Những ngày qua, bà Lê Thị Phương Thanh - Hội viên Hội Luật gia huyện Thạch Hà miệt mài nghiên cứu các dự thảo luật được trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới.
Là hội viên Hội Luật gia huyện Thạch Hà, bà Lê Thị Phương Thanh luôn tích cực, năng nổ trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
“Dự kiến, kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật, trong đó, một số luật được Nhân dân hết sức quan tâm như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Quá trình lấy ý kiến góp ý các dự án luật được hội viên tham gia đầy đủ, tâm huyết và trách nhiệm, trở thành kênh tham mưu hiệu quả cho Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp thứ 5 sắp diễn ra” - bà Thanh chia sẻ.
Hội Luật gia huyện Thạch Hà có 130 hội viên đang sinh hoạt, chủ yếu công tác tại cơ quan công an, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, công chức tư pháp. Thời gian qua, hội đã phát huy vai trò chủ động trong việc nhận, nghiên cứu đóng góp ý kiến vào các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật do Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND và các cơ quan, ban, ngành gửi đến.
Các bí thư chi bộ, thôn trưởng tại Đức Thọ tìm hiểu pháp luật về hòa giải đối thoại do Hội Luật gia huyện phối hợp tổ chức.
Là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, tác động đến toàn bộ xã hội, việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Hội Luật gia TP Hà Tĩnh triển khai bài bản, chặt chẽ. Từ thực tiễn cuộc sống và quá trình nghiên cứu, xây dựng luật, các hội viên đã tập trung đề xuất, đóng góp ý kiến sát thực với quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của người dân; đồng thời thể hiện trách nhiệm của Nhân dân trước các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, 67 hội viên cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.
Ông Trần Đức Chính - Hội trưởng Hội Luật gia TP Hà Tĩnh cho hay: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức 5 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật với gần 600 người tham gia. Các văn bản được giới thiệu chủ yếu là Luật Đất đai, Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án… dành cho các đối tượng như bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ cốt cán xã, phường…”.
Hội Luật gia huyện Lộc Hà phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật phòng, chống bạo lực học đường cho các trường học trên địa bàn.
Hội Luật gia Hà Tĩnh là nơi sinh hoạt của hơn 2.000 hội viên. Từ đầu năm đến nay, Hội Luật gia tỉnh đã tổ chức, phối hợp tổ chức 9 cuộc hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến và tham gia đóng góp 75 ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ban, ngành Trung ương, của tỉnh và của huyện. Tập trung tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai; kinh tế tập thể; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2022 và năm 2023; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Hội Luật gia tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức 3 cuộc tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở với gần 800 lượt người tham dự. Hội luật gia cấp huyện triển khai 35 cuộc phổ biến pháp luật cho hơn 3.000 lượt người liên quan tới kỹ năng hòa giải cơ sở, pháp luật phòng, chống bạo lực học đường. Các huyện hội, chi hội trực thuộc thông qua thực hiện chuyên môn nghiệp vụ đã tư vấn pháp luật cho 50 lượt người và trợ giúp, hỗ trợ pháp lý gần 400 lượt người.
Lành đạo Hội luật gia Hà Tĩnh nghiên cứu, phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tham gia hoạt động lập pháp
Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết: “Phấn đấu trong quý II, hội tổ chức 2-3 hội nghị góp ý kiến vào dự án luật và tham gia góp ý 10-15 văn bản quy phạm pháp luật của các cấp. Ngoài ra, thực hiện tốt vai trò thành viên Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch tuyên truyền cho hội viên và các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở”.