
Genre: Hài, kinh dị
Director: Nitivat Cholvanichsiri
Cast: Mario Maurer, Sarocha Chankimha, Seechomphu...
Rating: 5.5/10
* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Đã hơn một thập kỷ kể từ thời điểm bộ phim hài - kinh dị Tình người duyên ma gây sốt và mở đường cho các tác phẩm Thái Lan đến Việt Nam. Trong suốt thời gian đó, không ít dự án điện ảnh của xứ chùa Vàng mang thể loại tương tự chạm ngõ phòng vé Việt. Song, hầu hết đều không tạo được hiệu ứng như Tình người duyên ma từng làm, thậm chí để lại sự thất vọng kèm doanh thu trồi sụt.
Phải đến cuối năm 2024, khi 404: Chạy ngay đi bất ngờ trở thành hiện tượng, thể loại hài - kinh dị mới thật sự được hồi sinh. Với doanh thu hơn 105 tỷ đồng, dự án trở thành tác phẩm Thái Lan có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Việt.
Tiếp nối thành công đó, Rider: Giao hàng cho ma là phim hài - kinh dị Thái Lan vừa trình làng khán giả Việt. Trước khi ra mắt, tác phẩm nhận được sự chú ý nhờ thừa hưởng sức nóng của 404: Chạy ngay đi.
Hài hước lấn át kinh dị
Rider: Giao hàng cho ma kể về ba anh chàng shipper là Nat (Mario Maurer), Yod (Phuwanet Seechomphu) và Kai (Marut Chuenchomboon). Bên cạnh những đơn hàng thông thường, họ còn nhận nhiệm vụ vận chuyển những món hàng kỳ lạ đến các địa điểm ma ám và đánh giá độ kinh dị của từng nơi để gửi về phần mềm. Suốt quá trình đó, cả ba thường xuyên chạm mặt với những linh hồn chưa được siêu thoát.
Một lần, Nat vô tình gặp Pie (Freen Sarocha Chankimha) tại một cửa hàng sửa điện thoại và nhanh chóng bị thu hút bởi vẻ đẹp của cô gái trẻ. Sau thời gian cưa cẩm, cả hai dần nảy sinh tình cảm. Dù vậy, lúc đoạn tình sắp trọn vẹn, Pie bất ngờ qua đời, để lại cho Nat nhiều tiếc nuối. Nghi ngờ sự việc còn nhiều ẩn khúc, Nat quyết định cùng Yod và Kai lên đường tìm nguyên nhân Pie rời bỏ thế gian và vô tình phát hiện ra nhiều bí mật bị che giấu.

Rider: Giao hàng cho ma cân bằng hài hòa giữa hai thể loại hài và kinh dị. Trong nhiều phân đoạn, phim đan xen vừa phải các mảng miếng vào những tình huống ghê rợn, vừa đủ khiến người xem giật mình nhưng vẫn nhanh chóng giải tỏa sự căng thẳng.
Về khía cạnh kinh dị, tác phẩm tương đối thành công trong việc thiết lập bầu không khí. Ở một số cảnh, sự kết hợp giữa gam màu tối của hình ảnh, âm thanh rùng rợn và những màn jumpscare (hù dọa bất ngờ) tạo được sự sợ hãi nhất định cho khán giả. Song, cách xây dựng những pha hù dọa không mới, đi vào lối mòn và dễ đoán. Bên cạnh đó, kỹ xảo thiếu chân thật là nguyên nhân lớn khiến trải nghiệm thưởng thức của người xem không trọn vẹn.
Ở góc độ một bộ phim hài, tác phẩm làm tròn nhiệm vụ mang đến tiếng cười cho khán giả. So với những dự án cùng thể loại thường khai thác hài hình thể, Rider: Giao hàng cho ma chú trọng vào hài tình huống. Qua từng địa điểm ma ám, người xem nhiều lần bật cười với sự ngây ngô, sợ hãi và lầy lội của biệt đội shipper khi đối diện với những oan hồn.
Trong bản phim lồng tiếng Việt, sự hài hước được tăng thêm khi có sự tham gia của ba diễn viên Võ Tấn Phát, Mạc Văn Khoa và Huỳnh Thanh Trực trong vai trò lồng tiếng cho ba anh chàng shipper. Sự duyên dáng trong lối thoại của Mạc Văn Khoa giúp nhân vật Yod có thêm một đời sống mới, trở thành điểm nhấn sáng giá của tác phẩm.
Qua việc lồng tiếng, các diễn viên đan cài nhiều tình tiết, câu nói đang thịnh hành trên mạng xã hội vào lời thoại, giúp nhân vật gần gũi với khán giả Việt Nam hơn. Song, việc cố lồng ghép những mảng miếng thuần Việt vào bối cảnh Thái Lan đôi lúc không phù hợp với diễn biến câu chuyện, khiến tổng thể tình huống trở nên khiên cưỡng và chưa tạo được hiệu quả như mong đợi.

Ôm đồm thông điệp
Dọc theo hành trình khám phá bí mật của Nat cùng những người bạn, Rider: Giao hàng cho ma đề cập câu chuyện tình thân từ nhiều góc độ: tình mẫu tử, tình bạn và nổi bật nhất là tình yêu đôi lứa.
Nat và Pie yêu nhau ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Mỗi khi chạm mặt, họ hình thành sự thân thiết qua từng hành động nhỏ nhưng chất chứa đầy sự quan tâm. Khi Pie bất ngờ biến mất, Nat vượt qua mọi lời can ngăn để đi tìm người yêu. Trong một trường đoạn, hình ảnh Nat và Pie gặp lại nhau khi âm dương cách biệt tạo được sự rung cảm lớn.
Với thế mạnh về ngoại hình, Mario Maurer và Freen Sarocha Chankimha tạo thành cặp đôi đẹp, tương tác của cả hai cũng tương đối ăn ý. Cặp đôi thể hiện tròn trịa tinh thần nhiệt huyết, giàu năng lượng và yêu hết mình của đôi bạn trẻ. Mỗi khi xuất hiện cùng nhau, họ thu hút người xem bằng sự lãng mạn trong từng hành động và lời nói.
Qua mối tình của Nat và Pie, bộ phim khai thác câu chuyện tình bạn giữa ba anh chàng shipper. Không đối đầu tranh giành từng đơn hàng, họ hỗ trợ nhau không màng danh lợi. Dù ra sức khuyên can Nat, Yod và Kai vẫn luôn có mặt mỗi khi người bạn thân cần giúp đỡ. Nat, Yod và Kai là hình ảnh đại diện cho tình bạn chân thành trong cuộc sống, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách. Sau mỗi lần mâu thuẫn, họ chịu đặt cái tôi xuống để tiếp tục kề cạnh bạn mình.
Về phía Pie, cô mất đi, mang theo nhiều bí mật về mẹ. Vì thương con, bà không chấp nhận việc Pie rời bỏ mình nên dùng tà thuật, trói linh hồn cô ở lại trần thế. Lúc sinh thời, Pie cũng nhiều lần không được làm những điều cô mong muốn.
Mẹ Pie đại diện cho hình mẫu phụ huynh thương con một cách cực đoan, luôn cố hướng con mình đi theo những điều bản thân cho là tốt. Dẫu vậy, điều tốt nhất dành cho con trẻ là để chúng được sống cuộc đời của chính mình.
Rider: Giao hàng cho ma cho thấy nỗ lực trong việc truyền tải nhiều thông điệp đến khán giả. Song, việc ôm đồm nhiều tuyến truyện khiến các chủ đề không được khai thác cặn kẽ, dẫn đến tổng thể tác phẩm bị nhạt nhòa và thiếu chiều sâu.

Việc gặp nhau và hình thành mối quan hệ giữa Nat và Pie chỉ được xây dựng chóng vánh, khiến khán giả chưa thể kết nối cảm xúc với bộ đôi nhân vật chính. Do đó, khi biến cố xảy ra, người xem chưa thể đồng cảm với Nat trong suốt hành trình anh tìm gặp người yêu. Điều này khiến câu chuyện trong Rider: Giao hàng cho ma trôi qua hời hợt và chưa thể lưu lại dấu ấn cho người xem.
Sau 5 ngày công chiếu, bộ phim hài - kinh dị Thái Lan thu về hơn hơn 20 tỷ đồng, một con số tương đối ấn tượng trong bối cảnh phòng vé Việt đang xuất hiện màn đua tranh chưa từng có giữa phim nội và phim ngoại. Dẫu vậy, với thành tích trên, Rider: Giao hàng cho ma vẫn khó chạm tới kỷ lục mà 404: Chạy ngay đi đã thiết lập trước đó một tháng.