Phó Chủ tịch PBA: 'Lệnh cấm với billiards Việt Nam là vô căn cứ'

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Billiards Chuyên nghiệp (PBA) Lee Hee-jin, billiards Việt Nam đang chịu bất công vì các cơ quan quản lý chưa tìm được tiếng nói chung.

Ngày 30/7, Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) cho biết các thành viên bị cấm tham dự các giải của Liên đoàn Billiards châu Á (ACBS), Liên đoàn pool thế giới (WPA) và Liên đoàn Billiards và Snooker quốc tế (ISBF) trong sáu tháng, từ 13/7/2024 đến 12/1/2025.

Lý do được đưa ra là Việt Nam đã tổ chức Giải pool Hà Nội Open vào tháng 10/2023. Giải đấu không được ACBS cấp phép, do thuộc hệ thống World Nineball Tour (WNT) của Matchroom Pool – một tổ chức đối lập với WPA. Lệnh cấm cũng được cho nhắm vào Giải carom 3 băng Hà Nội Open vào tháng 8/2024, do thuộc Hiệp hội Billiards chuyên nghiệp (PBA) – một tổ chức đối lập với ACBS và Liên đoàn carom 3 băng thế giới (UMB).

Nguyễn Anh Tuấn thi đấu tại giải 9 bi Hà Nội Open Pool Champhionship của WNT tháng 10/2023 tại Hà Nội. Ảnh:VBP

Lệnh cấm của ACBS, WPA và ISBF dẫn đến cuộc tranh luận lớn trong giới billiards Việt Nam lẫn thế giới. Nhiều cơ thủ pool nổi tiếng như Shane Van Boening, Jyson Shaw, Francisco Sanchez... đòi dỡ lệnh cấm và có thể tẩy chay không tham dự các giải của WPA. Điều này khiến WPA phải lên tiếng trấn an, cho biết sẽ có cuộc gặp gỡ trực tuyến để lắng nghe nguyện vọng của các cơ thủ. Trong khi đó, Matchroom và PBA thất vọng, cho rằng ACBS vượt quyền và kìm hãm sự phát triển của billiards Việt Nam.

Phó Chủ tịch PBA Lee Hee-jin gọi lệnh cấm là "vô lý và thiếu căn cứ", trong cuộc trao đổi với VnExpress. Điểm vô lý được nhắc đến là hai giải pool và carom 3 băng Hà Nội Open do Liên đoàn Billiards Hà Nội (HBSF) tổ chức, trong khi HBSF không phải thành viên của VBSF.

Ông Lee cho biết: "Việt Nam bị phạt vì không thể ngăn các giải đấu không thuộc hệ thống của ACBS, diễn ra tại Việt Nam. Nhưng đây là việc VBSF không thể kiểm soát, vì đơn vị có quyền hạn cấp phép tổ chức không phải liên đoàn mà là Ủy ban Nhân dân các thành phố đăng cai giải".

Phó chủ tịch PBA cũng cho rằng phía Việt Nam đáng lẽ phải có động thái phản biện với ACBS, để xử lý êm đẹp, thay vì chấp nhận bị phạt. Cơ sở để VBSF có thể dựa vào là Trung Quốc, Philippines cũng tổ chức giải Matchroom, còn Hàn Quốc tổ chức PBA Tour, nhưng ACBS chưa từng có văn bản phạt hay thể hiện thái độ ngăn cấm với liên đoàn các nước trên.

Cơ thủ carom Nguyễn Quốc Nguyện nhận định đây là quyết định "không công bằng" với Việt Nam. "Liên đoàn Billiards Việt Nam có vai vế ngang bằng Hàn Quốc, Trung Quốc", anh cho hay. "Tôi thấy làm chưa đúng đắn. Nếu ACBS có khả năng cấm Việt Nam thì cần cấm cả các nước khác".

Bao Phương Vinh tại giải carom 3 băng thế giới tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ tối 10/9/2023. Ảnh:UMB

Các hiệp hội từng ngồi lại với nhau để tìm phương án cùng phát triển, nhưng bất thành hoặc không duy trì được lâu. WPA và WNT từng bắt tay để tổ chức song song nhiều giải đấu. Bất đồng đến vào tháng 10/2023, khi Giải pool Hà Nội Open của WNT tổ chức từ ngày 10/10 đến 15/10, sát thời điểm Qatar Open của WPA diễn ra từ 4/10 đến 10/10, khiến nhiều cơ thủ không thể dự hai giải.

PBA cũng có ba lần họp với UMB vào năm 2018, 2019 và 2023. UMB đưa ra điều kiện để PBA tài trợ một khoản tiền hàng năm. "Chúng tôi sẵn sàng cung cấp với điều kiện đôi bên cùng có lợi", ông Lee Hee-jin nói. "Nhưng chúng tôi cảm thấy UMB không dùng tiền đó để giúp họ phát triển, mà để ngăn cản sự phát triển của PBA".

Đại diện PBA khẳng định đã thể hiện sự cầu thị và thái độ tích cực và phần còn lại phụ thuộc vào sự thay đổi của những người lãnh đạo UMB. Theo đại diện PBA, những cơ thủ trụ cột của carom đến từ Hàn Quốc và Việt Nam nên UMB muốn đảm bảo quyền lực tại hai quốc gia này. Tuy nhiên, PBA đã nắm giữ toàn bộ quyền lực tại Hàn Quốc, đang bắt đầu phát triển sang Việt Nam và không giấu diếm tham vọng sang châu Âu và châu Mỹ.

Quan điểm cứng rắn của UMB cũng được cho có sự thay đổi. Năm 2019, khi PBA lần đầu tổ chức tại Hàn Quốc, 850 cơ thủ tham dự đã bị cấm dự các giải UMB trong hai năm. Đến năm nay, 350 cơ thủ Việt Nam tham dự vòng loại PBA Tour ở TP HCM, nhưng UMB đã không có hành động tương tự như với Hàn Quốc.

Ông Lee Hee-jin nhận định: "Tôi nghĩ UMB cũng mệt mỏi rồi. Từ bị ngăn cấm, PBA vẫn vào được Việt Nam. PBA bắt đầu muộn hơn nhưng sau sáu năm đã lớn mạnh và tiếng nói có trọng lượng. UMB phải tự nhận thấy sự cấm đoán không có ý nghĩa mà cần có thái độ cởi mở hơn thì mới có thể hợp tác cùng nhau".

Sức mạnh của PBA đến từ tiền thưởng, khả năng quảng bá lẫn thể thức thi đấu. Tiền thưởng vô địch cho nam trong một chặng PBA Tour là khoảng 75.000 USD, cao hơn ba lần một chặng UMB World Cup. Trên các diễn đàn billiards, người hâm mộ Việt Nam cho rằng việc tiếp cận xem PBA Tour dễ hơn UMB. Trong khi đó, vòng loại carom Hà Nội Open tổ chức tại TP HCM thu hút 350 cơ thủ, còn giải vô địch thế giới của UMB là 130.

Thể thức thi đấu của PBA là đánh theo set được cho tạo sức hấp dẫn và áp lực lớn hơn, đồng thời tạo cơ hội cho nhiều VĐV nữ, VĐV trẻ dưới 18 tuổi tham dự. Trong khi đó, luật chơi của UMB có lợi hơn cho những cơ thủ kỳ cựu.

Về luật, PBA không cấm các VĐV đã ký hợp đồng tham dự các giải của UMB, nhưng UMB thì ngược lại. Dù vậy, nhiều VĐV vẫn quyết định rời UMB để đầu quân cho PBA, như Việt Nam có Nguyễn Quốc Nguyện, Ngô Đình Nại, Mã Minh Cẩm, Nguyễn Huỳnh Phương Linh.

Quốc Nguyện thấu hiểu luật cấm của UMB, vì chỉ khi các thành viên tuân thủ quy định thì hiệp hội mới có thể duy trì và phát triển. Tuy nhiên, VĐV sinh năm 1982 cũng mong rằng các hiệp hội như PBA hay UMB có thể tìm được tiếng nói chung, để xoá bỏ lệnh cấm hoặc giảm bớt mức độ, để phát triển hơn nữa môn thể thao. "Tôi mong một ngày có thể tiếp tục đại diện cho Việt Nam thi đấu", Quốc Nguyện cho hay. "Tôi muốn được cùng anh em, đồng đội cũ giương cờ Việt Nam, hát quốc ca".

Vì sao billiards khó vào Olympic, ASIAD?

Billiards từng được tổ chức tại ASIAD từ Bangkok 1998 đến 2010, với 10 HC vàng mỗi kỳ. Tuy nhiên, môn bị loại từ Incheon 2014, khi không phải môn thế mạnh của chủ nhà lẫn thuộc hệ thống Olympic. Sau đó, billiards được chuyển sang tổ chức tại Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á (AIMAG).

Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) cũng không xếp billiards vào môn thể thao tại Olympic, mà chỉ có thể tổ chức tại World Games. Quan điểm của IOC cho rằng đây là môn thể thao thiên về biểu diễn nhiều hơn, trong khi mục tiêu Olympic là "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn".

Billiards đáp ứng tiêu chí cơ bản của môn thể thao Olympic, như được chơi phổ biến ở ít nhất 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Liên đoàn thế giới WCBS của môn thể thao ấy phải trực thuộc và được IOC công nhận. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của các tổ chức như WNT, PBA đặt ra cho WCBS thách thức phải thay đổi để duy trì quyết lực.

vnexpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói