Bộ sưu tập các đạo sắc phong cổ thời Lê được phát hiện tại nhà thờ họ Võ
Theo ông Sơn, các tư liệu trên được phát hiện tại nhà thờ họ Võ, thuộc thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh, gồm 5 đạo sắc phong cùng nhiều câu đối, bia đá bằng văn tự Hán - Nôm cổ quý hiếm thời Lê.
Các tư liệu và hiện vật cổ nói trên liên quan đến nhân vật Võ Tá Kỳ, quê làng Hà Hoàng, phủ Thạch Hà xưa, nay thuộc xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh. Ông làm quan dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740-1786).
Các câu đối cổ thời Nguyễn bằng gỗ sơn son thếp vàng được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ.
Được biết, dòng họ Võ Tá, vùng đất Hạ Hoàng ở thế kỷ XVII-XVIII nổi tiếng là dòng họ có 18 Quận công và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.
Bộ sưu tập 5 đạo sắc phong thời Lê, trong đó có một đạo sắc phong cho vợ của Võ Tá Kỳ, còn lại 4 đạo sắc nội dung ghi nhận công lao của ông trong thời gian phục vụ dưới triều đại Cảnh Hưng (1740-1786).
Các tư liệu Hán Nôm cổ còn lại được lưu giữ tại nhà thờ còn có ba đôi câu đối có niên đại thời Nguyễn (niên hiệu Khải Định năm 1914 và 1919), nội dung ca ngợi công lao của danh thần Võ Tá Kỳ và sự hiển danh của dòng họ.
Tấm bia đá cổ thời Lê với khối đá nguyên khối hình chữ nhật tại nhà thờ.
Ngoài ra, còn có một tấm bia đá cổ thời Lê hình chữ nhật, nội dung khắc ghi chữ Hán Nôm cổ: “Sơn Nam xứ Tham nghị Võ công mộ chí” (Bia mộ của ông họ Võ giữ chức Tham nghị xứ Sơn Nam)…
Việc phát hiện trên góp phần vào quá trình nghiên cứu về các danh thần của dòng họ Võ Hà Hoàng, Hà Tĩnh nói riêng và dòng họ Võ của cả nước nói chung trong quá trình phát triển và về những đóng góp, cống hiến của dòng họ trong sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước.