Liên quan đến việc châu Âu tuyên bố phát triển loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của riêng mình, đài phát thanh Sputnik đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia quân sự của tạp chí “Vũ khí quốc phòng” Dmitry Drozdenko. Ông cho rằng, đây là tín hiếu xấu đối với tiêm kích F-35 của Mỹ.
Hình ảnh tiêm kích thế hệ mới của các nước châu Âu. |
Ông cho biết, mẫu máy tiêm kích mới của châu Âu có nhiều điểm tương đồng với loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 của Mỹ F/A-XX. Dựa vào những hình ảnh ban đầu của chúng được công khai có thể thấy tiêm kích mới này sẽ có hai chỗ ngồi. Chúng sẽ thay thế cho các máy bay tiêm kích cũ thế hệ thứ 4++ Eurofighter Typhoon và Dassault Rafale.
Hiện nay việc nghiên cứu và phát triển loại máy bay này đang được các nhà sản xuất từ công ty Dassault Aviation tích cực thực hiện. Công ty này cũng đã công bố những hình ảnh đầu tiên về loại máy bay này. Phần phía trước của chúng khá giống với Dassault Rafale – loại máy bay trước đó của Dassault Aviation.
Người châu Âu tin tưởng rằng, loại máy bay tiêm kích mới này sẽ trở thành một nền tảng trong tương lai, là cơ sở để tạo ra các máy bay chiến đấu không người lái và có người lái thế hệ mới. Điều đáng chú ý là phiên bản máy bay tiêm kích có người lái có khả năng kiểm soát UAV không người lái.
Theo Drozdenko, đây chỉ mới là khởi đầu, các nước châu Âu cần thêm rất nhiều thời gian để thực hiện dự án này. Những hình ảnh được công bố chỉ đơn thuần là một ý tưởng về hình dạng bên ngoài, phần bên trong chúng phức tạp hơn rất nhiều lần.
Theo ông, Pháp và Đức là hai nước dẫn đầu trong lĩnh vực này nhưng họ sẽ mất khoảng 8 đến 10 năm để tạo ra một nguyên mẫu có thể bay lên bầu trời và cũng mất khoảng từng đó thời gian để kiểm tra, thử nghiệm và chứng minh khả năng của nó.
Một trong những vấn đề quan trọng đối với Đức và Pháp cũng như các nước châu Âu đó là “công nghệ đặc biệt” trang bị cho các tiêm kích thế hệ mới, riêng lĩnh vực này họ “yếu kém” hơn hẳn so với các nước như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ví dụ như động cơ máy bay và công nghệ tàng hình. Tất nhiên họ cũng có thể loại bỏ hạn chế này bằng nguồn tài chính dồi dào của mình.
Ông Drozdenko cho rằng, mong muốn tạo ra loại máy bay thế hệ mới là mơ ước của châu Âu từ lâu. Họ muốn đảm bảo an ninh cho mình nhưng không phải bằng chi phí của NATO mà sử dụng nguồn lực nội bộ.
Nói một cách khác, bằng cách tạo ra chiếc máy bay mới EU sẽ chứng minh cho Hoa Kỳ thấy rằng, châu Âu sẽ không cần loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ và dần giảm sự phụ thuộc vào các thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ. Người châu Âu sẵn sàng trả 2% GDP cho nhu cầu của NATO nhưng về kỹ thuật quân sự họ sẽ tự mình sản xuất, chuyên gia kết luận.