Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) |
Các nhà khoa học giải thích theo cơ chế thông thường, khi bị nhiễm trùng, cơ thể sẽ có phản ứng miễn dịch, dẫn đến viêm. Tuy nhiên, quá trình viêm vẫn tiếp tục sau khi tác nhân gây bệnh được loại bỏ khỏi cơ thể, gây tổn hại tới phổi và kéo dài thời gian hồi phục của người bệnh.
Theo Phó Giáo sư Andrew Tan, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), một loại protein có tên ANGPTL4 đã góp phần gây viêm khi làm các mạch máu trong phổi bị “rò rỉ,” giúp tế bào máu trắng và các kháng thể khác xâm nhập phổi để chống nhiễm trùng.
Bằng cách ngăn chặn protein này hoạt động, quá trình “rò rỉ” của mạch máu sẽ bị hạn chế và rút ngắn quá trình viêm nhiễm.
Phó Giáo sư Tan cho biết nhóm nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm trên 40 mẫu cơ thể người và đang trong quá trình sản xuất kháng thể phù hợp cho con người.
Tuy nhiên, quá trình này có thể kéo dài 8 năm. Trong thời gian chờ đợi, các nhà khoa học Singapore cũng sử dụng kháng thể mới để nghiên cứu một thiết bị chẩn đoán giúp bác sĩ theo dõi quá trình phục hồi của bệnh nhân cúm và viêm phổi, bằng cách đo nồng độ của protein ANGPTL4.
Theo Phó Giáo sư Tan, mức độ tổn thương ở phổi có liên quan đến mật độ tập trung của ANGPTL4. Dự kiến thiết bị này có thể được sản xuất hàng loạt sau khoảng 3 năm nữa.
Hiện hai tập đoàn công nghệ sinh học đa quốc gia là Abcam và Adipogen International, đã có được bản quyền sản xuất kháng thể mới. Dự kiến huyết thanh chứa kháng thể mới sẽ được bán cho các tổ chức quốc tế để phục vụ các công trình nghiên cứu vaccine và dược phẩm.
Công trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học NTU đã mất 2 năm để hoàn thành và được Hội đồng Nghiên cứu y học quốc gia Singapore, Bộ Giáo dục và NTU cấp ngân sách.
Viêm phổi hiện là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai tại Singapore (khoảng 18%) chỉ sau ung thư, và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới (15%).