Kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Tĩnh diễn ra vào đầu tháng 7 với tổng số hơn 15.600 thí sinh tham gia.
Khi điểm chuẩn năm học 2021-2022 được công bố, nhiều trường THPT trên địa bàn vui mừng bởi điểm đầu vào năm nay tăng mạnh, có trường bứt phá đáng kể về chất lượng.
Toàn tỉnh có 25/36 trường có điểm đầu vào từ 20 đến 33 (tăng 16 trường so với năm học trước). Trường có điểm đầu vào cao nhất là THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) 33 điểm, thấp nhất là THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh) 15 điểm. Thành Sen cũng là trường duy nhất trong năm học này có điểm đầu vào ngang với điểm sàn quy định, trong khi đó, năm học 2020-2021 toàn tỉnh có 17 trường lấy điểm đầu vào là 15.
Điểm đầu vào Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) tăng 6 điểm so với năm học trước. Ảnh tư liệu
Năm nay trường có điểm số tuyển sinh đầu vào tăng mạnh nhất là THPT Kỳ Anh (TX Kỳ Anh), tăng 8,75 điểm .
Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh cho biết: “Năm nay tỷ lệ học sinh có nguyện vọng đăng ký thi vào trường khá lớn, 767 em nhưng chỉ lấy 630 chỉ tiêu. Ngoài ra còn có thêm một số học sinh thi vào Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh nhưng đăng ký nguyện vọng 2 tại trường. Vì thế trong đợt tuyển sinh này, có khoảng 170 học sinh bị loại”.
Thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT Kỳ Anh (TX Kỳ Anh).
Sau THPT Kỳ Anh, nhiều trường cũng đã có sự cải thiện đáng kể về chất lượng đầu vào. Sự thay đổi này thể hiện đồng đều ở tất cả các vùng miền cho thấy những chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục đại trà trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể: THPT Lê Hữu Trác (Hương Sơn) tăng 7,5 điểm; THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh) tăng 6,75 điểm; THPT Nguyễn Trung Thiên (Thạch Hà) tăng 6,75 điểm; THPT Vũ Quang tăng 6 điểm; THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) tăng 6 điểm; THPT Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh) tăng 5,25 điểm; THPT Đồng Lộc (Can Lộc) tăng 5,25 điểm...
Chất lượng giáo dục bậc THCS ngày càng được cải thiện (Ảnh: Giờ học của học sinh lớp 9 Trường THCS Đại Nài- TP Hà Tĩnh)
Nguyên nhân điểm đầu vào các trường THPT năm nay tăng mạnh, ngoài sự cải thiện về chất lượng giáo dục bậc THCS, còn là kết quả của việc thực hiện tốt công tác phân luồng nhờ đó nhiều học sinh có năng lực học tập hạn chế đã chọn hướng học nghề.
Thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Vài năm trở lại đây, với sự chỉ đạo của ngành giáo dục trong việc tập trung đổi mới dạy - học bậc học THCS với chủ đề: “Năm học của THCS”, chất lượng học sinh bậc học này ngày càng được cải thiện đáng kể. Kết quả điểm chuẩn của kỳ thi vào lớp 10 THPT đã khẳng định sự chuyển biến đáng mừng".
Việc phân luồng học sinh sau THCS được thực hiện với mục đích cân đối nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu