Cùng với đó, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh trên cơ sở năng lực học tập và sự lựa chọn nghề nghiệp cũng đang được đẩy mạnh.
Công tác hướng nghiệp cho học sinh đã được Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Can Lộc) lồng ghép trong từng buổi học theo từng chủ đề.
Tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Can Lộc), thời gian qua, công tác hướng nghiệp cho học sinh đã được trường giao cho giáo viên chủ nhiệm lồng ghép trong từng buổi học, từng buổi sinh hoạt với từng chủ đề như: Ý nghĩa của việc lựa chọn nghề nghiệp; thế giới nghề nghiệp quanh ta; hệ thống giáo dục trung học chuyên nghiệp và hệ thống đào tạo nghề; các hướng đi sau tốt nghiệp THCS...
“Qua thăm dò nguyện vọng của học sinh và căn cứ vào kết quả sau các lần thi: giữa học kỳ 1, cuối kỳ 1, giữa kỳ 2 cùng với 2 lần thi thử, chúng tôi đã tổ chức chia lại lớp cho học sinh tùy theo năng lực học tập của các em. Khảo sát ban đầu qua 235 học sinh lớp 9 cho thấy, hiện tại có khoảng 26% học sinh có nguyện vọng theo học tại các trường nghề” - cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành thông tin.
Sau khi chia lớp, Trường THCS Vũ Diệm (Can Lộc) đã tổ chức gặp gỡ học sinh để định hướng nghề nghiệp.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm học này, Trường THCS Đại Thành (Cẩm Xuyên) thực hiện phân luồng cho học sinh bằng cách chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được thực hiện ngay khi bước sang học kỳ 2 với việc khảo sát ý kiến, nguyện vọng của học sinh; giai đoạn 2 được thực hiện vào thời điểm ôn tập nước rút, ngay khi kết thúc chương trình chính khóa.
Thầy giáo Hà Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường THCS Đại Thành cho biết: “Ngoài sự định hướng của nhà trường qua năng lực học tập, việc phân chia giai đoạn phân luồng là để cho học sinh có thời gian suy nghĩ và tự định hướng về con đường tương lai, để từ đó các em có thể lựa chọn vào học tại trường THPT công lập hoặc tại các trường nghề”.
Việc định hướng sớm về con đường nghề nghiệp giúp nhiều học sinh ở Trường THCS Đại Thành xác định rõ mục tiêu phấn đấu.
Qua số liệu khảo sát ở Trường THCS Đại Thành, ở giai đoạn phân luồng lần thứ nhất, đã có khoảng 24% học sinh lớp 9 có mong muốn vào học trường nghề. Tuy nhiên, đây chưa phải là số liệu cuối cùng, bởi giai đoạn 2 của việc ôn tập và định hướng nghề nghiệp lần 2 vừa mới bắt đầu. Như những năm trước, ngay sau khi có sự vào cuộc, tư vấn nghề nghiệp của các trường nghề cho học sinh, phụ huynh thì tỷ lệ học sinh lựa chọn trường nghề tăng lên đáng kể.
Em Nguyễn Thị Hương Sen - học sinh lớp 9E, Trường THCS Đại Thành chia sẻ: “Với năng lực học tập trung bình, em đã lựa chọn học nghề. Điều này sẽ giúp em giảm áp lực học tập trong giai đoạn nước rút và cũng mở ra những cơ hội nghề nghiệp cho em sau này”.
Cùng với nỗ lực của các trường THCS trong thực hiện phân luồng, định hướng nghề nghiệp, thời gian này, hệ thống các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại các huyện, thành thị cũng đã tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyển sinh.
Ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn học nghề sau THCS (Ảnh: Giờ thực hành của học sinh Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh).
Thầy Nguyễn Hải Diên - Trưởng phòng Đào tạo và Đảm bảo chất lượng, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang xúc tiến việc tư vấn nghề nghiệp trực tiếp cho học sinh, phụ huynh tại một số trường THCS trên toàn tỉnh, trong đó, trường cũng đã tập trung quảng bá một số mã ngành đào tạo mới phù hợp với xu thế phát triển như: năng lượng tái tạo, may mặc, dịch vụ nhà hàng… Sắp tới chúng tôi sẽ xúc tiến việc đưa học sinh THCS về tham quan tại trường để các em có thể hình dung và tìm hiểu rõ hơn về môi trường mình đang hướng tới”.
Phân luồng sau THCS ở Hà Tĩnh được thực hiện theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" và Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Đây là định hướng quan trọng nhằm khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh có sự định hướng sớm về con đường tương lai ngay sau khi kết thúc bậc THCS.
Việc tham mưu tỉnh giữ chỉ tiêu tuyển sinh không quá 72% học sinh lớp 9 vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 được ngành giáo dục căn cứ vào điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tại các trường THPT trên toàn tỉnh và thực tế tại các trường nghề.
Năm nay, Hà Tĩnh có gần 18.700 học sinh lớp 9, với tỷ lệ phân luồng không quá 72%, sẽ có hơn 5.200 học sinh không vào lớp 10 THPT.